Xâm nhập mặn tại ĐBSCL tăng cao, việc tích nước thủy lợi gặp khó

Dự báo, trong tuần tới, xâm nhập mặn tiếp tục tăng theo kỳ triều cường, ranh mặn 4g/l lớn nhất có thể xuất hiện từ phạm vi 45-70km trên các cửa sông.

Tổng cục Thủy lợi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự báo, trong tuần tới, xâm nhập mặn có xu thế tiếp tục tăng theo kỳ triều cường Rằm tháng Giêng Âm lịch.

Ranh mặn 4g/l lớn nhất tuần sau có thể xuất hiện từ phạm vi 45-55km trên các cửa sông Cửu Long, từ 55-70km trên cửa sông Vàm Cỏ.

Hiện tại, xâm nhập mặn bắt đầu ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi trong phạm vi từ 30-50km từ cửa biển vào các ngày triều cường.

Dự báo xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 2/2023, Tổng cục Thủy lợi cho biết ở vùng các cửa sông Cửu Long, ranh mặn 4 g/l có khả năng xâm nhập đến 40-50km, so với năm 2020 thấp hơn từ 18-20km. Một số thời điểm sẽ ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi từ 40km trở xuống.

Ranh mặn 4 g/l lớn nhất tháng 2/2023, trên sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây ở mức 65-70km, so với năm 2020 thấp hơn từ 25-35km, nhưng cao hơn so với cùng kỳ năm 2022 từ 5-7km. Xâm nhập mặn ảnh hưởng đến khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi từ 60km trở xuống trong các kỳ triều cường.

Trên sông Cái Lớn, hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé vận hành bảo đảm kiểm soát xâm nhập mặn.

“Một số thời điểm xâm nhập mặn ảnh hưởng đến các công trình thủy lợi, tuy nhiên, nguồn nước cơ bản vẫn đảm bảo để cung cấp phục vụ sản xuất cho vụ Đông Xuân 2022-2023,” Tổng cục Thủy lợi nhận định.

Tuần qua, dòng chảy thượng nguồn sông Mekong có xu thế giảm, dòng chảy đầu nguồn sông Cửu Long có xu thay đổi theo triều.

Tại trạm Kratie, mực nước trong tuần có xu thế giảm, đến 7 giờ ngày 1/2 vừa qua mực nước đạt 7,5m; so với cùng kỳ cao hơn trung bình nhiều năm 0,58m, cao hơn năm 2022 khoảng 0,08m, cao hơn năm 2020 khoảng 0,82m, cao hơn năm 2016 khoảng 0,65m.

Tại Biển Hồ, dung tích ngày 1/2 đạt 8,15 tỷ m3; so với cùng kỳ, cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 1,35 tỷ m3, cao hơn năm 2022 khoảng 2,87 tỷ m3, cao hơn năm 2020 khoảng 5,61 tỷ m3, cao hơn năm 2016 khoảng 5,49 tỷ m3.

Tại Tân Châu và Châu Đốc, mực nước tại trạm Tân Châu và Châu Đốc tuần qua có xu thế giảm theo triều. Mực nước lớn nhất ngày 1/2 tại trạm Tân Châu đạt 1,29m; so với cùng kỳ, cao hơn năm 2016 khoảng 0,12m, cao hơn năm 2020 khoảng 0,16m. Tại Châu Đốc đạt 1,46m; so với cùng kỳ, cao hơn năm 2016 0,17m, cao hơn năm 2020 khoảng 0,17m.

Bích Hồng (TTXVN/Vietnam+)

Theo VietnamPlus

Ảnh: Cán bộ, nhân viên Công ty THHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bến Tre kiểm tra vận hành cống Châu Thới, huyện Giồng Trôm. (Ảnh: Công Trí/TTXVN)

Xem bài viết gốc tại đây:

https://www.vietnamplus.vn/xam-nhap-man-tai-dbscl-tang-cao-viec-tich-nuoc-thuy-loi-gap-kho/844351.vnp