Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các đơn vị cần tham mưu nhiều hơn nữa cho Lãnh đạo Bộ để cùng Chính phủ tháo gỡ những khó khăn hiện nay.
Sáng 3/8, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cùng Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo các đơn vị trực thuộc nhằm rà soát các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường và các lĩnh vực khác có liên quan, để chủ động tháo gỡ các vướng mắc, bất cập đang cản trở đến hoạt động phát triển kinh tế.
Báo cáo tại cuộc họp, Vụ Pháp chế cho biết, Vụ đã chủ động, tích cực phối hợp với các đơn vị khẩn trương, nghiêm túc thực hiện rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường, xác định những nội dung vướng mắc, mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn và đang cản trở hoạt động phát triển kinh tế – xã hội.
Kết quả rà soát cho thấy, có 05 luật, 09 nghị định, 11 thông tư thuộc lĩnh vực được giao quản lý còn vướng mắc, bất cập; 13 luật, 05 nghị định, 06 thông tư nội dung thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các Bộ, ngành khác có bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo với văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Tại cuộc họp, các đơn vị cũng đưa ra những giải pháp, đề xuất các phương án có tính khả thi trong các lĩnh vực như khai thác khoáng sản, đất đai, tài nguyên biển, khí tượng thuỷ văn… để chủ động tháo gỡ các vướng mắc, bất cập đang cản trở đến hoạt động phát triển kinh tế, thực hiện “mục tiêu kép”.
Trước những ý kiến của các đơn vị trực thuộc Bộ, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các đơn vị cần tham mưu nhiều hơn nữa cho Lãnh đạo Bộ để cùng Chính phủ tháo gỡ những khó khăn hiện nay. Theo Bộ trưởng, những nội dung đề xuất cần tháo gỡ trong văn bản quy phạm pháp luật phải là những vấn đề lớn, có ảnh hưởng đến nhiều địa phương, là vấn đề thời sự, cấp bách; những vấn đề về chính sách pháp luật đang vướng mắc, chồng chéo và những nội dung pháp luật chưa quy định…
Bộ trưởng cũng đề nghị, các đơn vị cần nghiên cứu kỹ để việc “một văn bản sửa nhiều văn bản” không ảnh hưởng đến luật hiện hành, văn bản dưới luật và phải tuân thủ quy định của luật pháp. Việc sửa đổi phải thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, nếu không có tính khả thi thì kiến nghị rà soát các văn bản luật khác để sửa đồng bộ.
Bộ trưởng đề nghị Vụ Pháp chế tiếp tục rà soát và báo cáo Lãnh đạo Bộ lựa chọn các văn bản pháp luật, sàng lọc đúng với các tiêu chí của Văn phòng Chính phủ để Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản gửi lên Chính phủ, đóng góp vào công cuộc hỗ trợ, thúc đẩy các thành phần kinh tế khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh, thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch Covid-19 vừa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
PV (T/H)
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)