Nhân viên thư viện tại trường trung học cơ sở có được hưởng phụ cấp độc hại không?

Nếu cán bộ thư viện trường học không phải là giáo viên, nhưng được đào tạo nghiệp vụ thư viện thì được hưởng lương và các chế độ phụ cấp như ngành văn hóa – thông tin quy định.

Hỏi:

Thưa Luật sư, hiện nay tôi đang làm nhân viên thư viện tại trường trung học cơ sở, xin Luật sư cho biết tôi có được hưởng phụ cấp độc hại không ?

(Lâm Văn Chung, Cao Lộc, Lạng Sơn)

Luật sư trả lời:

Theo quy định tại Điều 9 Quy định về tiêu chuẩn thư viện trường trung học phổ thông ban hành kèm theo Quyết định 01/2003/QĐ-BGDĐT thì mỗi trường đều phải bố trí cán bộ, giáo viên làm công tác thư viện:

+ Nếu là giáo viên kiêm nhiệm làm công tác thư viện thì phải được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về thư viện trường học, được hưởng lương và các tiêu chuẩn khác như giáo viên đứng lớp.

+ Nếu cán bộ thư viện trường học không phải là giáo viên, nhưng được đào tạo nghiệp vụ thư viện thì được hưởng lương và các chế độ phụ cấp như ngành văn hóa – thông tin quy định.

Do vậy, vấn đề bạn hỏi bạn đang là nhân viên thư viện của một trường trung học cơ sở, nhưng bạn không phải là giáo viên, thì bạn được hưởng lương và các phụ cấp như ngành văn hóa – thông tin quy định (trong đó bao gồm phụ cấp độc hại, nguy hiểm) nếu được đào tạo nghiệp vụ thư viện.

Chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm và bồi dưỡng bằng hiện vật đối với cán bộ, công chức, viên chức ngành văn hóa – thông tin được quy định cụ thể tại Thông tư 26/2006/TT-BVHTT. Theo đó, chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm và bồi dưỡng bằng hiện vật được chia làm 03 mức cụ thể bao gồm Mức 4 với hệ số 0,49, Mức 3 với hệ số 0,30 và Mức 2 với hệ số 0,20.

Trong đó, Mức 2 với hệ số 0,20 so với lương tối thiểu áp dụng đối với những người trực tiếp làm các nghề, công việc sau:

– Vận hành máy in ôpsét, typô, máy xén, kẻ giấy;

– Sửa chữa cơ điện, các máy công cụ, máy in, xén;

– Tráng mạ, phơi và sửa bản kẽm;

– Chụp ảnh, truyền phim sang bản kẽm;

– Sắp chữ điện tử;

– Pha chế, bảo quản các loại hóa chất;

– Vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng thương binh sản xuất phim;

– Dựng cảnh, làm khói lửa trong phim;

– Tráng phim, rửa ảnh;

– Dựng nhà bạt, rạp xiếc lưu động, nhà trưng bày triễn lãm;

– Chăm sóc, nuôi dưỡng thú xiếc;

– Làm con rối;

– Nhạc công trong các dàn nhạc, đội nhạc;

– Diễn viên chèo, cải lương, dân ca, kịch, điện ảnh và ca sĩ chuyên nghiệp;

– Hướng dẫn khách thăm quan bảo tàng Hồ Chí Minh;
– Kiểm kê, bảo quản, xử lý kỹ thuật các hiện vật, tài liệu, sách báo, phim ảnh trong kho lưu trữ của bảo tàng, thư viện và viện lưu trữ;

– Tu sửa, phục chế tài liệu, hiện vật của thư viện, viện lưu trữ và bảo tàng;

– Mộc chạm các công trình di tích lịch sử, tạc tượng và điêu khắc;

– Thông tin lưu động của các tỉnh miền núi và hải đảo.

Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì trường hợp nhân viên thư viện mà trực tiếp làm công việc kiểm kê, bảo quản, xử lý kỹ thuật các hiện vật, tài liệu, sách báo, phim ảnh trong kho lưu trữ của thư viện thì được phụ cấp độc hại, nguy hiểm và bồi dưỡng bằng hiện vật bằng 0,20 mức lương tối thiểu (nay là mức lương cơ sở).

Luật sư, Tiến sĩ Đồng Xuân Thụ

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Ảnh: Các em học sinh Trường THPT Kim Sơn B nghiên cứu tài liệu tại thư viện của trường. Ảnh: Minh Quang