Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Hà Nam đã khởi tố vụ án “Gây ô nhiễm môi trường” tại Chi nhánh Công ty TNHH Xây dựng giao thông Long Nguyệt, địa chỉ thôn Đồng Ao, xã Thanh Thủy, huyện Thanh Liêm, Hà Nam.
Cụ thể, ngày 1/4, Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Hà Nam phối hợp với chính quyền xã Thanh Thủy và các cơ quan chức năng triệt phá thành công chuyên án, bắt quả tang Chi nhánh Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng Giao thông Long Nguyệt trong quá trình hoạt động sản xuất bê tông nhựa nóng đã đổ, thải gần 412 tấn chất thải công nghiệp trái phép ra môi trường.
Quá trình điều tra, cơ quan Công an xác định Phạm Quang Sơn (sinh năm 1969, trú ở Khu đô thị Time City, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) là Phó Giám đốc Công ty và Nguyễn Hữu Tuấn (sinh năm 1980, trú ở thị trấn Phú Xuyên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) là quản lý trạm trộn Công ty TNHH Xây dựng giao thông Long Nguyệt đã trực tiếp thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật nêu trên.
Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, Phòng Cảnh sát môi trường Công an Hà Nam đã khởi tố vụ án “Gây ô nhiễm môi trường” và chuyển toàn bộ hồ sơ, tang vật vụ án đến Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Hà Nam để tiếp tục thụ lý, điều tra theo thẩm quyền.
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Nam đã khởi tố bị can đối với Phạm Quang Sơn và Nguyễn Hữu Tuấn về hành vi xả chất thải trái quy định ra môi trường.
Với định hướng phát triển Hà Nam thành tỉnh trọng điểm về công nghiệp, đi kèm đó sẽ là sự gia tăng áp lực về chất thải, nước thải, khí thải… Để giảm phát thải khí nhà kính, tỉnh Hà Nam cũng đã dừng các dự án phát thải lớn gây ô nhiễm môi trường gồm toàn bộ các lò vôi thủ công khu vực huyện Thanh Liêm, các lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh; không triển khai các dự án phát thải lớn như nhiệt điện. Đôn đốc, hướng dẫn các nhà máy xi măng lắp đặt hệ thống thu hồi nhiệt phát điện. Tỉnh cũng chú trọng công tác quan trắc môi trường nhằm kịp thời nắm bắt thông tin phục vụ đánh giá hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường và các tác động xấu tới môi trường. Đôn đốc các cơ sở có nguồn thải lớn lắp đặt hệ thống quan trắc tự động và truyền số liệu về Sở TN&MT.
Tỉnh Hà Nam hiện có 8 khu công nghiệp (KCN) được Thủ tướng chính phủ phê duyệt với tổng diện tích trên 2.500ha, 7 KCN đã đi vào hoạt động; 15 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích 314ha, hiện có 13 CCN đang hoạt động, tỷ lệ lấp đầy 100%.
Theo lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Hà Nam, tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong thu gom, xử lý nước thải, chất thải theo hướng tái sinh; thực hiện các giải pháp tổng thể về bảo vệ môi trường nhằm giảm thiểu phát thải nhà kính theo từng ngành và lĩnh vực để giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong các khu, CCN nói riêng và toàn tỉnh nói chung.
Hiện 7/8 KCN đang triển khai hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung với tổng công suất xử lý 22.450m3/ngày đêm, đạt tỷ lệ 100%. Tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại các KCN, CCN đạt 95%; tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải công nghiệp và chất thải nguy hại đạt 80%, 2/15 CCN đã có trạm xử lý nước thải tập trung đang hoạt động.
Anh Thư – Tạp chí KTMT
Theo Kinh tế Môi trường
Ảnh: Lực lượng Công an hệ thống xả thải của Chi nhánh Công ty TNHH xây dựng giao thông Long Nguyệt. (Ảnh nguồn: internet)
Xem bài viết gốc tại đây: