Xưởng đóng tàu trái phép nằm ngoại đê hữu sông Đáy đoạn qua địa bàn xã Khánh Thiện, huyện Yên Khánh (Ninh Bình) ngang nhiên hoạt động từ nhiều năm nay, vi phạm nghiêm trọng pháp luật đê điều, gây ô nhiễm môi trường thế nhưng vẫn chưa thấy chính quyền địa phương xử lý, giải toả một cách triệt để.
Chị Đinh Thị D. ở gần khu vực xưởng đóng tàu trái phép này bức xúc cho biết: Xưởng đóng tàu hoạt động chừng 4 năm nay, hàng chục công nhân, máy móc hoạt động từ sáng sớm cho tới tối muộn. Đặc biệt là có những ngày xả rỉ thì công nhân làm cả đêm, tiếng phun cát đánh rỉ inh ỏi kèm theo bụi bặm làm ảnh hưởng đến môi trường khá nhiều.
Tại thời điểm PV ghi nhận, có 4 chiếc tàu án ngữ tại khu vực ngoại đê hữu đê sông Đáy. Trong đó có 1 chiếc là sửa chữa, bảo dưỡng và 3 chiếc đang trong giai đoạn đóng mới. Mọi hoạt động đóng tàu tại đây vẫn được diễn ra một cách bình thường.
Một người dân ở xóm 2, xã Khánh Thiện cho hay: Nhà ông cách xưởng đóng tàu không xa, không biết chủ cơ sở là ai nhưng từ khi cơ sở này về hoạt động tại đây thì nhiều gia đình bị “tra tấn” bởi tiếng ồn trong suốt một thời gian dài, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
Những chiếc tàu án ngữ tại khu vực ngoại đê hữu đê sông Đáy |
Cũng theo người dân, họ đã nhiều phản ánh nhiều lần tình trạng hoạt động của xưởng đóng tàu trái phép này lên chính quyền địa phương; có lần có một vài đoàn về kiểm tra thì xưởng dừng hoạt động nhưng chỉ vài hôm lại đi vào “quỹ đạo cũ”.
Trao đổi với PV Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Đỗ Hồng Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thiện thừa nhận: Xưởng đóng tàu nằm bên bờ đê sông Đáy đoạn qua địa bàn xã rộng khoảng 2 ha, đã hoạt động từ năm 2017 đến nay. Xưởng đóng tàu này thường xuyên gây ô nhiễm tiếng ồn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống bà con địa phương. Nghiêm trọng hơn, việc hoạt động của xưởng đóng tàu gây nguy cơ mất an toàn đê điều, tiêu thoát lũ trong khi mùa mưa bão đang đến rất gần.
Công nhân miệt mài với công việc sửa chữa, đóng mới tàu từ sáng sớm đến tối muộn |
Theo ông Đỗ Hồng Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thiện, chủ xưởng đóng tàu nói trên là một cá nhân tên Tiến không phải là người địa phương. UBND xã xuống kiểm tra nhưng đều không thể gặp chủ cơ sở này mà chỉ có bảo vệ và công nhân nên rất khó cho việc xử lý?
“Chúng tôi đã nhiều lần xuống kiểm tra, lập biên bản xử phạt hành chính, mỗi lần 5 triệu đồng. Đồng thời, báo cáo sự việc lên UBND huyện Yên Khánh tuy nhiên đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết triệt để, xưởng đóng tàu vẫn ngang nhiên hoạt động. Vấn đề này xã rất muốn xử lý triệt để nhưng vô cùng khó khăn vì vượt quá thẩm quyền xử lý của xã”, vị Phó Chủ tịch xã cho biết thêm.
Để làm rõ nguyên nhân vì sao một xưởng đóng tàu trái phép trên diện tích hàng chục nghìn mét ngoại đê sông Đáy những vẫn ngang nhiên tồn tại nhiều năm mà không xử lý, giải toả dứt điểm, PV đã nhiều lần liên hệ làm việc với ông Nguyễn Xuân Tuyển, Chủ tịch UBND huyện Yên Khánh và ông Lê Việt Cường, Chánh Văn phòng UBND huyện Yên Khánh nhưng đều bất thành. Ông Cường chỉ thông tin ngắn gọn rằng: Huyện đang lập đoàn đi kiểm tra!.
Tận dụng công trình đã bị yêu cầu dừng thi công từ nhiều năm nay làm nhà để xe cho công nhân |
Liên quan đến xử lý những vi phạm pháp luật về đê điều, UBND tỉnh Ninh Bình trong nhiều năm qua đã liên tục có nhiều văn bản giao các sở, ngành liên quan, đặc biệt là UBND các huyện, thành phố tăng cường quản lý, xử lý các vi phạm về đê điều. Mới đây nhất là văn bản số 53/UBND – VP3 của UBND tỉnh Ninh Bình, trong đó giao Sở NN&PTNT phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan tăng cường quản lý nhà nước về đê điều, không để tự ý lấn chiếm hành lang đê trái phép làm ảnh hưởng an toàn của tuyến đê.
Văn bản cũng nêu rõ: UBND các huyện, thành phố tăng cường quản lý nhà nước về công tác bảo vệ môi trường, an toàn các tuyến đê cũng như việc thực hiện các quy định về hoạt động, khai thác cảng, bến thuỷ nội địa trên địa bàn quản lý. Chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn kiểm tra, phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hoặc đề xuất biện pháp xử lý, báo cáo UBND tỉnh để kịp thời chỉ đạo.
Không rõ UBND huyện Yên Khánh kiểm tra, xử lý xưởng đóng tàu trái phép nhiều năm án ngữ ở ngoại đê hữu Đáy đến đâu, thế nhưng hiện xưởng này vẫn thoải mái hoạt động và không hề có bất kỳ dấu hiệu nào là ngừng sản xuất hoặc di dời, giải toả.
Tuyết Chinh – Anh Tú – Báo TNMT
Theo Tài nguyên & Môi trường
Ảnh: Xưởng đóng tàu trái phép nằm ngoại đê hữu sông Đáy đoạn qua địa bàn xã Khánh Thiện, huyện Yên Khánh
Xem bài viết gốc tại đây: