Ngày 30/9 tới đây, Hội thảo trực tuyến cập nhật xu hướng tích hợp công nghệ cảm biến trong quan trắc chất lượng không khí trên thế giới và ở Việt Nam sẽ diễn ra trên nền tảng Zoom.
Ô nhiễm không khí đã trở thành kẻ sát nhân “vô hình” gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng nhưng việc thiếu các trạm quan trắc, thiết bị đo và công khai dữ liệu là một trong những lý do khiến nhiều người chưa biết rõ về tình trạng không khí xung quanh mình.
Rất nhiều bên đang nỗ lực để lấp đầy khoảng trống đó. Bên cạnh các trạm quan trắc của nhà nước, trong 3 năm qua, một loạt mạng lưới quan trắc sử dụng cảm biến chi phí thấp của tư nhân và dự án cộng đồng đã xuất hiện, cung cấp thông tin công khai về chất lượng không khí ở nhiều địa điểm mà trước đây không hề có.
Nhiều ứng dụng theo dõi chất lượng không khí như AirVisual, Air Matters, Air Quality, Windy, PAM Air, tMonitor, … khiến người dân trở nên quen thuộc hơn với việc theo dõi các chỉ số chất lượng không khí (AQI) hay các bảng xếp hạng về những thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Nhờ đó, họ có thể hiểu và tham gia vào quá trình phản ảnh và tham gia cùng chính quyền trong việc xây dựng những giải pháp cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí.
Vậy công nghệ cảm biến trong giám sát chất lượng không khí hoạt động như thế nào? Ưu nhược điểm của nó ra sao? Nó sẽ bổ sung hay thay thế các trạm quan trắc truyền thống đã có? Và Việt Nam có thể học hỏi được gì từ những nước đi trước về công nghệ này?
Tất cả những câu hỏi đó sẽ được thảo luận tại hội thảo trực tuyến “Từ vô hình tới hữu hình – Ứng dụng công nghệ cảm biến trong giám sát chất lượng không khí: Kinh nghiệm quốc tế và tiềm năng cho Việt Nam” do Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn), Đối tác Không khí sạch Châu Á – Thái Bình Dương (APCAP), Mạng lưới không khí sạch Việt Nam (VCAP) và Tạp chí Tia Sáng đồng tổ chức.
Hội thảo có sự tham gia của các cơ quan môi trường trong nước và quốc tế, đại diện các viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức phát triển, doanh nghiệp sản xuất thiết bị cảm biến chất lượng không khí ở Việt Nam.
Mai Chi (T/h)
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Hội thảo trực tuyến sẽ được tổ chức vào ngày 30/9/2021