Vụ ‘xẻ thịt’ đất rừng Sóc Sơn: 27 hộ dân được minh oan sau 35 năm chờ đợi

Sau 35 năm chờ đợi, hàng chục hộ dân đi khai hoang Khu Kinh tế mới Ðồng Ðò tại thôn Minh Tân, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã thấy những tín hiệu vui.

Niềm vui của người khai hoang

Hồ Đồng Đò những ngày này rộn ràng hơn, bởi sau 35 năm, mảnh đất người dân dày công khai hoang, vun đắp đã có những tin vui.

Đứng bên ngôi nhà được Nhà nước hỗ trợ xây cho người nghèo ở khu kinh tế mới Đồng Đò, Sóc Sơn (Hà Nội), ông Nguyễn Đình Trang – người cựu binh mất chân trái ở chiến trường Lào Cai năm 1979, nhiều lần bất lực khi không thể xây dựng lại ngôi nhà cấp 4 dột nát do ông bà của ông khai hoang để lại. Ngoài gia đình ông Trang, hàng chục hộ dân khác của thôn Minh Tân đã không thể xây mới, sửa chữa nhà cửa, cho dù mảnh đất này có công khai phá của họ hơn 1/3 thế kỷ.

Người dân Minh Tân đã từng ăn đói mặc rét, lên vùng kinh tế mới khai hoang, phục hóa, biến mảnh đất khô cằn thành vùng cây, quả trù phú, xanh tốt. Nhưng khi “đất cằn nở hoa” thì người dân Minh Tân lại bị quy vào diện “nhảy dù” trên đất rừng. Đây là điều mà hàng chục hộ dân ở Minh Tân đau đáu bấy lâu nay, bởi vậy, thông tin kết luận của Thanh tra Chính phủ đến với người dân như một tin vui mà họ chờ đợi suốt 1/3 thế kỷ.

Bà Trần Thị Hoan (thôn Minh Tân) cho biết, nhà dột trái, dột phải, gia đình nhiều lần muốn sửa sang để có căn nhà ổn định cuộc sống. Nhưng mỗi lần làm đều bị Thanh tra xây dựng đình chỉ, không cho làm. “Nay chúng tôi rất vui mừng, mong sớm được cấp sổ để ổn định cuộc sống cho gia đình”, chị Hoan nói.

Được biết, người dân thôn Minh Tân đang tập hợp giấy tờ nguồn gốc xuất xứ: Bản khai nhân khẩu, sổ hộ khẩu, hóa đơn, giấy khai sinh… chứng minh, xác định thời gian người dân sinh sống trên địa bàn để gửi lên chính quyền các cấp để hoàn thiện thủ tục cấp giấy chứng nhận cho người dân.

Chấm dứt lùm xùm về “xẻ thịt” đất rừng

Ngày 20/8/2020, Thanh tra Chính phủ ban hành văn bản 1434 trả lời khiếu nại, tố cáo của người dân thôn Minh Tân, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Trong đó khẳng định: Quy hoạch đất rừng phòng hộ năm 2008 của UBND thành phố Hà Nội vẫn còn nhiều diện tích đất của tổ chức, an ninh quốc phòng, đất do hộ dân sử dụng vào mục đích ở, đất sản xuất nông nghiệp trước ngày 15/10/1993 trùng lấn với quy hoạch rừng. Bên cạnh đó, khi quy hoạch không được cắm mốc giới, ranh giới ngoài thực địa, bản đồ thực hiện dưới hệ tọa độ giả định…

Đặc biệt, kết luận của Thanh tra Chính phủ khẳng định: Nguồn gốc đất của 27 hộ dân khu vực hồ Đồng Đò (thôn Minh Tân, xã Minh Trí) có công trình xây dựng đang sử dụng là đất khai hoang vùng kinh tế mới từ năm 1985 theo kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội; đã sử dụng ổn định, không tranh chấp… do đó cần thiết phải tạm ngừng cưỡng chế để xem xét yếu tố lịch sử, nguồn gốc và quá trình sử dụng đất của các hộ dân để không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các hộ dân.

Thanh tra Chính phủ đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội giao các sở ngành liên quan và huyện Sóc Sơn hướng dẫn các hộ dân tại Khu kinh tế mới Đồng Đò hoàn thiện các thủ tục để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ dự án: “Xây dựng tổng thể hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai huyện Sóc Sơn”.

Trước đó, Thanh tra Chính phủ cũng đã đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền xem xét, tạm dừng việc cưỡng chế và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân theo quy định, đồng thời làm rõ hồ sơ pháp lý liên quan đến Dự án quy hoạch rừng Sóc Sơn, thông báo kết quả giải quyết đến Thanh tra Chính phủ.

Theo TS. Đinh Tiến Thăng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, quy hoạch rừng phòng hộ 2008 không sát thực tế đã “xóa sổ” toàn bộ thôn Minh Tân. “Người dân cần tập hợp hồ sơ gửi cơ quan chức năng để rà soát cấp giấy chứng nhận cho họ theo đúng diện tích hiện nay. Có như vậy mới vẽ được quy hoạch rừng, mới quản lý được vấn đề xây dựng, bảo vệ rừng, quản lý hiệu quả đất đai”, TS Thăng cho hay.

Về vụ việc đất rừng tại hồ Ðồng Ðò, tại cuộc tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm mới đây, lãnh đạo thành phố Hà Nội cho biết, từ năm 2009 đến 2011 xây dựng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, nhóm cán bộ thuộc Sở Quy hoạch Kiến trúc và Viện Quy hoạch làm quy hoạch không xuống hiện trường kiểm tra thực tế, cho nên dẫn đến sự chồng lấn như hiện nay. Nếu Thủ tướng cho phép, thành phố Hà Nội khảo sát, điều tra và sẽ điều chỉnh quy hoạch rừng đặc dụng Sóc Sơn.

Liên quan đến những vi phạm trong quản lý, sử dụng đất rừng tại huyện Sóc Sơn. Huyện Sóc Sơn xác định có 80 lãnh đạo, cán bộ thuộc diện cần kiểm điểm, xem xét trách nhiệm. Trong số 80 lãnh đạo, cán bộ, có 39 lãnh đạo, cán bộ bị kỷ luật với các hình thức từ khiển trách đến buộc thôi việc.

Trần Hoàng – Báo Tiền Phong

Theo Tiền Phong

Ảnh: Người dân ở ngôi nhà cấp 4 xuống cấp ở Minh Tân đang ngóng chờ từng ngày được phép xây dựng Ảnh: Văn Việt

Xem bài viết gốc tại đây:

https://www.tienphong.vn/xa-hoi/vu-xe-thit-dat-rung-soc-son-27-ho-dan-duoc-minh-oan-sau-35-nam-cho-doi-1724144.tpo