Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trong đó, dự thảo Luật đã nêu rõ 9 hành vi bị cấm liên quan đến lĩnh vực địa chất và khoáng sản…
Đã có 3.182 giấy phép thăm dò khoáng sản được cấp phép
Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, sau 13 năm thực hiện Luật Khoáng sản (được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 17/11/2010, có hiệu lực từ ngày 1/7/2011), đến nay Quốc hội đã ban hành 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản liên quan đến quy hoạch, 1 Nghị quyết liên quan đến tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; Chính phủ ban hành 12 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 4 Quyết định; các Bộ, ngành liên quan ban hành hơn 60 Thông tư. Có thể nói, hệ thống văn bản pháp luật về khoáng sản cơ bản đầy đủ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản; đẩy mạnh điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; quản lý khoáng sản ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn.
Về công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản: Đến nay, đã hoàn thành 14 đề án lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 phần đất liền trên diện tích 42.550 km2 (nâng tổng diện tích đã lập đạt 73,19 % diện tích đất liền); phát hiện, điều tra nhiều điểm mỏ khoáng sản, xác định tài nguyên nhiều khu vực có triển vọng, trong đó nhiều khu vực đã thăm dò và đang khai thác hiệu quả. Hoàn thành điều tra địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:100.000 đến 1:500.000 trên diện tích hơn 244.000 km2 vùng biển độ sâu 0-100m nước; 24 đề án đánh giá khoáng sản. Nhiều khoáng sản quan trọng, chiến lược đã được điều tra, đánh giá (than nâu đồng bằng sông Hồng; bô-xit Tây Nguyên; titan từ Ninh Thuận đến bắc Bà Rịa – Vũng Tàu; vàng; kaolin – felspat; đá ốp lát…).
Kết quả điều tra, đánh giá đã đăng ký trên bản đồ 841 điểm khoáng sản, khoáng hóa; trong đó phát hiện mới 489 điểm khoáng sản các loại như: quặng sắt ở Tân An (Yên Bái); graphit ở Bảo Thắng (Lào Cai); vàng ở Tân Uyên (Lai Châu), Phước Sơn (Quảng Nam); kaolin – felspat ở Bảo Thắng (Lào Cai), Tân Biên (Tây Ninh); quặng đồng ở Kon Rẫy (Kon Rá, Kon Tum); công tác điều tra, đánh giá khoáng sản đã phát hiện và xác định tài nguyên các khu vực khoáng sản có triển vọng, gồm: đất hiếm ở Bảo Thắng (Lào Cai) và Lai Châu, vàng ở Yên Sơn (Tuyên Quang), đồng ở Bát Xát (Lào Cai), felspat ở Bắc Yên (Sơn La), đá cảnh ở Thanh Sơn (Phú Thọ), cát trắng ở ven biển các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, đá ốp lát ở Gia Lai,… Một số đề án đã điều tra, đánh giá đến độ sâu 500m.
Về khoáng sản và công nghiệp khai khoáng: Đã có 3.182 giấy phép thăm dò khoáng sản được cấp phép, đã góp phần gia tăng trữ lượng gần 40 loại khoáng sản, như: đá vôi xi măng gần 1,8 tỉ tấn, than hơn 1,2 tỉ tấn, quặng bauxit gần 900 triệu tấn, đá vật liệu xây dựng thông thường (VLXDTT) gần 1 tỉ m3, đất sét làm gạch ngói trên 650 triệu m3, cát, sỏi trên 400 triệu m3, đá ốp lát khoảng 140 triệu m3 …).
Đến hết năm 2022, có gần 3.776 giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp đang còn hiệu lực, gồm: 537 giấy phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường; 3.239 giấy phép của UBND cấp tỉnh với trên 50 loại khoáng sản khác nhau. Đã hình thành một số cụm công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản tập trung (than, xi măng, sắt – thép, alumin, vonfram, đồng, đá ốp lát…) đáp ứng nhu cầu trong nước và một phần xuất khẩu; nhiều doanh nghiệp đã đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại, nhất là đối với than, vonfram – đa kim, xi măng… giảm tiêu hao điện, năng lượng, giảm tổn thất khoáng sản, sử dụng hiệu quả khoáng sản sau khai thác.
Tuy nhiên, sau 13 năm thực hiện nhiều quy định của Luật đã bộc lộ những bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, khó khăn khi thực hiện, cụ thể như: Khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng nhất là cát, sỏi lòng sông, đất đá bóc tầng phủ, đất đá thải làm vật liệu xây dựng thông thường để phục vụ cho các dự án quan trọng quốc gia hoặc dự án đầu tư công …; khai thác, sử dụng khoáng sản đi kèm khi khai thác khoáng sản chính; vấn đề kiểm soát sản lượng khai thác khoáng sản theo từng giấy phép khai thác khoáng sản; vấn đề phân cấp, phân quyền trong quản lý hoạt động địa chất, khoáng sản; vấn đề cải cách thủ tục hành chính như quy định thành phần hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp phép hoạt động khoáng sản…
Bên cạnh đó, 13 năm qua, nhiều Luật liên quan đến địa chất, khoáng sản đã được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới như: Bộ luật Dân sự (2015), Luật Đất đai (2013), Luật Xây dựng (2014, 2020), Luật Đấu giá tài sản (2016), Luật quản lý, sử dụng tài sản công (2017), Luật Bảo vệ môi trường (2020), Luật Đầu tư (2020), Luật Doanh nghiệp (2020), Luật Quy hoạch (2017), Luật Ngân sách nhà nước (2015), Luật Lâm nghiệp (2017), Luật Thủy lợi (2017), Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (2015), Luật Đa dạng sinh học (2018). Tuy nhiên, Luật Khoáng sản chưa được sửa đổi, bổ sung đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ.
Quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản
Cũng theo cơ quan chủ trì, việc xây dựng Luật nhằm thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị và các chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản.
Tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch; khắc phục các bất cập nhằm quản lý thống nhất lĩnh vực địa chất, khoáng sản; quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản.
Khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật Khoáng sản; rà soát quy định của các Nghị định hướng dẫn Luật (quản lý cát, sỏi lòng sông; khoáng sản ở khu vực dự trữ tài nguyên khoáng sản quốc gia; đấu giá quyền khai thác khoáng sản; về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản…) có tính ổn định để “Luật hóa”.
Đồng thời, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành, đặc biệt là các luật có liên quan đến lĩnh vực địa chất, khoáng sản; các điều ước và cam kết quốc tế mà Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên.
Về bố cục, dự thảo Luật được xây dựng gồm 13 chương, 132 điều; quy định quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản; điều tra địa chất, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên địa chất; thăm dò, khai thác và bảo vệ khoáng sản trên lãnh thổ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Dầu khí, các loại nước thiên nhiên khác không phải là nước khoáng, nước nóng thiên nhiên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.
Về những hành vi bị cấm, dự thảo Luật nêu rõ các hành vi gồm:
1. Lợi dụng điều tra địa chất, khoáng sản; hoạt động khoáng sản xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
2. Lợi dụng hoạt động điều tra địa chất, thăm dò khoáng sản để khai thác tài nguyên địa chất, khoáng sản.
3. Thực hiện điều tra địa chất, khoáng sản và hoạt động khoáng sản khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép.
4. Cung cấp trái pháp luật thông tin, dữ liệu điều tra địa chất, khoáng sản thuộc bí mật nhà nước.
5. Cản trở trái pháp luật hoạt động điều tra địa chất, khoáng sản và hoạt động khoáng sản.
6. Cố ý hủy hoại mẫu vật địa chất, khoáng sản có giá trị, quý hiếm.
7. Mang mẫu vật địa chất ra khỏi biên giới quốc gia khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
8. Khai thác cát biển tại vùng bờ cách đường bờ dưới 15km, có độ sâu trung bình dưới 5 mét so với mực nước triều cao trung bình nhiều năm trừ trường hợp nạo vét luồng hàng hải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép.
9. Các hành vi khác theo quy định của pháp luật.
P.V – Báo BVPL
Theo Bảo Vệ Pháp Luật
Ảnh: Khai thác khoáng sản. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Xem bài viết gốc tại đây: