Xenobot – loại robot sống đầu tiên trên thế giới do các nhà khoa học Mỹ đã tạo ra, có thể nhân bản, theo cách hoàn toàn khác động vật và thực vật tự nhiên.
Xenobot có đường kính chưa đến 1 milimet, được tạo ra từ tế bào gốc của loài ếch có móng ở châu Phi. Các sinh vật hình đốm nhỏ tí hon được công bố từ năm 2020, sau khi nhiều thí nghiệm cho thấy chúng có thể di chuyển, gộp lại thành nhóm và tự chữa lành.
Các nhà khoa học tạo ra chúng đến từ ĐH Vermont, ĐH Tufts và Viện Kỹ thuật sinh học Wyss thuộc ĐH Havard. Họ cũng đã phát hiện ra một hình thức sinh sản hoàn toàn mới so với bất kỳ động thực vật nào mà khoa học từng biết đến.
Để tạo ra xenobots, các nhà nghiên cứu đã dùng các tế bào gốc sống từ phôi ếch và để chúng nở. Vì tế bào gốc là những tế bào không chuyên biệt, có khả năng phát triển thành các loại tế bào khác nhau.
ông Josh Bongard, giáo sư về khoa học máy tính và robot tại ĐH Vermont
Ông Bongard cho biết nhóm nghiên cứu phát hiện ra các xenobot có thể nhân bản. Những xenobot này ban đầu có hình cầu, được tạo nên từ khoảng 3.000 tế bào. Nhưng việc nhân bản hiếm khi xảy ra và chỉ xảy ra trong điều kiện cụ thể. Chúng sử dụng “sự sao chép động học”, cơ chế xảy ra ở cấp độ phân tử nhưng chưa từng được quan sát trước đó ở quy mô tế bào hay sinh vật.
Xenobot vẫn là công nghệ ở giai đoạn đầu, giống như máy tính hồi những năm 1940, khi con người chưa khám phá ra nhiều ứng dụng thực tế. Các nhà nghiên cứu nói rằng sự kết hợp giữa sinh học phân tử và trí tuệ nhân tạo có thể tạo ra nhiều ứng dụng như gom rác thải nhựa dưới đại dương hay áp dụng vào y học tái sinh.
Dù triển vọng ứng dụng công nghệ tự nhân bản có thể gây lo ngại, các nhà nghiên cứu nói rằng những cỗ máy sống này vẫn được kiểm soát hoàn toàn trong phòng thí nghiệm và dễ dàng tiêu hủy.
Nghiên cứu này nhận được tài trợ từ Cơ quan các dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến, một cơ quan liên bang của Mỹ chuyên hỗ trợ và giám sát phát triển công nghệ sử dụng vào mục đích quân sự.
Nguyễn Vinh
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Hình ảnh các xenobot có thể tự nhân bản. Ảnh: ITN