WHO công bố tài liệu Hướng dẫn chất lượng không khí toàn cầu

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa công bố những thông tin mới nhất về Hướng dẫn chất lượng không khí toàn cầu – Global Air Quality Guidelines (AQGs) 2021. Đây là bản cập nhật đầu tiên cho AQGs kể từ lần đầu được công bố năm 2005.

Ngày 22-9 ,Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa công bố những thông tin mới nhất về Hướng dẫn chất lượng không khí toàn cầu – Global Air Quality Guidelines (AQGs) 2021. Đây là bản cập nhật đầu tiên cho AQGs kể từ lần đầu được công bố năm 2005.

Trong hơn 15 năm qua, chất lượng và số lượng của các bằng chứng về tác động của ô nhiễm không khí đến các mặt khác nhau của sức khỏe đã gia tăng đáng kể. Với lý do đó, hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới về chất lượng không khí 2021 đưa ra khuyến nghị về các ngưỡng chất lượng không khí (CLKK) đối với sáu chất ô nhiễm không khí (ONKK) chính PM₂.₅, PM₁₀, NO₂, O₃, SO₂ và CO. Trong đó, một số chỉ số sẽ có giá trị thấp hơn so với bản hướng dẫn năm 2005.

So với các tài liệu hướng dẫn trước của WHO, bản AQGs lần này sử dụng các phương pháp mới để tổng hợp bằng chứng và xây dựng hướng dẫn, củng cố các bằng chứng về tác động sức khỏe, cung cấp bằng chứng chắc chắn hơn về tác động sức khỏe ở các mức nồng độ thấp hơn, đưa ra các mức AQGs bổ sung, chẳng hạn như mùa cao điểm của O₃, nồng độ NO₂ và CO 24 giờ, cũng như một số ngưỡng khuyến nghị mới. AQGs mới đã đưa ra các thực hành tốt trong việc kiểm soát một số loại bụi như: carbon đen/carbon nguyên tố, các hạt siêu mịn và các hạt có nguồn gốc từ cát và bão bụi.

Môi trường và Đô thị điện tử xin giới thiệu tài liệu này tới bạn đọc:

Hướng dẫn toàn cầu của WHO về chất lượng không khí là gì?

Tài liệu hướng dẫn cập nhật của WHO về CLKK toàn cầu (viết tắt là AQGs) đưa ra các khuyến nghị về các ngưỡng CLKK đối với sáu chất ONKK chính. Tài liệu cũng đưa ra các hướng dẫn định tính về các thực hành tốt trong việc kiểm soát một số loại bụi (PM), ví dụ như: cacbon đen/cacbon nguyên tố, các hạt bụi siêu mịn, và các hạt bụi từ cát và bão bụi – đây là 1 số chất gây ONKK chưa có đủ bằng chứng định lượng để xác định ngưỡng.

Dựa trên rất nhiều các bằng chứng khoa học hiện có, tài liệu hướng dẫn (TLHD) xác định các mức CLKK cần thiết cho bảo vệ sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu. AQGs cũng là tài liệu tham khảo để đánh giá mức phơi nhiễm của một nhóm dân số, liệu sự phơi nhiễm của một vùng dân cư có vượt quá ngưỡng và tác động tới sức khỏe hay không, và nếu có thì đã vượt quá bao nhiêu. Nội dung tài liệu hướng dẫn bao gồm những chất ô nhiễm có tác động lớn tới sức khỏe, mà đã có thêm nhiều bằng chứng khoa học về tác động sức khỏe trong 15 năm qua. TLHD tập trung vào các chất ô nhiễm “truyền thống”, như bụi mịn (PM2,5 và PM₁₀), ozon (O₃), nitơ đioxit (NO₂), lưu huỳnh đioxit (SO₂) và cacbon monoxit (CO). Các biện pháp làm giảm các chất ô nhiễm “truyền thống” này cũng sẽ có tác động lên các chất ô nhiễm khác.

Các ngưỡng đặt ra cho các chất ô nhiễm cụ thể trong TLHD này có thể được sử dụng như một tài liệu tham khảo cung cấp bằng chứng giúp các cơ quan quản lý xây dựng các tiêu chuẩn và mục tiêu quản lý CLKK có tính ràng buộc về mặt pháp lý ở cấp quốc tế, quốc gia và địa phương. Đây cũng là một công cụ thiết thực để thiết kế các biện pháp hiệu quả nhằm đạt được mức giảm phát thải và kiểm soát nồng độ chất ô nhiễm, từ đó bảo vệ sức khỏe con người. Theo định kỳ, WHO ban hành các Hướng dẫn AQGs dựa trên vấn đề sức khỏe để hỗ trợ các chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự trong việc giảm mức độ phơi nhiễm của con người với ô nhiễm không khí và từ đó các tác động tiêu cực đến sức khỏe.

Ô nhiễm không khí là gì? Các nguồn gây ô nhiễm không khí?

Ô nhiễm không khí là khi không khí trong nhà hoặc ngoài trời mà chúng ta đang hít thở bị ô nhiễm bởi bất kỳ tác nhân hóa học, vật lý hoặc sinh học nào có thể có tác động tiêu cực đến sức khỏe con người và hệ sinh thái. Các chất gây ô nhiễm đã có bằng chứng rõ ràng nhất về tác động sức khỏe gồm có: bụi mịn (PM), ôzôn (O₃), nitơ điôxít (NO₂), lưu huỳnh điôxít (SO₂) và cacbon monoxit (CO). Các rủi ro sức khỏe đáng lưu ý là tác động của bụi có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 micromet (µm) (PM2,5).

PM₂.₅ và PM₁₀ có khả năng xâm nhập sâu vào phổi và PM₂.₅ thậm chí có thể đi vào mạch máu, tác động đến hệ tim mạch và hệ hô hấp. Năm 2013, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế của WHO (IARC) đã xếp ô nhiễm không khí ngoài trời và bụi mịn vào các tác nhân gây ung thư.

Ô nhiễm không khí bắt nguồn từ nhiều nguồn phát thải, bao gồm các nguồn tự nhiên và từ hoạt động của con người. Các nguồn chính gây ô nhiễm không khí do từ hoạt động của con người có thể khác nhau ở các khu vực địa lý, nhưng nhìn chung bao gồm các nguồn từ năng lượng, giao thông, hoạt động đun nấu và sưởi ấm trong gia đình, các bãi rác, các hoạt động công nghiệp và nông nghiệp. Quá trình đốt là nguyên nhân lớn nhất gây ra ô nhiễm không khí, đặc biệt là đốt không kiểm soát các nhiên liệu hóa thạch và sinh khối nhằm tạo ra năng lượng. Ở môi trường trong nhà, sử dụng nhiên liệu rắn và dầu hỏa trong các lò sưởi và bếp nấu ăn không có lỗ thông hơi, hay hút thuốc lá hoặc đốt nói chung cho các mục đích khác, chẳng hạn như cho hoạt động văn hóa hoặc tôn giáo, cũng là những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí.

Các ngưỡng AQG được xây dựng như nào?

Các tài liệu hướng dẫn của WHO tuân thủ nghiêm ngặt quy trình rà soát và đánh giá các bằng chứng, cùng sự tham gia của các nhóm chuyên gia với vai trò rõ ràng. Có một nhóm chuyên gia xây dựng AQGs xác định phạm vi và các câu hỏi chính của hướng dẫn, và đưa ra các khuyến nghị dựa trên các bằng chứng đã được sàng lọc và rà soát bởi nhóm chuyên gia rà soát hệ thống các bằng chứng. Bên cạnh đó, có một nhóm chuyên gia thẩm định bên ngoài tham gia nhận xét và góp ý, và nhóm điều phối của WHO (bao gồm các nhân viên WHO từ tất cả các khu vực/vùng) giám sát toàn bộ quá trình triển khai. Trong quá trình phát triển TLHD về CLKK, đã có tới hơn 500 nghiên cứu được tổng hợp và rà soát một cách hệ thống nhằm xác định các bằng chứng mới nhất để thiết lập các mức AQG mới.

Các hướng dẫn này không bao gồm các khuyến nghị cho trường hợp phơi nhiễm với nhiều chất (đa phơi nhiễm). Hàng ngày, con người thường xuyên phải tiếp xúc cùng một lúc với rất nhiều chất gây ô nhiễm không khí. WHO ghi nhận tính cấp thiết của việc phát triển các mô hình toàn diện để lượng hóa tác động của đa phơi nhiễm đối với sức khỏe con người. Tuy nhiên, đa phần các bằng chứng về tác động của chất lượng không khí đến sức khỏe hiện nay vẫn tập trung vào tác động của từng chất ô nhiễm lên sức khỏe con người, nên các hướng dẫn hiện hành chỉ đưa ra các khuyến nghị cho từng loại chất ô nhiễm không khí.

Tại sao AQGs đóng vai trò rất quan trọng đối với việc bảo vệ sức khỏe?

Gánh nặng bệnh tật do tiếp xúc với ô nhiễm không khí xung quanh và trong nhà đang lớn và ngày càng gia tăng. Điều này một phần do sự gia tăng phơi nhiễm tại các nước có thu nhập thấp và trung bình, và một phần do sự gia tăng nhanh chóng của các bệnh không lây nhiễm (NCDs) – là kết quả của sự già hóa dân số và thay đổi lối sống trên toàn thế giới. Đặc biệt, ô nhiễm không khí làm gia tăng tỷ lệ nhập viện và tử vong do các bệnh hô hấp và tim mạch – là các nguyên nhân chính gây tử vong trên toàn cầu. Ô nhiễm không khí cũng làm gia tăng gánh nặng bệnh tật do nhiễm trùng đường hô hấp dưới, tăng nguy cơ sinh non và các nguyên nhân tử vong khác ở trẻ em và trẻ sơ sinh – đây là nguyên nhân chính gây ra gánh nặng bệnh tật tại các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Theo ước tính của WHO, khoảng 7 triệu ca tử vong sớm chủ yếu từ các bệnh không lây nhiễm, là do cả ô nhiễm không khí trong nhà và xung quanh. Chỉ tính riêng ô nhiễm không khí xung quanh (bên ngoài) đã làm mất đi hàng trăm triệu năm sống khỏe mạnh, trong đó hầu hết gánh nặng bệnh tật đặt vào các nước thu nhập thấp và thu nhập trung bình.

Mặc dù chất lượng không khí đã dần được cải thiện ở các nước thu nhập cao, nhưng ở nhiều khu vực, nồng độ một số chất ô nhiễm vẫn vượt ngưỡng AQG 2005 của WHO. Năm 2019, hơn 90% dân số toàn cầu sống trong những khu vực có nồng độ vượt mức AQG năm 2005 của WHO về phơi nhiễm PM2,5 dài hạn. Ô nhiễm không khí nói chung là phổ biến ở hầu hết các nước có thu nhập thấp và trung bình, do các nước này có quá trình đô thị hóa và phát triển kinh tế quy mô lớn mà chủ yếu dựa vào việc đốt nhiên liệu hóa thạch, ví dụ như than đá, và việc sử dụng nhiên liệu không hiệu quả trong sinh hoạt và sản xuất.

Tuy nhiên, sự chênh lệch trong mức độ phơi nhiễm với ô nhiễm không khí đang gia tăng trên toàn thế giới, đặc biệt khi ô nhiễm không khí ở các quốc gia có thu nhập thấp và thu nhập trung bình đang ngày càng cao.

Gánh nặng bệnh tật do ô nhiễm không khí đang phân bố như thế nào trên thế giới?

Phơi nhiễm với các chất ô nhiễm không khí đang phụ thuộc phần lớn vào nồng độ các chất ô nhiễm không khí xung quanh (bên ngoài). Ví dụ, nồng độ PM2,5 xung quanh chênh lệch đáng kể giữa các khu vực trên thế giới và cả trong mỗi khu vực. Một điều rất quan trọng cần lưu ý là trong năm 2019, trên 90% dân số trên thế giới sống trong các khu vực có nồng độ PM2,5 vượt ngưỡng 10 µg/m³ theo hướng dẫn AQG của WHO năm 2005. Và với ngưỡng AQG năm 2021 xuống thấp hơn năm 2005, thì gánh nặng bệnh tật do ONKK sẽ tăng lên ở tất cả các quốc gia. Trong năm 2019, nồng độ PM2,5 theo trọng số dân số trung bình năm cao nhất là khu vực Đông Nam Á, tiếp sau là Khu vực Đông Địa Trung Hải. Một số nước ở phía tây Châu Phi cũng có nồng độ tăng cao, chủ yếu là do tác động của bụi sa mạc Sahara. Bụi sa mạc do gió thổi góp phần gây ra mức phơi nhiễm rất cao với hạt bụi lớn hơn 10 µm. Đây là vấn đề nổi cộm ở các vùng khí hậu khô như Trung Đông, Bắc Phi, vùng Sa mạc Gobi và một số nơi khác.

Nhiều quốc gia có mức độ phơi nhiễm với bụi PM2.5 thấp nhất theo tiêu chuẩn của WHO là khu vực Châu Mỹ và Châu Âu. Xu hướng PM2,5 cho thấy nồng độ trung bình toàn cầu theo trọng số dân số tương đối ổn định, phản ánh cả tình hình mức phơi nhiễm giảm ở châu Âu, châu Mỹ và gần đây là một số vùng thuộc Tây Thái Bình Dương, và gia tăng ở các khu vực địa lý còn lại.

Sử dụng tài liệu hướng dẫn này như thế nào?

AQG là bộ hướng dẫn với các bằng chứng rõ ràng nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước tác động của ô nhiễm không khí. Mặc dù các hướng dẫn này không đưa ra các khuyến nghị có tính ràng buộc pháp lý nhưng vẫn có thể được sử dụng làm công cụ tham chiếu để giúp các nhà hoạch định chính sách thiết lập các tiêu chuẩn/quy chuẩn và mục tiêu có tính pháp lý trong công tác quản lý chất lượng không khí ở cấp độ quốc tế, quốc gia hay địa phương. Bộ tiêu chuẩn cũng hữu ích cho các nhà nghiên cứu và các cơ quan nhà nước cấp quốc gia và địa phương trong việc xây dựng kế hoạch và đánh giá tác động, để từ đó tăng cường quan trắc, theo dõi và nghiên cứu chuyên sâu. Đây cũng có thể là công cụ cho các nhóm chuyên gia hay tổ chức xã hội dân sự thực hiện vận động chính sách nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước ô nhiễm không khí.

Sự khác nhau giữa các ngưỡng AQG, mục tiêu chuyển tiếp (Interim Target) và các thực hành tốt?

– Các ngưỡng/mức AQG đưa ra các khuyến nghị định lượng dựa trên bằng chứng khoa học, thông qua việc đánh giá các bằng chứng về tác động tiêu cực đến sức khỏe (bao gồm một chỉ báo dựa trên hàm nồng độ-phản ứng (concentration-response function), theo các mức thời gian đo lường trung bình và các tác động sức khỏe của các chất PM₂.₅, PM₁₀, NO₂, O₃, SO₂ và CO

– Các mục tiêu chuyển tiếp (interim targets) để hướng dẫn cho các nỗ lực kiểm soát ô nhiễm nhằm tiến tới đạt được ngưỡng/mức AQG kịp thời. Việc đạt được các mục tiêu chuyển tiếp có thể mang lại những lợi ích đáng kể cho sức khỏe, đặc biệt ở những vùng mà mức độ phơi nhiễm vượt quá các mục tiêu AQG chuyển tiếp này.

– Các thực hành tốt giúp quản lý một số loại bụi (ví dụ như các-bon đen, hạt bụi siêu mịn và các hạt có nguồn từ cát và bão bụi) khi không thể xác định các mức AQG do thiếu các bằng chứng định lượng về tác động đến sức khỏe do các chất ô nhiễm này gây ra.

Bao nhiêu sinh mạng được cứu sống hoặc được cải thiện sức khỏe nếu các quốc gia đạt được ngưỡng AQG mới?

Việc đạt được các mức AQG theo khuyến nghị sẽ mang tới những lợi ích sức khỏe đáng kể trên toàn cầu. WHO đã thực hiện nhanh các phân tích để đánh giá lợi ích sức khỏe khi nồng độ PM trung bình năm đạt AQG. Theo đó, thế giới sẽ tránh được khoảng 80% số ca tử vong do phơi nhiễm PM2,5 nếu các quốc gia đưa được nồng độ PM2,5 trung bình năm bằng mức khuyến cáo như hướng dẫn AQG.

Việc đạt được các mục tiêu chuyển tiếp (dịch: interim targets, có thể dịch là chuyển tiếp, mục tiêu theo lộ trình) cũng mang lại những lợi ích đáng kể cho sức khỏe. Ví dụ, việc đạt được mục tiêu chuyển tiếp 4 đối với bụi mịn PM2,5 (tức là bằng ngưỡng AQG năm 2005), sẽ giúp giảm gần 48% tổng số ca tử vong do phơi nhiễm PM2,5. Tỷ lệ giảm cao nhất quan sát được ở các khu vực Đông Nam Á và Châu Phi (lần lượt là 57% và 60%).

Kết quả này minh chứng cho sự sụt giảm đáng kể trong ước tính gánh nặng bệnh tật, ngay cả khi các phân tích khác có thể đưa ra con số dự đoán khác nhau do sử dụng giả thuyết khác nhau. Kịch bản ước tính của WHO cho thấy nếu đạt được các mục tiêu chuyển tiếp, sẽ mang lại lợi ích rõ rệt về giảm gánh nặng bệnh tật ở các nước có nồng độ PM2,5 cao và dân số lớn. Kết quả tính toán tại các nước có thu nhập cao có sự khác biệt đáng kể, vì nồng độ PM2,5 xung quanh tại hầu hết các khu vực này đã vốn thấp hơn các mục tiêu chuyển tiếp.

Chất lượng không khí kém là một nguy cơ lớn cho cả các bệnh về hô hấp, tim mạch cấp (ví dụ như viêm phổi) hay mãn tính (ví dụ như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, đột quỵ). Những người có bệnh lý nền có thể có nguy cơ bị bệnh nặng hơn khi nhiễm COVID-19. Do vậy, ô nhiễm không khí có khả năng cao là yếu tố làm tăng gánh nặng sức khỏe do COVID-19 gây ra.

Tuy nhiên, trong khi dịch COVID-19 diễn ra trên toàn cầu thì nồng độ các chất gây ô nhiễm không khí tại các thành phố lại giảm dù trong ngắn hạn. Chất NOx – một chất ô nhiễm có liên quan nhiều tới giao thông giảm rõ rệt do các biện pháp giãn cách (lockdown) được áp dụng. Các dữ liệu ở một số thành phố Châu Âu cho thấy mức giảm của chất NO2 lên đến 50% và trong một số trường hợp lên tới 70% so với thời gian trước giãn cách.

COVID-19 là một thảm kịch nhưng đồng thời, các biện pháp ứng phó với COVID-19 đã cho thấy các chính sách liên quan tới giao thông và cách con người làm việc, học tập, tiêu dùng có thể đóng góp như thế nào cho bầu không khí chất lượng hơn. Đây là điều nên được tính đến trong chính sách hồi phục hậu đại dịch mà nhiều quốc gia đã và đang xây dựng.

Làm thế nào để giảm ô nhiễm không khí đồng thời giảm biến đổi khí hậu?

Một số chất gây ô nhiễm không khí – đặc biệt là cacbon đen (một thành phần của bụi) và ozone ở tầng đối lưu (tầng mặt đất) – cũng là những chất gây biến đổi khí hậu ngắn hạn, vừa ảnh hưởng đến sức khỏe vừa tác động đến sự nóng lên của Trái Đất trong thời gian ngắn. Chúng tồn tại trong khí quyển chỉ vài ngày hoặc vài tháng. Do đó, sự suy giảm của chúng có lợi cho cả sức khỏe con người và cho khí hậu.

Hầu hết tất cả các nỗ lực trong cải thiện chất lượng không khí đều có thể tăng cường giảm nhẹ biến đổi khí hậu và ngược lại. Đáng chú ý, việc giảm hoặc loại bỏ dần quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch và sinh khối sẽ làm giảm phát thải khí nhà kính, và giảm các chất ô nhiễm không khí gây hại cho sức khỏe. Bằng cách đẩy mạnh các hoạt động bền vững về môi trường gắn với bảo vệ sức khỏe cộng đồng, chúng ta có thể đạt được những bước tiến lớn nhằm giảm thiểu biến đổi khí hậu và đạt được mục tiêu phát triển bền vững.

———————

Hướng dẫn CLKK của WHO được tổng hợp và biên dịch bởi Dự án Chung tay vì không khí sạch, được thực hiện bởi Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) dưới sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Dự án hướng tới nâng cao nhận thức và thúc đẩy giải pháp về cải thiện chất lượng không khí và bảo vệ sức khỏe trẻ em và cộng đồng tại Hà Nội và các thành phố khác.