Xây dựng hạ tầng giao thông Thủ đô văn minh, hiện đại

Thời gian qua, với những nỗ lực của Trung ương và Thành phố trong việc tập trung nguồn vốn, giải quyết vướng mắc về giải phóng mặt bằng… nhiều công trình hạ tầng giao thông lớn trên địa bàn Thủ đô đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Những ‘mạch máu’ giao thông Thủ đô từng bước được hoàn thiện, góp phần tăng khả năng kết nối, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Những chuyển biến rõ nét

Hà Nội thời gian qua đã triển khai hàng loạt các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông, không chỉ góp phần cải thiện diện mạo, mà còn tạo động lực phát triển Thủ đô.

Hàng loạt các công trình giao thông do Trung ương và Hà Nội đầu tư đã được hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng trên địa bàn Thủ đô, tạo điều kiện để Hà Nội chủ động đầu tư kết nối các tuyến đường. Có thể thấy nhiều con đường, nút giao thông đã được xây dựng rất rộng, đẹp đi vào sử dụng thời gian qua như: Vành đai 2 và cầu Vĩnh Tuy, đường Vành đai 3, trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ), Quốc lộ 1A (đoạn Văn Điển – Ngọc Hồi), một số đoạn tuyến của đường vành đai 2,5 và 3,5;

Các công trình cầu vượt tại các nút giao thông quan trọng như nút giao Nguyễn Văn Huyên – Hoàng Quốc Việt; An Dương – đường Thanh Niên, đường nối từ Vành đai 3 đến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, đường Tản Lĩnh – Ba Vì… những trục giao thông này đã, đang và sẽ cải thiện hạ tầng giao thông, diện mạo đô thị, tạo thêm lực phát triển cho Thủ đô.

Để bảo đảm giao thông, bên cạnh việc đầu tư mạnh mẽ để phát triển, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, phát triển vận tải hành khách công cộng, Hà Nội đã có nhiều giải pháp tình thế đem lại hiệu quả tích cực. Minh chứng dễ thấy là việc thu hẹp dải phân cách giữa, “xén” vỉa hè để tăng diện tích lòng đường cho các phương tiện lưu thông thuận lợi hơn.

Ngoài ra, hàng loạt cầu vượt nhẹ được tiến hành xây dựng nhằm tránh xung đột tại các nút giao thông có lưu lượng lớn cũng là một trong những giải pháp hữu ích kéo giảm ùn tắc.

Những cầu vượt nhẹ góp phần giảm áp lực giao thông. Ảnh: Đinh Luyện

Hạ tầng đồng bộ góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông. Ảnh: Đinh Luyện

Chia sẻ thông tin tại Hội nghị gặp mặt lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội nhân dịp Xuân Tân Sửu – 2021, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Vũ Hà cho biết, để có một kết cấu hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, đòi hỏi những nguồn lực rất lớn. Trên cơ sở lộ trình hoàn thiện hệ thống giao thông đã được xác định, Sở Giao thông vận tải Hà Nội tiếp tục tham mưu với Thành phố sử dụng nguồn lực hợp lý, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, theo thứ tự ưu tiên nhằm đáp ứng những yêu cầu đang đặt ra và phù hợp với quy hoạch.

Hoàn thiện các tuyến đường Vành đai

Hà Nội đang vươn mình, từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành một thành phố hiện đại, xứng tầm là Thủ đô và có vị thế trong khu vực và thế giới. Trong bức tranh về giao thông Hà Nội hôm nay đã có nhiều màu sắc tươi sáng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức cần phải vượt qua.

Không khó để thấy tình trạng quá tải hạ tầng giao thông khi tình trạng này diễn ra ngày càng nặng thêm do chưa gắn kết được quy hoạch hạ tầng giao thông với các quy hoạch đô thị khác như quy hoạch xây dựng, quy hoạch nhà ở, quy hoạch môi trường đô thị. Ngoài ra, khả năng kết nối giao thông liên vùng còn nhiều khó khăn, vận tải khách công cộng chưa phát triển… tất cả đều là những vấn đề cần lưu tâm để khắc phục.

Trước mắt, để “dài hơi” hơn trong phát triển, đòi hỏi Thủ đô phải có sự đầu tư mạnh vào lĩnh vực giao thông. Đầu tư xây dựng các tuyến đường Vành đai là tiền đề đặc biệt quan trọng. Được biết, theo quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội sẽ có nhiều tuyến đường Vành đai để kết nối nội bộ và thông thương với các tỉnh, thành lân cận. Đó là các tuyến như Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 2,5, Vành đai 3,5…

Phương tiện giao thông công cộng được Hà Nội chú trọng đầu tư phát triển. Ảnh: Đinh Luyện

Chia sẻ về vấn đề liên quan, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Vũ Hà cho biết, hiện lưu lượng giao thông đang tập trung ở nội thành, bởi vậy phải có biện pháp giãn. Giãn bằng cách đầu tư các đường hướng tâm. Nói cách khác, giao thông Hà Nội là giao thông hướng tâm và các đường vành đai. Khi người và phương tiện di chuyển trên các đường hướng tâm mà không có các đường vành đai thì phương tiện bắt buộc phải đi vào các trục đường nội thành sau đó mới chuyển sang các đường hướng tâm khác và như vậy gây ùn tắc cho nội thành.

“Hiện chúng tôi xác định được mục tiêu phải làm, trước mắt bên cạnh đầu tư hạ tầng giao thông, Sở sẽ đẩy mạnh tổ chức giao thông, bố trí lực lượng phân luồng, tuyên truyền và nâng cao ý thức tham gia giao thông…” – Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội thông tin.

Đinh Luyện – Báo LĐTĐ

Theo Lao Động Thủ Đô

Ảnh: Hạ tầng giao thông Thủ đô ngày càng được đồng bộ và hiện đại. Ảnh: Đinh Luyện

Xem bài viết gốc tại đây:

https://laodongthudo.vn/xay-dung-ha-tang-giao-thong-thu-do-van-minh-hien-dai-119006.html