Trước thực trạng ô nhiễm các dòng sông ngày càng nghiêm trọng, Việt Nam đang nỗ lực “xanh hóa” các dòng sông. Để làm được điều này, ngoài chính sách quản lý cần sự quyết liệt, nỗ lực chung không chỉ nhà chức trách mà còn cả cộng đồng.
“Loay hoay” cứu sông, hồ
Hiện nay, nhiều dòng sông trên cả nước đang đứng trước tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng trong nhiều năm; điển hình như ô nhiễm sông Nhuệ, sông Tô Lịch trong nội thành Hà Nội, sông Ngũ Huyện Khê tại Bắc Ninh, sông Bắc Hưng Hải ở Hưng Yên, hệ thống các kênh rạch chảy qua quận 8, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, TP.HCM… Có khu vực đã được cải tạo, khắc phục tình trạng ô nhiễm nhưng sau một thời gian lại tái hiện tình trạng ô nhiễm như kênh Tân Hóa – Lò Gốm, Tàu Hủ – Bến Nghé ở TP.HCM.
Mặc dù đã có những chính sách, quy định cụ thể về việc bảo vệ các dòng sông nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Đức Vượng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết, dù những năm qua, tỉnh Hà Nam đã tập trung thực hiện công tác bảo vệ môi trường trên nhiều mặt nhưng môi trường lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy vẫn bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm là do tỉnh Hà Nam giáp ranh với Hà Nội, chịu ảnh hưởng từ những đợt xả thải từ Thủ đô, mức độ ô nhiễm vẫn vượt quá nhiều so với tiêu chuẩn. Trong khi đó, tại địa phương, hiện các cụm công nghiệp, làng nghề, các khu đô thị, khu dân cư, khu chăn nuôi tập trung chưa xử lý được nước thải.
Do vậy, theo ông Vượng, giải pháp xây dựng các công trình xử lý nước thải tập trung do Chính phủ và UBND TP.Hà Nội đang đầu tư xây dựng có thể góp phần tạo ra nguồn nước sạch từ đầu nguồn chảy về phía hạ lưu, giúp giảm thiểu một phần sự ô nhiễm nguồn nước.
Còn theo ông Nguyễn Đình Phương – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Bắc Ninh, khi tiến hành khảo sát thực tế các nguồn xả thải ra, gây ô nhiễm sông Cầu và sông Ngũ Huyện Khê, đã phát hiện ra các trường hợp xả thải không qua xử lý.
Do vậy, Sở TN&MT đã đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Công an thường xuyên trinh sát, bắt quả tang và xử lý nghiêm các trường hợp xả thải không qua xử lý ra môi trường. Theo đó, công tác xử phạt phải thường xuyên, kịp thời và quyết liệt thì mới có thể giải quyết và khắc phục phần nào tình trạng ô nhiễm nước hai con sông nêu trên.
Để bảo vệ các dòng sông, Việt Nam đã đưa ra nhiều quyết sách quan trọng, có thể kể đến Nghị quyết số 24-NQ/TW năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Chỉ thị số 25/CT-TTg năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường…
Các văn bản đều nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết thực hiện nhiệm vụ quy hoạch khai thác, bảo vệ nguồn nước, tăng cường quản lý nguồn nước theo lưu vực sông; tăng cường kiểm soát các nguồn thải gây ô nhiễm nguồn nước, kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác và sử dụng nước bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và bền vững.
Cụ thể hơn là Nghị định 43/2015/NĐ-CP quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước; Nghị định 23/2020/NĐ-CP quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông và các Thông tư của Bộ TN&MT về việc nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nước, bảo vệ nguồn nước các lưu vực sông.
Ngoài ra còn có Chương trình Mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường năm 2016 – 2020; Chương trình Quan trắc môi trường nước mặt định kỳ của Bộ TN&MT nhằm giám sát các nguồn thải đổ ra sông; Chương trình Quan trắc chất lượng môi trường hàng năm của các bộ, ngành…
Ở cấp địa phương, hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều đã phê duyệt Quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường hoặc Kế hoạch quan trắc môi trường trên địa bàn. Mặt khác, đến nay, có 33/63 tỉnh đã phê duyệt Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ, 17/63 tỉnh đang lập Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ để trình UBND tỉnh phê duyệt.
Còn ở cấp quản lý liên vùng, liên tỉnh, nước ta có 9 tổ chức quản lý lưu vực sông. Bên cạnh đó, đối với các địa phương khác, bảo vệ môi trường được lồng ghép trong các quy hoạch, kế hoạch quản lý, đơn cử như kế hoạch quản lý tài nguyên nước lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn được thực hiện giữa tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng.
Ngăn chặn hành động “bức tử” các dòng sông
Hưởng ứng Ngày quốc tế hành động vì các dòng sông diễn ra vào ngày 14/3, ngành môi trường Việt Nam tiếp tục định hướng, nghiên cứu và ban hành những chính sách, quy định góp phần phòng chống các hoạt động “bức tử” sông hồ, gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; bảo vệ và bảo tồn hệ sinh thái các lưu vực sông, cũng như văn hoá, lịch sử, tín ngưỡng liên quan đến sông, hồ.
Theo đó, ông Châu Trần Vĩnh – Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước khẳng định, trong giai đoạn 2021-2025, Cục Quản lý tài nguyên nước sẽ phối hợp cùng các đơn vị điều tra, đánh giá khả năng chịu tải của môi trường nước mặt trên các lưu vực sông lớn.
Theo đó, sẽ công bố môi trường nước không còn khả năng chịu tải (trước mắt công bố tại các khu vực tập trung nhiều hoạt động phát triển công nghiệp, nuôi trồng thủy sản) theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Lập kế hoạch xử lý ô nhiễm, phục hồi và cải thiện môi trường nước mặt đối với các khu vực nguồn nước đang bị ô nhiễm nghiêm trọng hiện nay trên các lưu vực sông theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Luật Tài nguyên nước năm 2012.
Không thể phủ nhận, hầu hết hoạt động của con người phục vụ sản xuất và sinh hoạt hiện nay đang dần dần “nhuộm đen” các dòng sông, ví như xây đập thuỷ điện, hồ chứa nước để tưới tiêu; tiêu dùng và xả thải; lấp sông để xây nhà, khu công nghiệp, khu nghỉ dưỡng…
Mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực bảo vệ và “làm xanh” các dòng sông trong những năm vừa qua nhưng thực tế cho thấy, việc phối hợp giữa các bộ, ngành có liên quan, giữa các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế. Nếu các dòng sông tiếp tục bị “ngược đãi” thì hậu quả sẽ rơi xuống, không ai khác, chính là chúng ta.
Cần một cơ quan có quyền lực thực sự
Mặc dù đã có nhiều quyết sách lớn để bảo vệ các dòng sông nhưng các lưu vực sông trên cả nước hiện đang đứng trước tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Các sự cố gây ô nhiễm môi trường nước mặt vẫn tiếp tục diễn ra, trong khi đó, việc phối hợp giữa các Bộ, ngành có liên quan trong khai thác sử dụng và bảo vệ môi trường nước lưu vực sông vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu sự thống nhất dẫn đến những khó khăn trong việc kiểm soát ô nhiễm môi trường nước. Các tổ chức lưu vực sông hoạt động nhiều năm nhưng chưa thể hiện được vai trò trong việc tham gia giải quyết các vấn đề liên quan đến tài nguyên nước trong lưu vực sông, nhất là các vấn đề mang tính liên ngành, liên vùng.
“Chúng tôi luôn nhấn mạnh là phải có cơ quan quyền lực thực sự. Chẳng hạn như với vấn đề khai thác cát, rõ ràng nếu tỉnh này cho phép hoạt động khai thác diễn ra sẽ gây tác động tới tỉnh khác, nhưng những địa phương bị ảnh hưởng lại không thể làm gì vì nó không thuộc quyền hạn của mình”. TS. Đào Trọng Tứ – Giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển bền vững tài nguyên nước và biến đổi khí hậu. |
Hệ sinh thái thủy sinh nước ta rất đa dạng, phong phú và đóng vai trò quan trọng trong việc điều hoà vòng tuần hoàn của nước. Song do việc xây dựng các công trình trên sông đã không chú ý đến nhu cầu bảo đảm sự phát triển lành mạnh của các hệ sinh thái thủy sinh… đã làm cho tính đa dạng của các loài thủy sinh bị biến động và suy thoái. Vì vậy, chúng ta không thể làm ngơ trước thực tế tài nguyên nước và hệ sinh thái thủy sinh đang bị đe dọa như hiện nay.
Cục Quản lý tài nguyên nước vừa triển khai chương trình hành động bảo vệ tài nguyên nước và các hệ sinh thái thủy sinh với sự tham gia của các Bộ, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể và một số Sở TN&MT. Đây là chương trình nhằm triển khai Chiến lược Quốc gia về TNN được ưu tiên thực hiện trước tiên. Trong 5 quan điểm chỉ đạo được đưa ra thì việc “bảo vệ môi trường nước và hệ sinh thái thủy sinh, cảnh quan lưu vực các hệ thống sông ngòi là nhiệm vụ lâu dài, thường xuyên, cần có quyết tâm cao, đòi hỏi các nguồn lực đầu tư của Trung ương, địa phương, trong đó chính quyền và nhân dân dân địa phương, cộng đồng dân cư là chính”, được nhấn mạnh hơn cả.
Theo Cục Quản lý tài nguyên nước, mục tiêu trước mắt là phải tạo chuyển biến cơ bản, tích cực ban đầu về xử lý và khắc phục ô nhiễm môi trường trong các lưu vực sông, hạn chế dần để giảm mức độ gia tăng ô nhiễm nguồn nước. Việc khôi phục các đoạn sông bị ô nhiễm nặng, khắc phục tình trạng khai thác cát sỏi trong lòng sông không theo quy hoạch, bảo vệ các dòng sông là hết sức cần thiết.
Cục đã đưa ra 12 giải pháp là bảo vệ điều kiện sinh thái nước; bảo vệ môi trường nước; cải thiện chất lượng môi trường nước; kiểm kê các nguồn gây ô nhiễm nước, các hoạt động gây ô nhiễm nguồn nước; cấp phép xả nước thải, phòng chống ô nhiễm nước dưới đất… Tới đây, cần nhanh chóng hoàn thiện và triển khai thực hiện các quy hoạch lưu vực sông nhằm quản lý tình trạng ô nhiễm và xuống cấp của các dòng sông Cầu, sông Đáy, sông Nhuệ, sông Đồng Nai, sông Hương…
Rõ ràng, đây không phải là công việc có thể thực hiện trong một sớm, một chiều mà để làm được cần có kế hoạch dài hơi. Bên cạnh sự nỗ lực, quyết tâm cao của Bộ TN&MT thì sự phối hợp của các Bộ NN&PTNT, Bộ Giao thông Vận tải… các tổ chức đoàn thể xã hội và người dân sẽ góp phần rất quan trọng trong việc bảo vệ các co sông và hệ sinh thái thủy sinh.
Về lâu dài, với các dòng sông nói chung, cần thực hiện nghiêm túc Luật Bảo vệ môi trường 2020 và kiểm soát chất lượng nước thải. Với các khu vực quá tải sẽ kiến quyết không cho xả thải. Hoặc có cơ chế công tư để đầu tư hạ tầng và xử lý rác thải rắn. Cách quản lý và khai thác các dòng sông thể hiện quan điểm và cách tiếp cận của Nhà nước trong việc khai thác tối ưu một dòng sông vì sự phát triển bền vững. Vì vậy, vai trò của dòng sông và hậu quả của việc khai thác nó cần được nhận thức đầy đủ trong các cấp chính quyền và trong cả hệ thống chính trị. Đây là yếu tố cần thiết cho sự đồng thuận giữa các ngành, các cấp, các địa phương trong quy hoạch khai thác dòng sông và lưu vực của nó.
Thanh Thúy – Tạp chí KTMT
Theo Kinh tế Môi trường
Ảnh: Xử lý ô nhiễm tại sông Tô Lịch vẫn là bài toán khó.
Xem bài viết gốc tại đây:
https://kinhtemoitruong.vn/xanh-hoa-cac-dong-song-no-luc-vi-an-ninh-nguon-nuoc-53704.html