Hiện ở một số địa phương, chất lượng nước bị suy giảm đáng báo động do ô nhiễm từ nước thải sinh hoạt thải trực tiếp ra môi trường hoặc là tự thấm mà chưa được thu gom, xử lý triệt để.
Tại phiên phiên thảo luận các vấn đề liên quan tới tình hình phát triển kinh tế – xã hội Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, ngày 4/11, đại biểu Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên) đã đề cập đến thực trạng ô nhiễm môi trường do nước thải trong sinh hoạt và chăn nuôi ở khu vực nông thôn ở nhiều địa phương.
Theo đại biểu, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã mang lại hạ tầng nông thôn phát triển mạnh mẽ, làm thay đổi bộ mặt ở nhiều vùng nông thôn.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã đạt được, các vùng nông thôn vẫn còn rất nhiều các vấn đề cần được quan tâm và cần sớm có phương án giải quyết để nâng cao chất lượng đời sống của người dân, trong đó có vấn đề ô nhiễm nguồn nước tại các khu vực nông thôn.
“Hiện nay, lượng nước thải ở khu vực nông thôn thải ra môi trường rất lớn, gây ô nhiễm môi trường sống, làm ô nhiễm các dòng sông, nguồn nước dùng trong sinh hoạt và cả sản xuất nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng. Hình ảnh những con sông êm đềm, xanh ngát đã dần dần thay thế bằng những dòng sông chết, bởi chúng phải hứng chịu chất thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi của người dân, bên cạnh nước thải từ các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu làng nghề. Lượng nước thải này ngấm xuống đất làm ô nhiễm không chỉ nước mặt mà đối với cả nước ngầm, tồn tại từ năm này sang năm khác, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, sinh hoạt, môi trường sinh thái cũng như sản xuất của người dân”, đại biểu nói.
Đã có nhiều cuộc giám sát về chất lượng nước mặt của các cơ quan chức năng cho thấy có nhiều thông số nguy hại vượt quy chuẩn quốc gia về môi trường. Theo số liệu nghiên cứu của Viện Nước tưới tiêu và môi trường ở một địa phương về nước mặt, nước ngầm và hệ thống tưới tiêu cho thấy ở ao, hồ có khoảng 13% mẫu nước ô nhiễm ở mức độ nghiêm trọng và không sử dụng được cho một mục đích nào, có 25% chỉ sử dụng được cho mục đích giao thông thủy lợi, có 48% có thể sử dụng được cho mục đích tưới tiêu và chỉ có khoảng 18% có thể sử dụng được cho mục đích cấp nước sinh hoạt.
Đối với nguồn nước ngầm thì các chỉ tiêu về xitrat, mangan, sắt, chì đều vượt các ngưỡng tiêu chuẩn. Đây không phải là con số đại diện cho tình trạng nguồn nước chung trên cả nước nhưng cũng là những con số rất có ý nghĩa để chúng ta phải suy ngẫm. Bởi ở nông thôn thì đây là nguồn nước chính phục vụ cho tưới tiêu, cây trồng cũng như phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Số liệu điều tra ở vùng có ô nhiễm cho thấy, phụ nữ ở các khu vực này mắc các bệnh về phụ khoa và da liễu tăng. Tỉ lệ người dân mắc các bệnh về đường tiêu hóa, ung thư tăng và thực tế chúng ta cũng từng nghe nói tới các làng ung thư.
Nguyên nhân, theo bà Nguyệt, đó là do lượng rác thải và mức độ ô nhiễm của nguồn nước thải ngày nay càng tăng; nước thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn hầu như chưa được xử lý mà đều để tự ngắm hoặc là đổ thẳng ra môi trường; đầu tư cơ sở hạ tầng ở nông thôn chưa được quan tâm ở các giai đoạn trước đây, rất nhiều địa phương chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt cũng như là nước thải trong chăn nuôi.
Bên cạnh đó, người dân chưa thực sự ý thức được trách nhiệm và vai trò trong việc quản lý nguồn nước thải cũng như chưa được hướng dẫn một cách đầy đủ các biện pháp để xử lý các nguồn nước thải này; tình trạng các hộ chăn nuôi lớn vẫn còn nằm xen kẽ ở trong các khu dân cư. Công nghệ và chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình xử lý nước thải và cơ chế vận hành của các công trình này thì còn hạn chế.
Để giải quyết được thực trạng trên, đại biểu kiến nghị, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân trong việc kiểm soát nguồn nước thải từ chính gia đình cũng như từ khu vực xung quanh.
Chính quyền các địa phương cần có phương án và quyết liệt di dời các hộ chăn nuôi còn xen kẽ trong các vùng dân cư ra khu vực tập trung riêng để thuận tiện cho việc thu gom cũng như là xử lý nước thải về chăn nuôi.
Ngoài ra, theo đại biểu, cần áp dụng công nghệ tiên tiến phù hợp và nhà nước cần phải hỗ trợ kinh phí để xây dựng các công trình thu gom, xử lý nước thải và đặc biệt là hỗ trợ kinh phí để có thể duy trì vận hành các công trình này.
Theo đánh giá của các Bộ Y tế và BộNN&PTNT thì trung bình mỗi năm, Việt Nam có đến khoảng 9.000 người chết vì nguồn nước không sạch và điều kiện vệ sinh kém; Trên 100.000 trường hợp mắc ung thư mới được phát hiện mà một trong những nguyên nhân chính là do sử dụng nguồn nước ô nhiễm. Ngoài ra ô nhiễm nguồn nước đang gây tổn thất rất lớn cho các ngành sản xuất kinh doanh,nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản… |
Minh Phương – Tạp chí KTMT
Theo Kinh tế Môi trường
Ảnh: Các dòng sông, nguồn nước dùng trong sinh hoạt và cả sản xuất nông nghiệp đang ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng.
Xem bài viết gốc tại đây:
https://kinhtemoitruong.vn/xu-ly-nuoc-thai-nong-thon-can-duoc-quan-tam-dung-muc-50895.html