Dự án cao tốc Bắc-Nam qua Quảng Bình bao gồm 3 dự án thành phần với tổng chiều dài 126,79km; tổng mức đầu tư trên 24.282 tỷ đồng. Dự án gồm 3 dự án thành phần là đoạn Vũng Áng – Bùng, Bùng – Vạn Ninh, Vạn Ninh – Cam Lộ; với tổng diện tích thu hồi đất là 1.273,84ha.
Được biết, khi triển khai Dự án cao tốc Bắc-Nam qua địa bàn tỉnh Quảng Bình có 3.082 hộ gia đình, trên 3.600 ngôi mộ bị ảnh hưởng. Đối với công trình hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng, hệ thống đường dây 500kV có 13 vị trí; đường dây 220kV có 9 vị trí; đường dây 110kV có 4 vị trí giao chéo với tuyến cao tốc và nhiều hệ thống đường dây điện trung thế, hạ thế; hệ thống viễn thông cũng đã được cập nhật. Bên cạnh đó, có 12 công trình hạ tầng như trụ sở UBND xã, trạm y tế, sân vận động, trường mầm non, chợ thuộc thị xã Ba Đồn và 4 công trình hạ tầng như nhà văn hóa thôn, điểm trường mầm non, trường tiểu học… thuộc huyện Bố Trạch bị ảnh hưởng một phần hoặc toàn bộ.
Ngay trong những ngày Tết Nguyên đán 2024, nhiều đơn vị thi công Dự án cao tốc Bắc-Nam đã thực hiện “3 ca, 4 kíp” khẩn trương, quyết liệt thực hiện để đưa dự án về đích, thông tuyến đúng dịp 30/4/2024 như chủ trương của Bộ Giao thông Vận tải. Nhờ sự tích cực của các đơn vị thi công, đến nay nhiều đoạn tuyến Dự án cao tốc Bắc-Nam đi qua Quảng Bình đã được thảm bê tông nhựa hoặc thảm đá dăm gia cố xi măng, đặc biệt một số đoạn đã được thảm nhựa xong.
Tại Km 643+400 nút giao Việt – Trung, đơn vị thi công Cienco4 đang duy trì nhiều mũi thi công cầu và đường; bố trí 1 dây chuyền thảm bê tông nhựa tại nhánh N1 khoảng 200m trước Tết Nguyên đán và sẽ thảm đại trà một số vị trí trên tuyến chính ngay sau Tết. Nhiều hạng mục lớn của Dự án cao tốc Bắc-Nam như cầu Long Đại, cầu bắc qua sông Gianh, cầu Quảng Sơn III… đang được các đơn vị thi công vượt tiến độ đề ra. Các nhà thầu đang quyết tâm để tất cả các cầu lớn trên Dự án cao tốc Bắc-Nam đều thông xe kỹ thuật trong năm 2024.
Để Dự án cao tốc Bắc-Nam thông tuyến đúng thời điểm 30/4/2024, tỉnh Quảng Bình đang tập trung tháo gỡ khó khăn, mấu chốt là vấn đề tái định cư. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, nguyên nhân chính dẫn đến các địa phương chưa bàn giao hết mặt bằng của Dự án cao tốc Bắc-Nam cho chủ đầu tư là bởi, việc xây dựng các khu tái định cư chưa hoàn thành. Vì vậy, người dân trong diện tái định cư trên tuyến chưa có đất để làm nhà ở, nên chưa thể thoát ly khỏi nơi ở cũ để bàn giao lại mặt bằng cho chủ đầu tư.
Thực hiện Dự án cao tốc Bắc-Nam, toàn tỉnh Quảng Bình phải xây dựng mới 26 khu tái định cư với diện tích 69,13ha, bố trí cho khoảng 551 hộ tại 19 xã bị ảnh hưởng buộc phải di dời tới nơi ở mới. Tuy nhiên đến nay, duy nhất chỉ có huyện Quảng Ninh là đã hoàn thành 2/3 khu tái định cư. Huyện Bố Trạch có khu tái định cư xã Liên Trạch vừa mới hoàn thành, người dân đã đến làm nhà, 11 khu tái định cư còn lại có khối lượng thi công từ 60-90%. Các khu tái định cư của các địa phương như huyện Quảng Trạch, thị xã Ba Đồn, huyện Lệ Thủy vẫn đang trong quá trình thi công, khối lượng thi công đạt từ 50-80%.
Ông Đặng Đại Tình – Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, Quảng Bình cho biết: địa phương Lệ Thủy có 3 khu tái định cư với diện tích 7,21ha cho 94 hộ tại 3 xã, thị trấn. Trong đó, khu tái định cư xã Trường Thủy có diện tích 1,1ha, tái định cư cho 10 hộ; khu tái định cư xã Phú Thủy 1,92ha tái định cư cho 32 hộ; khu tái định cư Lệ Ninh 4,2ha, tái định cư cho 52 hộ. Hiện nay, UBND huyện Lệ Thủy đang đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các khu tái định cư, nỗ lực hết sức để sớm hoàn thành và triển khai cho người dân bốc thăm nhận đất làm nhà ở.
Ông Trần Thắng – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình khẳng định; công tác giải phóng mặt bằng và xây dựng các khu tái định cư là yếu tố quyết định để thực hiện Dự án cao tốc Bắc-Nam về đúng đích, đúng thời hạn đặt ra. Vì vậy, Quảng Bình huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm tuyên truyền, vận động người dân chấp hành chính sách bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng tạo sự đồng thuận trong triển khai dự án. Tập trung nhân lực, thời gian giải quyết dứt điểm các vướng mắc về mặt bằng.
Đặc biệt là tranh thủ thời tiết thuận lợi, các địa phương cần tăng cường đôn đốc, chỉ đạo các nhà thầu tập trung nhân lực, máy móc thiết bị, tổ chức thi công “3 ca 4 kíp” để nhanh chóng hoàn thành các khu tái định cư và giao đất tái định cư cho người dân xây dựng nhà ở. Mặt khác, hoàn tất các khu nghĩa địa để di dời hết lăng mộ; di dời công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội… nhằm hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án chậm nhất vào ngày 28/2.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cũng yêu cầu, các sở, ngành và các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, thẩm quyền được giao tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, đơn vị thi công để sớm giải quyết các khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng còn lại, tập trung hoàn thành công tác tái định cư, xây dựng khu nghĩa trang.
Đối với đơn vị chủ đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu Ban Quản lý Dự án 6, Bộ Giao thông Vận tải và các đơn vị thi công khẩn trương tập trung phương tiện, máy móc triển khai thực hiện từng hạng mục của dự án, với phương châm bàn giao mặt bằng sạch đến đâu thì thi công đến đó nhằm bảo đảm yêu cầu, tiến độ, chất lượng. Với các vướng mắc đang gặp phải trong xác định nguồn gốc đất đai, thống nhất phương án đền bù, các địa phương tổ chức đối thoại, giải quyết dứt điểm các kiến nghị, khiếu nại của người dân. Trong trường hợp khi đã thực hiện đầy đủ các biện pháp theo đúng quy định của pháp luật và tình hình thực tế mà người dân còn không hợp tác, chống đối thì xây dựng phương án và tổ chức bảo vệ thi công hoặc cưỡng chế.
Dương Sông Lam – Báo CAND
Theo Công An Nhân Dân
Ảnh: Chủ đầu tư và các đơn vị thi công Dự án cao tốc Bắc-Nam thực hiện phương châm mặt bằng sạch đến đâu thi công ngay đến đó.
Xem bài viết gốc tại đây: