Để phát triển bền vững Thủ đô giai đoạn 2020-2025, định hướng năm 2030, tầm nhìn năm 2045, Hà Nội cần xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn.
Để phát triển bền vững Thủ đô giai đoạn 2020-2025, định hướng năm 2030, tầm nhìn năm 2045, Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII đã đề ra 3 khâu đột phá chiến lược, trong đó xác định thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Để tạo tiền đề cho sự phát triển này, Hà Nội cần xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn.
Vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế
Hà Nội đứng đầu cả nước về những yếu tố thuận lợi để phát triển khoa học và công nghệ. Đó là, có tiềm lực, hạ tầng khoa học và công nghệ mạnh nhất (chiếm hơn 80% số trường đại học, viện nghiên cứu của cả nước, 82% phòng thí nghiệm trọng điểm, 65% số giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ khoa học và tiến sĩ của cả nước, 105 tổ chức khoa học và công nghệ công lập); nguồn lực đầu tư cho khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo của Hà Nội cũng cao nhất cả nước… Song thành phố vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế này.
Cụ thể hơn, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quốc Toản, ủy viên Hội đồng Lý luận trung ương, thời gian qua, kinh tế của Hà Nội vẫn chủ yếu phát triển theo chiều rộng; công nghệ chậm được đổi mới; số lượng doanh nghiệp khoa học và công nghệ còn khiêm tốn; nguồn cung thị trường khoa học và công nghệ vẫn chậm phát triển…
Chỉ ra một phần nguyên nhân của thực trạng này, Trưởng phòng Quản lý công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội) Lê Thanh Hiếu cho biết: Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của thành phố cũng như của các doanh nghiệp địa phương còn gặp nhiều vướng mắc khi triển khai do khung pháp lý chưa đồng bộ. Hiện có nhiều luật, văn bản hướng dẫn cùng; điều chỉnh hoạt động của các tổ chức thực hiện dịch vụ khoa học và công nghệ nên gây chồng chéo, khó triển khai.
Trong khi đó, ở góc độ doanh nghiệp khoa học công nghệ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Công nghệ mới Nhật Hải Lưu Hải Minh còn bức xúc ở việc, Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Nghị định số 13/2019/ NĐ-CP ngày 1-2-2019 của Chính phủ về doanh nghiệp khoa học và công nghệ có quy định tài sản góp vốn có thể là quyền sở hữu công nghệ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp khởi nghiệp rất khó khăn khi đăng ký vốn điều lệ, tăng tài sản từ sở hữu trí tuệ. Điều này gây cản trở cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và nhà đầu tư; đó cũng là rào cản cho các tổ chức muốn góp vốn bằng bản quyền công nghệ vào dự án đầu tư.
Về thực tế nêu trên, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội nhìn nhận, một trong những nguyên nhân của tình trạng này là thiếu các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển đồng bộ. Vì thế, việc xây dựng cơ chế, chính sách vượt trội, đột phá cho ngành Khoa học và công nghệ Hà Nội là một đòi hỏi cấp thiết. Đặc biệt trong bối cảnh thành phố đang nghiên cứu để đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô, trong đó có vấn đề về phát triển khoa học và công nghệ.
Cần tư duy dài hạn
Gỡ vướng những rào cản trước mắt cho phía doanh nghiệp, ông Lưu Hải Minh cho rằng, để các tổ chức muốn góp vốn bằng bản quyền công nghệ vào dự án đầu tư cần có sự ràng buộc bằng văn bản pháp lý với cơ quan xét duyệt, nhất là khi đã có quy định đề xuất, cần tư duy dài hạn và phải có cơ chế, chính sách đủ mạnh để khoa học và công nghệ trở thành động lực phát triển kinh tế – xã hội Thủ đô. Theo đó, muốn phát huy được thế mạnh về hạ tầng khoa học, công nghệ của thành phố, cần có cơ chế đi kèm và chính sách cho chủ thể vận hành hạ tầng ấy. Chẳng hạn, Hà Nội cần được chủ động ra quyết định thành lập, phê duyệt chủ trương đầu tư, ban hành quy chế hoạt động; cơ chế, chính sách đặc thù với khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn phù hợp với quy hoạch phát triển của thành phố.
Hiện tại, theo Luật Công nghệ cao năm 2018, thẩm quyền ban hành các quy định này là của Chính phủ.
Trong khi đó, theo Tiến sĩ Chu Mạnh Hùng, Quyền Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội, để Luật Thủ đô được sửa đổi theo hướng phát triển khoa học và công nghệ là mũi nhọn đột phá, cần phân cấp, phân quyền và cho phép thành phố Hà Nội có những cơ chế đặc thù về thể chế khoa học – công nghệ, cơ chế tài chính và trọng dụng nhân tài.
Liên quan đến vấn đề trên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn khẳng định: “Trước mắt, đơn vị sẽ tham mưu thành phố đề xuất với trung ương cho phép thực hiện cơ chế, thử nghiệm chính sách mới, trước hết là chính sách thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới, triển khai mô hình kinh tế mới, mô hình hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thu hút nguồn lực đầu tư để thúc đẩy lĩnh vực này của Thủ đô phát triển xứng tầm”.
“Chìa khóa” tạo sức bật
Vốn được xem là “chìa khóa” để thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, cạnh tranh của sản phẩm, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được kỳ vọng sẽ tạo những bước nhảy vọt trong nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, với Thủ đô, nơi hội tự nhiều tiềm lực và tiềm năng khoa học, công nghệ càng cần được chú trọng để góp phần cùng cả nước phát triển kinh tế – xã hội nhanh, toàn diện, bền vững.
Với ý nghĩa ấy, những năm qua, Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nghiên cứu và phát triển nhiều sản phẩm có hàm lượng khoa học, công nghệ cao… Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Thành ủy Hà Nội không xây dựng chương trình riêng về khoa học, công nghệ, mà lồng ghép với Chương trình số 04-CTr/TU (Phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh). Tuy nhiên, với tính chất đặc biệt quan trọng và những yêu cầu mới đang đặt ra, Thành ủy Hà Nội khóa XVII đã xây dựng Chương trình số 07-CTr/TU về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”. Đây là lần đầu tiên Thành ủy Hà Nội xây dựng một chương trình riêng, nhằm xây dựng thành phố trở thành trung tâm công nghệ cao với tiềm lực nghiên cứu khoa học, năng lực nghiên cứu, sáng chế và ứng dụng chuyển giao công nghệ dẫn đầu cả nước.
Tuy nhiên, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Thủ đô vẫn bị níu bước bởi nhiều rào cản. Trong đó, vẫn có sự chồng chéo về quy định pháp luật; khó khăn trong góp vốn, thế chấp bằng quyền sở hữu trí tuệ dù quy định đã khá rõ ràng… Trên bình diện chung, Hà Nội vẫn đang thiếu những cơ chế, chính sách cốt lõi để tạo sức bật cho lĩnh vực này, là thách thức trong thực hiện mục tiêu xây dựng Thủ đô trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo dẫn đầu cả nước như mục tiêu thành phố đã đề ra.
Hóa giải điều này, trước mắt, cơ quan chức năng cũng như đơn vị liên quan cần thực hiện đúng những quy định về vay vốn ưu đãi, chấp nhận bản quyền sở hữu trí tuệ là tài sản để doanh nghiệp được góp vốn, tăng tài sản… Những rào cản này tồn tại đã lâu, rất cần được các cấp, các ngành có giải pháp tháo gỡ. Song ngược lại, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần chủ động thay đổi tư duy, tự lực đi lên, không quá trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Con đường ngắn nhất để tăng đầu tư cho khoa học, công nghệ là khơi thông nguồn lực của xã hội, của doanh nghiệp. Do đó, cấp thẩm quyền cần rà soát, cải cách thủ tục hành chính; xem xét thí điểm những mô hình mới phù hợp để thu hút doanh nghiệp đầu tư; lấy doanh nghiệp là trung tâm để xây dựng chính sách và cải cách thủ tục thực chất hơn nữa…
Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đã đề ra 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với định hướng rất cụ thể nên các sở, ngành, đơn vị liên quan cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ. Trong đó, đặc biệt tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế, đề xuất với Trung ương hoàn thiện các chính sách pháp luật, bởi đây là cái gốc để tạo cơ chế đột phá cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo bứt phá.
Có thể thấy, thành tựu của tất cả các ngành trong thời gian qua đều có dấu ấn của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Do đó, tạo được hành lang pháp lý phù hợp chính là “chìa khóa” mở cánh cửa cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thêm sức bật, thật sự trở thành động lực chủ yếu phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô.
Tài liệu tham khảo:
1. Thanh Hằng.“Phát triển Khoa học và Công nghệ, đổi mới sáng tạo Thủ đô, cần có cơ chế chính sách đặc thù”.
2. Thiện Mỹ“Chìa khoá tạo sức bật”.
PGS.TS Nguyễn Đức Khiển
Nguyên Giám đốc Sở KH-CNMT Hà Nội
Ảnh: Việc xây dựng chính sách đặc thù phù hợp góp phần thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ trên địa bàn Thủ đô. Trong ảnh: Bệnh viện Phụ sản Hà Nội sử dụng nhiều máy móc hiện đại ứng dụng công nghệ cao trong điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: TTXVN