Xây kênh dẫn nước hàng chục tỷ đồng rồi… bỏ hoang

Đó là công trình Kênh thủy lợi Đ3 thuộc hệ thống kênh của Dự án Hồ thủy lợi Krông Búk Hạ được xây dựng hoành tráng với số tiền lên đến gần 15 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành, kênh thủy lợi này bị bỏ hoang phế, cây cỏ bao phủ và ngày càng xuống cấp, sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng…

Kênh Đ3 thuộc hệ thống kênh của Dự án Hồ thủy lợi Krông Búk Hạ được xây dựng trên địa bàn xã Krông Búk, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk với số tiền 14,9 tỷ đồng (vào thời điểm 12/2014) bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, UBND huyện Krông Pắk được ủy quyền làm chủ đầu tư.

Theo thiết kế, Kênh được xây dựng bằng bê tông đáy với chiều dài 1,2km để lấy nước từ kênh dẫn dòng chính của Hồ thủy lợi Krông Búk Hạ về tưới cho hàng trăm ha lúa trên địa bàn 2 xã Krông Búk và Ea Kly. Thế nhưng, sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng được 1 năm (2017) thì công trình này bị bỏ hoang cho đến nay. Trong khi hàng trăm ha lúa của người dân địa phương vẫn thiếu nước tưới, gây lãng phí lớn và bức xúc trong nhân dân.

Không những không phát huy tác dụng, nhiều điểm sạt lở của tuyến kênh phải chi thêm hơn 850 triệu đồng để khắc phục sự cố

Có mặt tại kênh thủy lợi này và tận mắt chứng kiến con kênh có chiều rộng hàng chục mét, sâu hơn 10 mét nhưng hầu như bị cây cỏ bao phủ kín, nhiều đoạn phải quan sát thật kỹ mới phát hiện ra con kênh. Phía dưới lòng kênh, đất đá bồi lấp hầu như gần hết không thể nhận ra được đáy của dòng kênh này từng được làm bằng bê tông. Phía trên hai bên mép kênh, nhiều đoạn bị sạt lở nghiêm trọng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đất canh tác của người dân sống xung quanh.

Nhiều đoạn trên tuyến kênh bị cây cối mọc um tùm không thể nhận ra đây là tuyến kênh được đầu tư hàng chục tỷ đồng

Ông Phạm Ngọc Khương (51 tuổi, trú thôn 9, xã Krông Búk, có nhà nằm sát tuyến kênh) cho biết, gia đình ông hiện đang canh tác hơn 3 sào lúa và cây ăn trái. “Vào mùa khô hàng năm, tình trạng khô hạn ở đây diễn ra hết sức gay gắt nên khi thấy nhà nước đầu tư kênh thủy lợi dẫn nước về phục vụ sản xuất, bà con chúng tôi mừng lắm. Thế nhưng, tuyến kênh thủy lợi này sau khi xây dựng xong thì bị bỏ hoang cho đến nay. Trong khi đó, người dân chúng tôi lại thiếu nước tưới cho cây trồng. Mong các cấp, các ngành cần nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, khắc phục những bất cập để đưa công trình vào sử dụng, phục vụ nhân dân sản xuất, tránh lãng phí lớn ngân sách nhà nước đã đầu tư”, ông Khương bức xúc nói.

Không riêng gia đình ông Khương mà hàng trăm hộ dân ở khu vực có công trình kênh thủy lợi đi qua đều hết sức bức xúc trước sự lãng phí của công trình kênh thủy lợi này. Ông Trần Văn Huân (trú , trú thôn 9, xã Krông Búk) bức xúc, cả tuyến kênh dài đầu tư hàng chục tỷ đồng vậy mà mùa khô không có lấy giọt nước nào cho bà con sản xuất. Từ ngày thi công xong thì bỏ hoang chẳng thấy ai quan tâm khiến cho tuyến kênh giờ bị xuống cấp, sạt lở, đất đá bồi lấp, cỏ mọc um tùm.

Lòng đáy của tuyến kênh được thiết kế thấp hơn ruộng nên không thể dẫn nước vào ruộng

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hải Sâm (Chủ tịch UBND xã Krông Búk) cho biết, một trong những nguyên nhân khiến tuyến kênh này không phát huy tác dụng và bị bỏ hoang là do mặt kênh được thiết kế thi công thấp hơn mặt ruộng. Và để minh chứng điều ông Sâm nói, Chủ tịch UBND xã Krông Búk dẫn chúng tôi lên phía “thượng nguồn”, nơi đầu mối kênh Đ3 tiếp giáp với kênh chính Đông (thuộc dự án hồ Krông Búk Hạ), là nơi dẫn nước vào kênh.

Theo quan sát, trong lòng kênh chính Đông, lượng nước từ hồ chảy về rất lớn nhưng nước không thể chảy vào kênh Đ3 bởi hệ thống cống, kênh này bị tắc nghẽn, lòng kênh Đ3 có độ cao hơn mực nước ở kê chính Đông khiến nước không thể “chảy xuôi” vào lòng kênh như thiết kế ban đầu. “Tuyến kênh được đầu tư gần 15 tỷ đồng từ năm 2013 nhưng không hề phát huy hiệu quả. Không chỉ vậy, vào thời điểm thi công, tuyến kênh này đã làm ảnh hưởng đến 42 hộ dân ở hai buôn Kla và Krai A. Tuy nhiên, hệ thống kênh “hoành tráng” này lại chẳng có giọt nước nào vì kênh thấp hơn mặt ruộng. Hơn nữa, tuyến kênh được đào sâu hơn mặt đất tự nhiên từ 1-10m, rộng cả chục mét dẫn đến sạt lở nhiều nơi”, ông Sâm bức xúc nói.

Nước từ kênh chính Đông chảy về rất nhiều nhưng không thể dẫn vào kênh Đ3 bới lòng kênh cao hơn mực nước và cống bị tắc nghẽn

Trả lời về vấn đề này, lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Krông Pắk khằng định, được đầu tư với số tiền không hề nhỏ nhưng hệ thống kênh Đ3 hoàn toàn không phát huy hiệu quả. “Hiện nhiều đoạn hai bên bờ của tuyến kênh đang bị sạt lở nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến đất canh tác, đất ở của người dân. Để khắc phục sự cố này, vừa qua UBND huyện đã phải chi thêm ngân sách hơn 850 triệu đồng để gia cố sọt đá chống sạt lở tại 4 điểm”, vị lãnh đạo này nói.

Nhiều diện tích ruộng canh tác của người dân bị khô hạn, nứt nẻ nằm cạnh bên tuyến kênh

Trong khi đó, ông Đoàn Đại Lý (Chánh Văn phòng UBND huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) cho biết thêm, UBND huyện đã giao phòng chuyên môn kiểm tra hệ thống kênh Đ3 vì bỏ hoang nhiều năm nay, gây sạt lở ảnh hưởng đến tài sản, nguy hiểm tính mạng người dân.

Hồ chứa nước Krông Búk Hạ nằm trên địa bàn huyện Krông Pắk, do Bộ NN&PTNT có quyết định chủ trương đầu tư lần đầu năm 2005 với tổng mức hơn 1.090 tỷ đồng bằng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ. Đến năm 2009, dự án này được điều chỉnh tăng lên hơn 1.630 tỷ đồng. Công trình có diện tích chiếm chỗ vĩnh viễn hơn 4.000ha, gần 1.000 hộ dân bị ảnh hưởng, di dời, sẽ tưới cho hơn 11.400ha.

Trong đó, Bộ NN&PTNT sẽ chủ trì các hợp phần công trình đầu mối, kênh chính và hệ thống kênh có diện tích tưới trên 150ha với tổng mức đầu tư hơn 1.076 tỷ đồng. UBND tỉnh Đắk Lắk thực hiện hợp phần giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư, hệ thống kênh, công trình có diện tích tưới dưới 150ha, trong đó có kênh Đ3 với tổng số tiền gần 15 tỷ đồng.

Văn Thành – Báo CAND

Theo Công An Nhân Dân

Xem bài viết gốc tại đây:

http://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/xay-kenh-dan-nuoc-hang-chuc-ty-dong-roi-bo-hoang-628743/