Thanh tra Chính phủ cho biết Vinafood 2 đã thực hiện chiêu thức xẻ thịt đất công sản bằng cách xin chủ trương, dự án khai thác đất công, sau đó mang góp vốn, hợp tác với đối tác bên ngoài và cuối cùng là thoái vốn
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình vừa chỉ đạo Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và UBND TP HCM rà soát lại dự án tại số 33 Nguyễn Du và số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh (quận 1, TP HCM), nếu thấy có dấu hiệu hình sự thì chuyển hồ sơ, tài liệu đến Cơ quan Ðiều tra Bộ Công an để điều tra, xử lý. Vậy dự án này đã để xảy ra sai phạm những gì?
Bốn lần cố ý làm trái chỉ đạo của Thủ tướng
Khu đất vàng công sản tại số 33 Nguyễn Du và số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh được nhà nước giao cho Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) quản lý và sử dụng từ sau năm 1975. Ðến năm 2010, Vinafood 2 được TP HCM cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BB971073 để lập thủ tục đầu tư dự án xây dựng khách sạn, văn phòng, trung tâm thương mại với thời hạn giao đất là 50 năm. Từ đây, Vinafood 2 đã liên kết, góp vốn với Công ty TNHH Thương mại – Quảng cáo – Xây dựng – Địa ốc Việt Hân (Công ty Việt Hân) thành lập Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ – Xây dựng Việt Hân Sài Gòn (Công ty Việt Hân Sài Gòn) để thực hiện dự án tại khu đất trên với diện tích hơn 6.200 m2, vốn điều lệ 800 tỉ đồng. Trong đó, Công ty Việt Hân góp 80% vốn bằng tiền mặt; Vinafood 2 góp 20% bằng toàn bộ giá trị tài sản trên đất và một phần giá trị quyền sử dụng đất của 4 cơ sở nhà, đất trên.
Trong quá trình hợp tác lòng vòng giữa Vinafood 2 và Công ty Việt Hân này, Vinafood 2 đã để xảy ra nhiều sai phạm. Ðáng nói nhất là Vinafood 2 đã 4 lần cố ý làm trái ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Lần thứ nhất là sau khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc cho phép Vinafood 2 thực hiện phương án sắp xếp lại cơ sở nhà, đất theo Quyết định số 09/2007 đối với 4 cơ sở nhà, đất này nhưng Vinafood 2 chưa thực hiện lập phương án sắp xếp lại 4 cơ sở nhà, đất này để trình các cơ quan có thẩm quyền thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Lần thứ 2 là Vinafood 2 tự ý liên kết hợp tác với Công ty Việt Hân, không lập thủ tục liên kết, góp vốn trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính thẩm định trước khi trình Thủ tướng quyết định.
Lần thứ 3 là dù UBND TP HCM, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có rất nhiều văn bản hướng dẫn, yêu cầu Vinafood 2 phải xây dựng phương án thoái vốn góp tại Công ty Việt Hân Sài Gòn, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng Vinafood 2 không thực hiện. Sau khi bán xong 4 cơ sở nhà, đất, nhận đủ tiền đất từ Công ty Việt Hân, Vinafood 2 mới báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chấp thuận cho triển khai nhanh việc xử lý các cơ sở nhà, đất tại số 33 Nguyễn Du và số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh nhằm khắc phục thua lỗ trong hoạt động kinh doanh. Lần thứ 4 Vinafood 2 cố ý làm trái chỉ đạo của Thủ tướng là không thực hiện lập phương án bồi thường, hỗ trợ, di dời 34 hộ dân đang sinh sống tại 3 cơ sở nhà, đất số 33 Nguyễn Du và số 34-36 Chu Mạnh Trinh để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Lập khống dự án để vay tiền ngân hàng
Trong kết luận kiểm tra của Thanh tra Chính phủ tại Văn bản số 2099/2020, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra Vinafood 2 và Công ty Việt Hân Sài Gòn lợi dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BB971073 tại 4 lô đất trên để thế chấp ngân hàng vay nhiều ngàn tỉ đồng trái pháp luật.
Trong giai đoạn từ 2010-2015, Vinafood 2 không triển khai đầu tư dự án trên đất được giao như cam kết. Ngược lại, Vinafood 2 chỉ sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này để thế chấp bảo đảm nghĩa vụ trả nợ cùng một lúc cho các công ty thành viên. Ðến giai đoạn từ cuối năm 2015 đến nay, sau khi mua lại 4 cơ sở nhà, đất, Công ty Việt Hân Sài Gòn đã sử dụng giấy chứng nhận này để thể chấp bảo đảm nghĩa vụ trả nợ cho các cá nhân hoặc công ty khác vay tiền ngân hàng mua vốn góp của Công ty Việt Hân Sài Gòn hoặc thế chấp bảo đảm nghĩa vụ trả nợ cùng một lúc cho nhiều công ty khác nhau với cùng mục đích sử dụng vốn vay giống nhau. Công ty Việt Hân Sài Gòn tiếp tục dùng chiêu vẽ dự án khống – The Goldmark Preminum Tower (thực tế không tồn tại dự án này, không có thủ tục xin lập dự án, không có phê duyệt dự án của các cơ quan có thẩm quyền) trên đất số 33 Nguyễn Du và số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh để vay thêm nhiều ngàn tỉ đồng từ ngân hàng. Công ty Việt Hân Sài Gòn đã thế chấp đất đai để vay ngân hàng khoảng 6.308 tỉ đồng.
Trong kết luận kiểm tra của mình, Thanh tra Chính phủ khẳng định Vinafood 2 đã thực hiện chiêu thức “xẻ thịt” đất công sản bằng cách xin chủ trương, dự án khai thác đất công, sau đó mang góp vốn, hợp tác với đối tác bên ngoài và cuối cùng là thoái vốn.
Cố tình đem tiền cho đối tác (!) Lật lại quá trình triển khai dự án, ban đầu, Vinafood 2 có đề cập rõ trong Nghị quyết số 01 ngày 5-2-2015 việc đền bù, giải tỏa và chi phí để đền bù giải tỏa 34 hộ dân còn cư ngụ trên khu đất do phía Công ty Việt Hân Sài Gòn thực hiện và chi trả. Vinafood 2 chỉ tham gia hỗ trợ và chịu trách nhiệm về thủ tục, hồ sơ theo yêu cầu của quy định pháp luật hiện hành. Thế nhưng, tháng 10-2015, Vinafood 2 lại ban hành nghị quyết với sự thay đổi đáng kể là chuyển trách nhiệm chi phí đền bù giải phóng mặt bằng đối với 34 hộ dân từ Công ty Việt Hân Sài Gòn sang Vinafood 2 chịu trách nhiệm 100%. Tuy nhiên, việc này đã được Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xử lý và ngăn chặn kịp thời. |
Nguyên Nguyên – Báo NLĐ
Theo Người Lao Động
Ảnh: Nhiều năm nay, nhà cửa tại khu đất số 34-36 Chu Mạnh Trinh xuống cấp nghiêm trọng do không được sửa chữa Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Xem bài viết gốc tại đây:
https://nld.com.vn/thoi-su/vinafood-2-xe-thit-dat-cong-san-tai-tp-hcm-the-nao-20210325222428689.htm