Xoay quanh Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường, quy định phí tái chế EPR vẫn khiến cộng đồng doanh nghiệp quan ngại về việc đảm bảo sự minh bạch và sử dụng đúng mục đích…
Liên quan đến những phản hồi của Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020 (Dự thảo), cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, khung pháp lý để quản lý “đóng góp tài chính” về quy định phí tái chế EPR đã không được đơn vị này tiếp thu, nên không có giải thích.
Cụ thể, ở Điều 83 Dự thảo, chưa có khung pháp lý rõ ràng để quản lý “đóng góp tài chính”, dẫn đến nguy cơ khó đảm bảo sự minh bạch và sử dụng đúng mục đích.
Theo cộng đồng doanh nghiệp, Quỹ Bảo vệ môi trường (BVMT) Việt Nam được thành lập và quản lý theo Quyết định 78/2014/QĐ-TTg, tại Điều 2 chỉ “có chức năng cho vay lãi suất ưu đãi, tài trợ, hỗ trợ lãi suất cho các chương trình, dự án, các hoạt động, nhiệm vụ BVMT” mà không có chức năng chi trả cho hoạt động tái chế, và cũng chưa có khung pháp lý để quản lý chức năng này.
Văn phòng EPR Việt Nam và Quỹ BVMT thu phí thì phải chịu trách nhiệm tái chế thay cho các doanh nghiệp, nhưng lại chưa thấy quy định Văn phòng EPR Việt Nam và Quỹ BVMT sẽ chịu trách nhiệm như thế nào nếu tái chế không đạt mức quy định?
Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp đề nghị, để đảm bảo sử dụng khoản thu này minh bạch và đúng mục đích, cần có khung pháp lý để quản lý thu chi, phù hợp nhất là Luật quản lý phí, lệ phí, vì thế nên thay cụm từ “Đóng góp tài chính” bằng cụm từ “Phí bảo vệ môi trường”.
Hoặc nếu gọi là “Đóng góp” thì nên thêm vào Điều 83 quy định “Khoản đóng góp này được quản lý theo các quy định về quản lý phí trong Luật quản lý phí, lệ phí, và được giữ lại hoàn toàn ở Quỹ BVMT để chi trả cho hoạt động tái chế”. Hoặc sửa đổi quyết định 78/2014/QĐ-TTg để bổ sung chức năng và cơ chế quản lý thu chi cho Quỹ BVMT, hay xây dựng Nghị định quản lý các quỹ của Nhà nước ngoài ngân sách, trong đó bao gồm cả Quỹ BVMT.
Về khoản nộp bổ sung Fm = 5% để chi cho hoạt động của Văn phòng EPR, cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, chi phí quản lý chi cho cán bộ Nhà nước cần lấy từ ngân sách Nhà nước. Các doanh nghiệp đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế môi trường, đóng góp tái chế và nhiều loại thuế phí khác. Nhà nước dùng các khoản nộp này của doanh nghiệp để làm ngân sách hoạt động cho quản lý Nhà nước.
“Do đó, chi phí cho một số cán bộ Nhà nước quản lý hoạt động tái chế (nếu có) cũng cần lấy từ ngân sách Nhà nước, chứ không nên yêu cầu doanh nghiệp đóng thêm 5% để cán bộ quản lý nhà nước tiêu ngoài ngân sách theo hình thức “đóng góp tài chính” như trong Dự thảo”, ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng thư ký Hiệp Hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) chia sẻ.
Từ những bất cập đã nêu, cộng đồng doanh nghiệp đề nghị, bỏ chi phí quản lý, tổ chức tái chế (Fm).
Cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, chi phí quản lý chi cho cán bộ Nhà nước cần lấy từ ngân sách Nhà nước – Ảnh minh họ
Bên cạnh đó, các quy định về Văn phòng EPR Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp cũng cho rằng, không phù hợp về pháp lý.
Cụ thể, Điều 90 của Dự thảo quy định “Văn phòng EPR Việt Nam là tổ chức sự nghiệp ngoài công lập… chịu sự chỉ đạo, quản lý, giám sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Hội đồng EPR quốc gia. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập và phê duyệt điều lệ hoạt động của Văn phòng EPR Việt Nam”. Từ quy định này cho thấy rằng bản chất của Văn phòng EPR Việt Nam là tổ chức công lập, chứ không phải là tổ chức ngoài công lập.
Theo ông Nam, quy định này là trái với Điều 2 Nghị định 53/2006/NĐ-CP quy định: “Đơn vị sự nghiệp ngoài công lập là cơ sở do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, cá nhân, nhóm cá nhân hoặc cộng đồng dân cư thành lập”. Đồng thời, quy định về Văn phòng EPR Việt Nam cũng không có trong Luật BVMT, và trái Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, khoản 1 Điều 11 quy định: “Văn bản quy định chi tiết chỉ được quy định nội dung được giao”.
“Nếu Dự thảo vẫn khẳng định Văn phòng EPR Việt Nam là một tổ chức ngoài công lập thì toàn bộ mọi hoạt động của Văn phòng EPR Việt Nam phải do các doanh nghiệp bầu chọn và quyết định. Ngược lại, nếu quy định Văn phòng EPR Việt Nam là tổ chức công lập thì như thế sẽ làm tăng thêm biên chế, đi ngược với chủ trương của Chính phủ về tinh giản và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước”, ông Nam nêu quan điểm.
Ngoài ra, kinh phí hoạt động của Văn phòng EPR Việt Nam cũng được cho là chưa phù hợp và chưa có quy định về chế tài trách nhiệm đối với cán bộ Văn phòng EPR Việt Nam.
Theo cộng đồng doanh nghiệp, việc sử dụng tiền của doanh nghiệp đóng góp để chi trả kinh phí hoạt động của Văn phòng EPR Việt Nam theo khoản 3, Điều 90 Dự thảo là chưa hợp lý, bởi chi phí quản lý cho cán bộ Nhà nước cần lấy từ ngân sách Nhà nước.
Chưa kể, Văn phòng EPR Việt Nam thu phí của các doanh nghiệp để tái chế thì phải chịu trách nhiệm tái chế thay cho các doanh nghiệp, tuy nhiên, Dự thảo lại chưa quy định chế tài đối với cán bộ Văn phòng EPR Việt Nam nếu họ không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm tái chế.
Từ đó, cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, bỏ việc thành lập mới Văn phòng EPR Việt Nam, mà thay vào đó nên giao nhiệm vụ quản lý, giám sát việc thực hiện trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu cho một đơn vị chuyên môn của Bộ TN&MT, để đảm bảo sự giám sát chặt chẽ của cơ quan Nhà nước đối với hoạt động tái chế ở Việt Nam.
Cùng với đó, bổ sung điều khoản quy định xử lý trách nhiệm của các cán bộ đơn vị chuyên môn và Quỹ BVMT nếu không thực hiện hoặc không thực hiện đầy đủ trách nhiệm tái chế thay cho doanh nghiệp. Mức phạt phải tương đương với mức phạt áp dụng cho cá nhân vi phạm hành chính theo bản chất của xử phạt vi phạm hành chính áp dụng đối với cá nhân và các cá nhân liên quan phải nộp phạt, chứ không được lấy từ Quỹ BVMT.
Cũng theo cộng đồng doanh nghiệp, trong giai đoạn 2022-2024, các doanh nghiệp vẫn phải vật lộn để chống dịch và phục hồi sau dịch nhưng Bộ TN&MT tiếp thu một phần, hoãn 1 năm, bắt đầu thu “đóng góp tái chế” vào tháng 01/2024 sẽ tiềm ẩn hệ lụy, doanh nghiệp sẽ buộc phải tăng giá hàng hóa do tăng chi phí đầu vào, ảnh hưởng tiêu cực tới mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ.
Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp đề nghị, giãn lộ trình thực hiện trách nhiệm tái chế cho đến tháng 01/2025.
Trước những phản ánh của báo chí và công đồng doanh nghiệp về những bất cập, hạn chế của một số quy định trong Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020 nếu được thông qua, Phó Thủ tướng Chính phủ – Lê Văn Thành đề nghị Dự thảo phải hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó, Phó Thủ tướng Chính phủ – Lê Văn Thành giao Bộ Tài nguyên và môi trường chủ trì, phối hợp với một số Bộ, ngành liên quan như Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… tiếp tục làm việc với đại diện doanh nghiệp. “Dự thảo cần được xây dựng đúng theo tinh thần đảm bảo thực tiễn, thuận lợi cho công tác quản lý Nhà nước về môi trường nhưng phải hạn chế tối đa tác động tiêu cực, tạo gánh nặng chi phí, thủ tục hành chính cho doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng – Lê Văn Thành nhấn mạnh. |
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp
Ảnh: Cộng đồng doanh nghiệp vẫn quan ngại về quy định phí tái chế EPR- Ảnh minh họa