Dự thảo Quy hoạch điện VIII chưa nhìn nhận đúng về vai trò của nguồn năng lượng tái tạo vì thế chưa đưa ra các giải pháp hiệu quả để khai thác, phát triển nguồn năng lượng này.
Ở bài trước, chúng tôi đã thông tin, tại tờ trình mới nhất của Bộ Công Thương, cơ cấu nguồn điện than đến năm 2030 sẽ tăng thêm 3000 MW so với nội dung dự thảo tại tờ trình số 1682/TTr-BCT của Bộ Công Thương ngày 26/03/2021, số liệu công suất tại bản dự thảo lần này đã thể hiện sự “giật lùi”, khi cắt giảm đáng kể sản lượng của nguồn năng lượng tái tạo.
Mở đường hay thắt lại?
Đáng chú ý, nội dung của bản dự thảo này cũng không đồng nhất với tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 11 tháng 02 năm 2020, thay vì khuyến khích phát triển công suất của nguồn năng lượng sạch từ điện gió, điện mặt trời… thì Dự thảo lại tăng công suất điện than là 3076 MW vào năm 2030 và tăng thêm 531 MW vào năm 2045.
Bên cạnh đó, kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo của Dự thảo lần này thấp hơn công suất đã được phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh: “Trong khi các nguồn năng lượng tái tạo có tổng công suất lắp đặt khoảng 17369 MW (chiếm tỷ lệ 25% công suất lắp đặt hệ thống) nhưng Dự thảo lại đưa ra con số chỉ sản xuất sản lượng điện năng khoảng 4,63% tổng điện năng sản xuất toàn hệ thống. Đây là một số liệu sai lệch thể hiện sự tiêu cực. Cần nhìn nhận lại một cách công bằng về vai trò đóng góp của nguồn điện từ năng lượng tái tạo” – đại diện các doanh nghiệp cho biết.
Để góp ý cho Dự thảo Quy hoạch điện VIII, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) đã tổ chức Toạ đàm trực tuyến: “Quy hoạch điện VIII: mở đường hay thắt lại lộ trình chuyển dịch xanh” để các bên quan tâm cùng thảo luận và đóng góp ý kiến. Tại toạ đàm, PGS.TS Lê Anh Tuấn – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu về Biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ khẳng định Dự thảo Quy hoạch điện VIII hiện nay so với các bản dự thảo trước đang thắt lại sự phát triển của nguồn năng lượng sạch.
Ông cho rằng, tiếp tục phát triển điện than là đi ngược lại các cam kết của Chính phủ về giảm phát thải nhà kính, đồng thời giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu khi phải đối mặt với thuế carbon từ các đối tác lớn, trong đó có Liên minh châu Âu. Với góc nhìn từ Đồng bằng Sông Cửu Long, việc xây dựng các nhà máy điện than mới đang mâu thuẫn với Dự thảo Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng, tăng nguy cơ về ô nhiễm môi trường, gây tác động xã hội, đặc biệt tại các vùng sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
Trong khi đó, Đồng bằng sông Cửu Long lại có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, các công nghệ về năng lượng tái tạo và lưu trữ đang phát triển nhanh và ngày càng rẻ hơn để thu hút nhà đầu tư và doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này.
Từ góc nhìn của doanh nghiệp, ông Mai Văn Trung – Phó Chủ tịch Công Ty Nami Energy nhận định rằng với các doanh nghiệp điện mặt trời, bản dự thảo Quy hoạch điện VIII đang thắt lại sự phát triển của ngành. Từ nay đến năm 2025 chỉ có 2000 MW điện mặt trời được đưa vào quy hoạch. Việc thắt chặt năng lượng tái tạo và đặc biệt là điện mặt trời cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nhân lực đang làm trong ngành và người tiêu dùng điện sạch, trong đó các doanh nghiệp có nhu cầu sẽ không thể tiếp cận được nguồn điện sạch.
Bên cạnh đó, đa số các doanh nghiệp xuất khẩu đang phải đối mặt với thách thức lớn khi châu Âu và Bắc Mỹ sẽ áp trần tỷ trọng sử dụng điện sạch trong tổng điện chung để tạo ra sản phẩm xuất khẩu trong năm 2022.
Đồng quan điểm với đại diện của doanh nghiệp, dưới góc nhìn của nhà khoa học, TS. Nguyễn Đức Tuyên – Viện Điện Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng cho ý kiến “Chúng ta đang đứng trước hai lựa chọn: một hệ thống điện truyền thống hay một hệ thống điện tiên tiến, hiện đại. Nếu được, chúng ta hãy dũng cảm chọn một hệ thống điện mà tỉ lệ nguồn năng lượng sạch lớn hơn, theo đuổi bước đi của các nước tiên tiến trên thế giới, tránh lặp lại những cái chúng ta nghĩ là bền vững nhưng lại trở nên lạc hậu trong thời gian tới”.
“Để phát triển mạnh nguồn năng lượng tái tạo, chúng ta cần đẩy mạnh công nghệ hiện đại như vận hành linh hoạt, dự báo công suất phát, lưới điện thông minh, phát triển nguồn điện phân tán và lưu trữ năng lượng” – TS. Nguyễn Đức Tuyên khuyến nghị.
Ông Hoàng Xuân Lương – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quyền con người Dân tộc, miền núi – Nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, bản dự thảo hoạch mới rõ ràng là thụt lùi so với bản dự thảo cũ. Phân tích về nội dung trên, ông Lương cho biết: “Quy hoạch điện VIII phải thực hiện đúng chỉ thị của Nghị Quyết 55 và chỉ đạo của Chính phủ. Việc Bộ Công Thương đưa ra một số lý do để thắt chặt năng lượng tái tạo bắt nguồn từ chính cơ chế chính sách của chính chúng ta, chứ không bắt nguồn từ bản chất của năng lượng tái tạo. Để phát triển năng lượng tái tạo, chúng ta cần phải xóa bỏ độc quyền ngành điện, thúc đẩy tư nhân hóa, tạo cạnh tranh lành mạnh trong thị trường điện.”
Nên mở lộ trình chuyển dịch xanh
Qua khảo sát nhanh của buổi tọa đàm, các chuyên gia và đại biểu tham dự đều đã chỉ ra “sự lạc hậu” thiếu tính khả thi trong bản dự thảo lần này. Theo số liệu phóng viên tập hợp, đã có 89% đại biểu tham dự không đồng tình với việc tăng công suất điện than và giảm công suất năng lượng tái tạo.
Đa số các nhà khoa học góp ý rằng, lựa chọn mở đường hay thắt chặt lộ trình chuyển dịch xanh sẽ quyết định đến định hướng phát triển xanh của Việt Nam trong tương lai khi chúng ta không phải đi giải quyết những hậu quả của ô nhiễm môi trường mang tới cho cộng đồng từ các dự án của điện than. Sở dĩ Dự thảo vẫn đặt cược vào điện than trong vòng 10 năm chính của quy hoạch (2021-2030), và tiếp tục kéo dài sự phát triển này sang giai đoạn 2035-2045. Đây là lựa chọn ẩn chứa nhiều rủi ro và khó khả thi nhất.
Đưa quan điểm đóng góp kiến nghị về Dự thảo quy hoạch VIII, bà Nguỵ Thị Khanh – đại diện Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) cho biết, nội dung của bản dự thảo mới đưa ra, tăng nhiệt điện than, giảm năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện không phản ánh được tinh thần của Nghị quyết 55-NQ/TW, trái với chính các quan điểm, mục tiêu của Quy hoạch, đi ngược với các phát ngôn của lãnh đạo cấp cao của Nhà nước, cũng như xu hướng chung trên thế giới. Đặc biệt, trong tình hình mới, với những thúc ép toàn cầu, Việt Nam cần nắm bắt cơ hội chuyển dịch để phục hồi xanh, phát triển xanh nhằm thu hút đầu tư, tránh được những thảm họa môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
“Chúng tôi cho rằng, tiếng nói của cộng đồng, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, nhà đầu tư là một nguồn lực quan trọng để đảm bảo tính khả thi của Quy hoạch điện: Cụ thể, một loạt địa phương từ chối tiếp nhận dự án điện than, đề xuất dừng dự án hoặc chuyển đổi nhiên liệu như: Thừa Thiên Huế, Bạc Liêu, Long An, Tiền Giang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Quảng Ninh…
Những dự án điện than có tính khả thi thấp, các địa phương không ủng hộ và khó tiếp cận tài chính (tương đương khoảng 19.600 MW) cần được xem xét lại cẩn trọng và tìm các phương án thay thế. Trong đó, để tạo điều kiện khai thác hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo, Quy hoạch điện VIII nên đưa giải pháp khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư lưới điện và xem xét ngay việc nghiên cứu ứng dụng giải pháp pin tích trữ không gây hại môi trường” – bà Khanh nhấn mạnh – Dự thảo Quy hoạch điện VIII cần tiếp tục làm rõ 2 vấn đề then chốt, đảm bảo tính khả thi khi thực hiện là: Một là, Bố trí nguồn vốn và định hướng cơ bản phân kỳ vốn đầu tư thực hiện Quy hoạch. Hai là; lộ trình tiến tới “thị trường điện cạnh tranh” theo Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị và lộ trình, tiến độ hoàn thiện lưới truyền tải điện quốc gia, vùng miền để thực hiện Quy hoạch.
Đặc biệt Quy hoạch điện VIII nên kiên định với con đường phát triển năng lượng tái tạo, tránh bị những trở ngại của năng lượng tái tạo vừa qua cản trở định hướng này.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp
Ảnh: Dự thảo điện VIII nên nghiên cứu lợi ích lâu dài của nguồn năng lượng tái tạo.