Sau khi Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội quyết định thành lập Tổ công tác của UBND thành phố để xử lý, giải quyết nội dung kết luận, kiến nghị liên quan những vi phạm của dự án Công viên Tuổi trẻ Thủ đô, người dân sinh sống trong khu vực ảnh hưởng dự án rất phấn khởi, mong sớm ổn định cuộc sống.
Sau khi Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội quyết định thành lập Tổ công tác của UBND thành phố để xử lý, giải quyết nội dung kết luận, kiến nghị liên quan những vi phạm của dự án Công viên Tuổi trẻ Thủ đô, người dân sinh sống trong khu vực ảnh hưởng dự án rất phấn khởi, mong sớm ổn định cuộc sống.
Từ nhiều năm nay, các vi phạm tại dự án Công viên Tuổi trẻ Thủ đô (sau đây gọi tắt là công viên) bị tồn đọng, không được xử lý dứt điểm, gây bức xúc trong dư luận. Thanh tra TP Hà Nội đã chỉ rõ các sai phạm trong quá trình khai thác, vận hành công viên liên quan đến các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hợp tác đầu tư, lập quy hoạch, cấp phép xây dựng, triển khai dự án có sử dụng đất. Ðồng thời, một số cơ quan quản lý nhà nước chưa làm hết trách nhiệm, nội dung tham mưu thiếu khả thi, chưa chấp hành nghiêm chỉ đạo của UBND thành phố, có dấu hiệu buông lỏng quản lý về đất đai, trật tự xây dựng.
Tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu HÐND các cấp, đại biểu Quốc hội, các vấn đề liên quan đến công viên này được rất nhiều cử tri phản ánh. Ðáng chú ý, do chậm trễ, thiếu thống nhất trong công tác quy hoạch, triển khai dự án công viên đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của gần 900 hộ dân. Bà Nguyễn Thị Bình, người dân sinh sống tại khu dân cư số 4, phường Thanh Nhàn cho biết, gia đình bà sử dụng đất có nguồn gốc của ông cha để lại, nhưng do nằm trong quy hoạch công viên, cho nên không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Gia đình có sáu người, sinh sống trên ngôi nhà cấp bốn chật chội, xuống cấp, muốn xây dựng mới để cải thiện chỗ ở nhưng không được cấp phép xây dựng.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện UBND phường Thanh Nhàn cho biết, đất đai của gần 900 hộ dân thuộc khu dân cư số 1, số 2 và số 4 không phải là đất lấn chiếm, mà có nguồn gốc đất cũ của làng Thanh Nhàn, có trường hợp đất liền thổ và nhiều trường hợp trong đó đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hàng chục năm trước. Tuy nhiên, do vướng quy hoạch dự án công viên cho nên người dân không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không được cấp phép xây dựng, chia tách hộ khẩu. Sau 20 năm kể từ thời điểm công bố quy hoạch công viên đến nay, nhà ở của người dân bị xuống cấp, trong khi số nhân khẩu mỗi năm một đông hơn, nhưng không được cấp phép xây dựng, cho nên đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn. Người dân có nguyện vọng được đưa ra khỏi quy hoạch dự án để có đầy đủ các quyền lợi hợp pháp về đất đai, nhà ở. Bên cạnh đó, UBND phường cũng gặp nhiều khó khăn, vất vả khi phối hợp đơn vị quản lý công viên xử lý việc lấn chiếm, xây dựng trái phép trong khu vực công viên.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, quy hoạch chi tiết Công viên Tuổi trẻ Thủ đô tỷ lệ 1/500 đã được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 111/2000/QÐ-UB và Ðiều chỉnh quy hoạch chi tiết Công viên Tuổi trẻ Thủ đô theo hướng trở thành Trung tâm thanh, thiếu niên Hà Nội tỷ lệ 1/500 được UBND thành phố phê duyệt năm 2010. Tuy nhiên, quá trình triển khai dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật công viên còn không ít bất cập: Chủ đầu tư chưa thực hiện đúng quy hoạch được duyệt; Cơ chế huy động vốn, việc bố trí kinh phí giải phóng mặt bằng, bố trí quỹ nhà tái định cư cho các hộ dân phải di dời chưa phù hợp… đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án. Ðến nay, quy hoạch Công viên Tuổi trẻ Thủ đô năm 2010 vẫn còn hiệu lực và chưa có quy hoạch nào thay thế.
Tại buổi làm việc của Bí thư Thành ủy Hà Nội với Quận ủy Hai Bà Trưng vào ngày 20-1-2021, đại diện Quận ủy Hai Bà Trưng cũng kiến nghị thành phố sớm kết luận thanh tra toàn diện công tác thực hiện dự án đầu tư xây dựng, việc quản lý sử dụng, công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng tại Công viên Tuổi trẻ Thủ đô. Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Ðức Tuấn cho biết, sẽ rà soát, điều chỉnh quy hoạch công viên, trong đó UBND thành phố thống nhất ý kiến của Thường trực Thành ủy sẽ tách riêng gần 900 hộ dân ra khỏi quy hoạch chi tiết 1/500 công viên; đồng thời, xử lý các vấn đề liên quan đến không gian chức năng, đất đai, quy hoạch, xây dựng. Cùng với đó, thành phố sẽ tiến hành đánh giá tính khả thi của dự án, xem xét năng lực chủ đầu tư. Bí thư Thành ủy đề nghị UBND thành phố Hà Nội thành lập tổ công tác chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vấn đền liên quan đến công viên.
Thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, ngày 6-5-2021, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh ký Quyết định số 2030/QÐ-UBND, thành lập Tổ công tác của UBND thành phố để xử lý, giải quyết nội dung kết luận, kiến nghị tại Kết luận thanh tra toàn diện quá trình hình thành, thực hiện dự án, quản lý, sử dụng đất, xây dựng công trình trong Công viên Tuổi trẻ Thủ đô. Tổ công tác gồm 10 thành viên do Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Ðức Tuấn làm Tổ trưởng, có nhiệm vụ tham mưu UBND thành phố chỉ đạo xử lý, giải quyết nội dung kết luận, kiến nghị tại kết luận thanh tra toàn diện quá trình hình thành, thực hiện dự án, quản lý, sử dụng đất, xây dựng công trình trong công viên; bảo đảm xử lý, khắc phục toàn diện, triệt để các sai phạm, bất cập tồn tại liên quan.
Theo Nhân Dân
Ảnh: Một hạng mục sai phạm tại Công viên Tuổi trẻ Thủ đô.
Xem bài viết gốc tại đây: