Tính từ ngày 15/12/2019 – 25/8/2020, trên địa bàn Tp Hồ Chí Minh đã xảy ra 504 công trình vi phạm xây dựng; trong đó có 293 trường hợp xây dựng không phép.
Theo ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng Tp. Hồ Chí Minh, thực hiện Chỉ thị 23-CT/TU ngày 25/7/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh (gọi tắt là Chỉ thị 23) về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, tính từ ngày 15/12/2019 – 25/8/2020, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 504 công trình vi phạm xây dựng; trong đó có 293 trường hợp xây dựng không phép. Bình quân mỗi ngày xảy ra 1,9 vụ, nếu so sánh với 6 tháng đầu năm 2019 là 8,5 vụ/ngày (trước khi ban hành Chỉ thị 23) thì số vụ vi phạm đã giảm 6,6 vụ/ngày (tỷ lệ giảm 77,2%).
Tuy nhiên, qua kết quả Thanh tra thành phố cho thấy, nhiều địa bàn nóng như Thủ Đức, Bình Chánh, Củ Chi vẫn còn nhiều vụ việc chậm được xử lý, gây bức xúc dư luận. Cụ thể, tại huyện Bình Chánh, Thanh tra thành phố kết luận, UBND các xã, thị trấn chậm phân loại công trình vi phạm đất đai, chỉ mới thực hiện 343/869 quyết định xử phạt vi phạm hành chính về đất đai (vẫn còn tới 60,52% chưa được giải quyết). Tính đến ngày 31/12/2019, nợ đọng tiền sử dụng đất trên địa bàn huyện Bình Chánh là 2.326 tỷ đồng, trong đó có 173 tỷ đồng nợ đọng trong thời gian dài nhưng chưa có biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo quy định gây thất thoát ngân sách nhà nước. Nhiều trường hợp vi phạm xây dựng chưa bị xử lý dứt điểm, tình hình vi phạm còn nhiều phức tạp, có dấu hiệu của việc đầu cơ mua bán đất, dẫn tới hình thành các khu dân cư tự phát trên đất nông nghiệp, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép chưa được UBND huyện phê duyệt. Điểm nóng tập trung tại xã Bình Hưng, Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Tân Quý Tây, Tân Nhựt… Trong khi đó, theo báo cáo của UBD huyện Bình Chánh, trên địa bàn xảy ra tình trạng phức tạp vi phạm xây dựng tại một số dự án kinh doanh bất động sản như vi phạm trong tổ chức thi công xây dựng khi chưa đủ điều kiện về pháp lý đầu tư, xây dựng sai quy hoạch, sai mẫu nhà được duyệt. Đơn cử là các dự án khu dân cư trung tâm thương mại xã Tân Nhựt, khu dân cư An Hạ, khu dân cư Phi Long 5, khu nhà ở Vĩnh Lộc, khu dân cư Trung Sơn… Bên cạnh đó là nhóm “dự án tự xưng” không có giấy tờ pháp lý công nhận thực hiện dự án phân lô, bán nền, nhưng vẫn tổ chức hội nghị khách hàng, rao bán bất động sản… Tại “điểm nóng” nói trên, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh đã giao UBND huyện Bình Chánh chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan lập Tổ công tác để xử lý các nội dung liên quan và thực hiện cưỡng chế các công trình vi phạm về đất đai, xây dựng có tính chất phức tạp, trọng điểm trên địa bàn huyện. UBND thành phố cũng yêu cầu UBND huyện Bình Chánh xây dựng quy trình phối hợp xử lý công trình vi phạm về đất đai, xây dựng mang tính trọng tâm, trọng điểm; xây dựng các tình huống, kịch bản có thể xảy ra trong quá tình cưỡng chế, đồng thời, xây dựng kế hoạch kiểm tra, xử lý vi phạm; áp dụng biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện nước, ngăn chặn xử lý nhanh đối với công trình vi phạm về đất đai, xây dựng sau khi Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi bổ sung được Quốc hội thông qua… Bên cạnh từng vụ việc, địa bàn cụ thể, UBND Tp. Hồ Chí Minh cũng chỉ đạo các sở ngành, quận huyện tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong việc kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Cụ thể, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan yêu cầu Sở Quy hoạch kiến trúc hướng dẫn UBND quận huyện rà soát, đánh giá tình hình thực hiện theo quy hoạch được duyệt đối với khu vực quy hoạch có chức năng đất hỗn hợp và đất dân cư xây dựng mới. Đối với những khu vực quy hoạch thực hiện không khả thi, UBND thành phố yêu cầu điều chỉnh quy hoạch, xóa quy hoạch, trả lại quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân. Đối với những khu vực quy hoạch đất hỗn hợp còn tính khả thi, đủ điều kiện thuận lợi để thực hiện chỉnh trang đô thị nhưng chưa lựa chọn được nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy hoạch được duyệt, UBND thành phố yêu cầu phải đề xuất lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, cụ thể hóa quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000, để xác định rõ vị trí, ranh giới từng loại chức năng sử dụng đất, công khai lấy ý kiến nhân dân, hướng dẫn nhân dân cùng tham gia đầu tư hạ tầng trong khu vực và thực hiện theo quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được duyệt. Với khu vực quy hoạch đất dân cư xây dựng mới còn tính khả thi, UBND thành phố yêu cầu các quận huyện, sở ngành liên quan đề xuất kêu gọi đầu tư theo quy định đồng thời quản lý trật tự tự xây dựng chặt chẽ, xử lý nghiêm đối với trường hợp xây dựng không phép, sai phép, tự ý phân lô hộ lẻ, để phát triển các khu dân cư theo định hướng đô thị mới…
Theo Bnews
Ảnh: Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ảnh: Quang Nhựt – TTXVN
Xem bài viết gốc tại đây:
https://bnews.vn/xu-ly-vi-pham-xay-dung-tren-dia-ban-tp-ho-chi-minh/170097.html