Xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị số 41/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng, ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích thu hút đầu tư các dự án xử lý rác thải có công nghệ tiên tiến, hiện đại; đơn giản hóa các thủ tục chuẩn bị đầu tư, xây dựng và vận hành cơ sở xử lý chất thải.

Rà soát, đánh giá công nghệ xử lý rác thải hiện có trên địa bàn, yêu cầu các cơ sở xử lý phải có lộ trình đổi mới công nghệ xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, thực hiện trước năm 2023; có lộ trình tăng dần giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải nhằm giảm dần hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước; không hạn chế việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại từ các địa phương khác về địa phương mình để xử lý theo quy định.

Quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi nhằm giảm thiểu chất thải phát sinh và thúc đẩy việc phân loại rác thải tại nguồn.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, bao gồm: thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ khẩn trương đầu tư hoặc đưa vào vận hành các nhà máy xử lý rác thải theo hướng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường; phấn đấu đến hết năm 2025 giảm tỷ lệ rác thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp xuống dưới 20%.

Các tỉnh khác phấn đấu đến hết năm 2025 giảm tỷ lệ rác thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp xuống dưới 30%; đối với các khu vực nông thôn cần tận dụng tối đa lượng chất thải hữu cơ để tái sử dụng, tái chế, làm phân compost hoặc tự xử lý tại các hộ gia đình thành phân compost.

Các địa phương cũng cần tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội tham gia, phản biện, giám sát hoạt động quản lý và xử lý chất thải rắn; chủ động cung cấp thông tin, phát huy vai trò của báo chí trong hoạt động quản lý chất thải rắn.

Tại điều 78, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 cũng quy định về xử lý chuyển chất thải rắn sinh hoạt gồm:

1. Nhà nước khuyến khích và có chính sách ưu đãi đối với tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư và cung cấp dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; khuyến khích đồng xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

2. Ủy ban nhân dân các cấp lựa chọn cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt thông qua hình thức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu; trường hợp không thể lựa chọn thông qua hình thức đấu thầu thì thực hiện theo hình thức đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

3. Cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của Luật này. Không khuyến khích đầu tư cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt chỉ có phạm vi phục vụ trên địa bàn một đơn vị hành chính cấp xã.

4. Chất thải rắn sinh hoạt phải được xử lý bằng công nghệ phù hợp, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Chính phủ quy định lộ trình hạn chế xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ chôn lấp trực tiếp.

5. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành tiêu chí về công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; hướng dẫn mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại đô thị và nông thôn.

6. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm quy hoạch, bố trí quỹ đất cho khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt, thực hiện việc giao đất kịp thời để triển khai xây dựng và vận hành khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn; bố trí kinh phí cho việc đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; hệ thống các công trình, biện pháp, thiết bị công cộng phục vụ quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn.

LUẬT SƯ, TIẾN SĨ ĐỒNG XUÂN THỤ

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Ảnh: Tháng 9/2020, người dân phản ánh, không chỉ riêng con ngõ 72 An Dương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ là bãi tập kết rác ô nhiễm mà ngay Cửa Khẩu An Dương cũng diễn ra tình trạng tương tự, khiến nhiều người dân bức xúc.