Xuân mới ở vùng lũ Sa Ná

Giáp Tết Canh Tý, đồng bào vùng lũ Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) bị ảnh hưởng bởi trận lũ lịch sử hồi đầu tháng 8/2019 đã kịp ổn định nơi ở mới.

Ngôi nhà nghĩa tình

Trong ngôi nhà mới diện tích gần 80 mét vuông, được huyện đầu tư gần 300 triệu đồng ở khu tái định cư, cách nơi ở cũ bị lũ tàn phá khoảng gần 1 km, ông Lương Văn Chon (52 tuổi, ở bản Sa Ná, xã Na Mèo) cho hay: “Trận lũ đầu tháng 8/2019 cuốn trôi sạch nhà cửa, đồ đạc của gia đình tôi. Trở về sau mưa lũ, gia đình tôi trắng tay, phải ở nhờ nhà người thân, với sự hỗ trợ lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu của Nhà nước và các nhà hảo tâm trong suốt gần 4 tháng qua. Nhận ngôi nhà mới khang trang do UBND huyện xây dựng, trao tặng trong dịp Tết Nguyên đán, gia đình tôi rất vui”.

Để dự án xây dựng khu tái định cư (TĐC) cho người dân bản Sa Ná đúng tiến độ, UBND huyện Quan Sơn đã vận động một số doanh nghiệp trong huyện tìm lao động có kỹ thuật xây dựng lên bản Sa Ná giúp bà con làm nhà. Nhiều lao động từ Sầm Sơn, Hoằng Hóa, Quảng Xương… cách Sa Ná cả trăm cây số, di chuyển về bản làm việc gần 3 tháng cho đến khi những ngôi nhà mới hoàn thành.

Trong khi đó, các lực lượng khác như bộ đội, đoàn viên thanh niên… tập trung giúp dân san lấp mặt bằng, vận chuyển vật liệu xây dựng… Người già, phụ nữ ở những bản làng lân cận đến hỗ trợ nấu cơm cho thợ xây, phụ hồ. Lãnh đạo chính quyền địa phương liên tục có mặt, không chỉ giám sát chất lượng công trình cũng như bảo đảm tiến độ, mà còn động viên các lao động vượt khó để hoàn thành công trình cho đồng bào vùng lũ sớm có nhà mới để ở.

Theo anh Hà Văn Vân, người dân ở bản Sa Ná, từ khi lũ tràn về Sa Ná, lãnh đạo các cấp về thăm, động viên, chỉ đạo khắc phục sau lũ. Các tổ chức, người dân khắp cả nước cũng tìm về chia sẻ với cả dân bản, cho chăn ấm, áo, tiền, lương thực, đồ dùng… Bản mất đi nhiều người, nỗi đau chung chưa biết nào vơi, nhưng tấm lòng của lãnh đạo Nhà nước, đồng bào khắp nơi làm ấm lòng, vơi đi nỗi đau mất người thân của dân bản.

Những tiếng cười bên vách núi

Bản Sa Ná có 74 hộ dân với hơn 300 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào người dân tộc Thái. Trước đây đồng bào sinh sống bên cạnh suối Son. Địa thế dòng chảy suối Son có độ dốc thoai thoải, 2 bên dòng suối thuận tiện cho việc trồng lúa nước và dựng nhà ở. Qua bao mùa mưa lũ, Sa Ná vẫn bình yên cho đến trận lũ hồi đầu tháng 8/2019. Nguyên nhân được cơ quan chức năng xác định do mưa bão, cây cối bị quật ngã, tạo một bờ bao làm giảm dòng chảy, lưu trữ một vũng nước tự nhiên phía trên cao. Khi bờ bao bị bung ra, lượng nước lớn đổ về bản quá mạnh khiến người dân bất ngờ, không kịp trở tay.

Anh Nguyễn Văn Sơn (29 tuổi, bản Sa Ná) nói: “Có nhà mới đón Tết, dân bản ấm áp lắm. Mỗi ngôi nhà xây có tổng diện tích đất ở là 240 mét vuông, có công trình phụ khép kín, nhà kho để lương thực, đồ đạc”… Từ khi chuyển về nơi ở mới, cứ chập choạng tối sau giờ học trên lớp, điện sáng bản, lũ trẻ con vui đùa ở sân nhà văn hóa trên nền gạch bê tông. Tiếng gọi trẻ về nhà của người lớn như bị át đi bởi những tiếng cười, hò reo của trẻ nhỏ.

Ông Vũ Văn Đạt, Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn, cho biết, trận lũ sau bão số 3 hồi tháng 8/2019 tại xã Na Mèo làm 113 hộ dân bị trôi, sập nhà, trong đó bản Sa Ná có 51 hộ bị sập, trôi nhà, phải chuyển đến khu tái định cư. UBND huyện quy hoạch khu tái định cư cho bản Sa Ná mới với diện tích 5,2 ha; mỗi gia đình được cấp 240m2 đất ở, có vườn trồng rau quả.

UBND huyện quyết định dùng kinh phí hỗ trợ của Nhà nước và các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ 300 triệu đồng đối với gia đình có nhà bị thiệt hại từ 70 đến 100%, nhà bị thiệt hại từ 50 đến 70% được hỗ trợ 200 triệu đồng, nhà bị thiệt hại từ 30 đến 50% được hỗ trợ 150 triệu đồng.

Đến nay, các hộ dân được hỗ trợ nhà xây cấp 4 và làm nhà sàn truyền thống đều đã dọn đồ đạc đến nơi ở mới tại khu tái định cư. Ngoài khu nhà ở, lớp học mầm non, tiểu học, đường giao thông, công trình phúc lợi tại khu tái định cư Sa Ná cũng được hoàn thiện; điện lưới quốc gia, hệ thống nước sinh hoạt cũng đã được đưa về tận mỗi nhà dân…

Những hoang tàn, đổ nát của đất đá, cây cối, vật dụng nhà của ven theo dòng suối Son dẫn vào Sa Ná không còn nữa. Những thửa ruộng lại xanh màu ngô, lúa dẫn lối vào Sa Ná mới bên dòng Son hiền hòa đúng dịp mùa hoa nở, đón xuân mới về. Giữa mênh mông núi rừng, dưới ánh điện ấm áp, người dân Sa Ná hy vọng về một tương lai bình yên, no đủ.

Trận lũ sáng 3/8/2019 làm chết, mất tích 12 người; cuốn trôi nhiều ngôi nhà ở bản Sa Ná. Sau một ngày bị chia cắt, lực lượng chức năng đã tiếp cận được vùng lũ, nhanh chóng cứu hộ, cứu trợ.

Hoàng Lam – Báo Tiền Phong

Theo Tiền Phong

Ảnh: Người dân vùng lũ Sa Ná đã về ở tại khu tái định cư

Xem bài viết gốc tại đây:

https://www.tienphong.vn/ban-doc/xuan-moi-o-vung-lu-sa-na-1513965.tpo