Lâm Đồng: Nhức nhối nạn khai thác khoáng sản tràn lan

Hàng loạt vụ khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng bị phát hiện. Dù cơ quan chức năng đã có quyết định xử phạt và nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng tình trạng này vẫn chưa dừng lại.

Bất chấp quy định, hủy hoại tài nguyên

Mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng mới ra quyết định xử phạt Công ty TNHH Phượng Đỏ Đà Loan (địa chỉ thôn Đà Lâm, xã Đà Loan, huyện Đức Trọng) về hành vi hủy hoại 3,16 ha đất ở xã Đà Quyn.

Được biết, Công ty TNHH Phượng Đỏ Đà Loan được cấp giấy phép kinh doanh với nhiều ngành nghề khác nhau, trong đó có lĩnh vực vận tải, chăn nuôi, trồng trọt, khai thác đá, cát, sỏi, đất sét…

Khu đất 3,16 ha nằm trên địa bàn xã Đà Quyn được UBND tỉnh Lâm Đồng cho Công ty TNHH Phượng Đỏ Đà Loan thuê từ tháng 10/2019. Tuy nhiên, khi chưa được cơ quan chức năng cho phép khai thác thì doanh nghiệp đã tự ý hủy hoại.

Dù sau khi bị phát hiện, Công ty TNHH Phượng Đỏ Đà Loan đã dừng hoạt động, thành thật hối lỗi… nhưng vẫn bị cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng xử phạt 120 triệu đồng, buộc trong vòng 30 ngày kể từ ngày có quyết định xử phạt phải khôi phục lại tình trạng ban đầu khu đất đã hủy hoại.

Một vụ việc khác nghiêm trọng hơn diễn ra tại tỉnh Lâm Đồng hồi cuối tháng 4/2021 khi chủ đầu tư dự án khu du lịch tâm linh Đại Tùng Lâm (thị trấn Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai) tự ý khai thác vượt quá khối lượng đất ở một quả đồi nằm cạnh QL20 (đối diện dự án) để san lấp mặt bằng.

Theo tìm hiểu của Tạp chí Kinh tế Môi trường, quả đồi này thuộc quản lý của chủ đầu tư dự án. Tuy nhiên, khi chưa được sự đồng ý của cấp thẩm quyền liên quan, chủ đầu tư đã ngang nhiên đưa máy xúc, máy ủi lấy đi một khối lượng lớn đất tại quả đồi này.

Mặc dù bị cơ quan chức năng phát hiện, yêu cầu dừng tiến hành khai thác đất tại quả đồi này từ cuối tháng 4/2021 nhưng theo ghi nhận của của phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường hồi giữa tháng 5/2021, quả đồi mặt tiếp giáp với QL20 đã bị khoét hẳn một vùng sâu hoắm. Tại khu vực có 3 chiếc máy xúc, máy ủi đang hoạt động mặc dù lúc này đã gần 19h.

Một số công nhân làm việc bên trong khu du lịch tâm linh Đại Tùng Lâm xác nhận, khối lượng đất lấy tại quả đồi được đổ vào bên trong dự án để san lấp mặt bằng.

Đến tháng 6/2021, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Hải vẫn đang giao cho lực lượng chuyên môn huyện Đạ Huoai giải quyết, có báo cáo về UBND tỉnh. “Tôi đã hướng dẫn doanh nghiệp và huyện Đạ Huoai trình tự và thủ tục rồi”, ông Hải thông tin.

Điều đó cho thấy, chủ đầu tư dự án khu du lịch tâm linh Đại Tùng Lâm là Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Hoa Sen (thành viên của Tập đoàn Hoa Sen) có dấu hiệu bạt đồi, lấy đi một khối lượng lớn đất khi chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo quy định.

Ngoài ra, trong 9 tháng đầu năm 2021, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng cũng có nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác khoáng sản với hàng loạt doanh nghiệp trên địa bàn.

Như hồi tháng 1/2021, Công ty cổ phần Địa ốc Đà Lạt bị xử phạt 100 triệu đồng khai thác mỏ đá không đúng các thông số theo hồ sơ thiết kế, một số vị trí có nguy cơ mất an toàn trong khai thác, không lập báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ hàng năm…

Công ty cổ phần Địa ốc Đà Lạt còn sử dụng 1.000 m2 (thuê lại) để đặt trạm trộn bê tông và sản xuất, kinh doanh mặt hàng bê tông tươi thương phẩm tại TP.Đà Lạt từ năm 2014 đến nay, nhưng chưa có văn bản chấp hành của cấp thẩm quyền.

Tháng 7/2021, Công ty cổ phần Khoáng sản và Vật liệu xây dựng tỉnh Lâm Đồng cũng bị xử phạt đến 520 triệu đồng khi liên tục từ năm 2018 – 2020, công ty khai thác vượt công suất cho phép đối với khối lượng sét gạch ngói, sử dụng 2,2 ha đất nông nghiệp nhưng không làm thủ tục thuê đất.

Bị phạt với số tiền phạt “khủng” nhất là trường hợp của Công ty TNHH Dương Phát (phường 5, TP.Đà Lạt). Công ty này bị UBND tỉnh Lâm Đồng xử phạt lên đến 800 triệu đồng về hành vi khai thác khoáng sản vượt công suất được cấp phép (năm 2018, 2019, khai thác vượt công suất 100% và năm 2020 vượt 48%).

Hiện trường một vụ san an ủi, khai thác khoáng sản trái phép tại khu vực cuối bãi rác Cam Ly (xã Tà Nung, TP.Đà Lạt).

Chiêu trò “qua mặt” cơ quan chức năng

Theo Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng, đến nay, tỉnh đã cấp 90 giấy phép khai thác khoáng sản, riêng Bộ TN&MT cấp 6 giấy phép.

Trong quá trình hoạt động khai thác khoáng sản, một số đơn vị chưa lắp đặt camera tại trạm cân, trạm cân lắp đặt không đúng vị trí quy định hoặc không hoạt động…

Đơn cử như tại huyện Bảo Lâm, nhiều doanh nghiệp dù được cấp phép khai thác từ những năm 2011, 2013, 2014… nhưng đến nay vẫn “né” lắp đặt trạm cân và không có camera giám sát tại khu vực mỏ theo quy định.

Đại diện Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên do việc kiểm tra, giám sát, xử lý của các cơ quan chức năng chưa quyết liệt và ý thức chấp hành của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản còn hạn chế, thực hiện mang tính đối phó”.

Điều này khiến cơ quan quản lý thuế tỉnh Lâm Đồng khó trích xuất số liệu khi tiến hành thanh tra, kiểm tra. Chính vì thế, ngày 2/8/2021, Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng có văn bản gửi Sở TN&MT “điểm tên” hàng chục doanh nghiệp khai thác khoáng sản không có giấy phép khai thác, khai thác vượt công suất cấp phép, không lắp đặt trạm cân, camera giám sát, kê khai loại sản phẩm tài nguyên khai thác không đúng theo giấy phép được cấp, không đúng loại sản phẩm xác định trong dự án đầu tư, theo thiết kế mỏ, báo cáo kinh tế kỹ thuật.

Sau đó, Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng tiếp tục có văn bản gửi tới các huyện, thành phố trên địa bàn, đề nghị chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm tra, xem xét lập hồ sơ xử lý hoặc tham mưu cơ quan có thẩm quyền xử lý các tổ chức cá nhân sai phạm.

Ngày 4/8/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản và hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh nhằm kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực thi pháp luật về khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Mặc dù tỉnh Lâm Đồng liên tục kiểm tra, xử lý nhưng tình trạng vi phạm pháp luật về khai thác khoáng sản trên địa bàn vẫn đang có nhiều diễn biến phức tạp, đòi hỏi cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cơ quan chức năng.

Nguyễn Thật – Tạp chí KTMT

Theo Kinh tế Môi trường

Ảnh: Một phần quả đồi ở phía đối diện bị chủ đầu tư đào múc, lấy đất phục vụ cho xây dựng dự án khu du lịch tâm linh Đại Tùng Lâm.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://kinhtemoitruong.vn/lam-dong-nhuc-nhoi-nan-khai-thac-khoang-san-tran-lan-59778.html