Qua hơn 1 tháng triển khai quyết liệt các biện pháp, tình hình dịch COVID-19, Việt Nam cơ bản được kiểm soát trên toàn quốc, mặc dù số ca nhiễm, số địa phương có dịch nhiều hơn trước.
Việt Nam đang phải ứng phó với đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư với quy mô, mức độ lây lan nhanh, lớn nhất từ trước đến nay, gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch và các hoạt động kinh tế-xã hội. Ngày 12/6 đánh dấu một mốc mới, khi Việt Nam đã cán mốc hơn 10.000 trường hợp mắc bệnh COVID-19.
Qua hơn 1 tháng triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam cơ bản được kiểm soát trên toàn quốc. Đây là kết quả của sự nỗ lực không ngừng của tất cả các lực lượng để “ghìm cương” số ca mắc ở mức thấp nhất có thể so với nhiều nước trên thế giới.
Đợt dịch khốc liệt nhất
Hôm nay là 46 ngày tính từ khi bắt đầu đợt dịch thứ 4, tính từ khi có bệnh nhân lây nhiễm trong khu cách ly tại khách sạn Như Nguyệt 2, tỉnh Yên Bái.
Sáng 12/6, Việt Nam ghi nhận 10.048 ca mắc, trong đó có 1.630 ca nhập cảnh và 8.418 ca mắc trong nước. Đặc biệt, số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay (chỉ trong hơn 1 tháng) là 6.848 ca – cao hơn gấp đôi so với tổng số mắc của 3 đợt dịch trước (tương đương gần 16 tháng).
Trong đợt dịch lần thứ 4 này có thêm 23 bệnh nhân tử vong, trong đó có cả những người trẻ tuổi, không có bệnh nền. Số địa phương ghi nhận ca mắc mới rộng nhất, với 38 tỉnh thành. Dịch lần này có tốc độ lây lan nhanh, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận ca bệnh dương tính là F5.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chỉ rõ biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có tốc độ lây lan rất nhanh. Theo đánh giá của giới chuyên môn, biến thể của Anh lây tăng hơn 1,7 lần so với chủng trước đây. Nhưng vẫn chưa đủ, biến thể của Ấn Độ tăng cao hơn biến thể của Anh 1,4 lần, tức là tăng hơn 40%, điều này đã được các nhà khoa học ở Anh đưa ra.
Ngoài ra, này về mặt lâm sàng, tốc độ tăng nặng của các bệnh nhân tăng hơn so với những lần trước. Đây là một trong những điều mà ngành y tế rất quan ngại.
Trước đó, tháng 12/2019 dịch COVID-19 khởi phát tại Vũ Hán. Ngày 23/1/2020, hai ca bệnh COVID-19 đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam (công dân Vũ Hán sang Việt Nam), ghi nhận tại thành phố Hồ Chí Minh.
Sau đúng 2 tháng phát hiện ca đầu tiên, ngày 22/3/2021, Việt Nam ghi nhận ca bệnh 100 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Hơn 4 tháng sau đó, Việt Nam ghi nhận ca bệnh thứ 500 tại Đà Nẵng, trong chùm ca bệnh tại tâm dịch Đà Nẵng vào ngày 31/7/2020.
Tiếp đó, ngày 20/8/2020, ghi nhận ca bệnh thứ 1.000 là chuyên gia Philippine nhập cảnh vào Việt Nam (sau 7 tháng), đây là thời điểm đợt dịch thứ 2 diễn ra tâm dịch tại Đà Nẵng.
Ngày 7/02/2021, Việt Nam ghi nhận ca bệnh thứ 2.000 đây là thời điểm đợt dịch thứ 3, tâm dịch là Hải Dương chỉ sau 5 tháng 18 ngày.
Ngày 5/5/2022 ghi nhận bệnh nhân thứ 3.000 từ Ba Lan, nhập cảnh xuống Sân bay Tân Sơn Nhất, cách ly tại Long An, đây cũng là thời điểm mà Bắc Giang và Bắc Ninh là tâm dịch.
Trong đợt dịch này với chủng virus mới “siêu lây nhiễm” xuất hiện trong các khu công nghiệp là một “bài toán hoàn toàn khác” nên số ca mắc mới không ngừng gia tăng lên con số hàng nghìn chỉ với vài ngày.
Thời gian để có thêm 1.000 ca mắc đã được rút ngắn liên tục trong những ngày qua khi mỗi ngày Việt Nam đều ghi nhận trên dưới 200 ca mắc COVID-19. Cao điểm là ngày 25-5, Việt Nam có thêm 447 ca mắc, trong đó 444 ca mắc phát hiện trong nước, hầu hết đều ở tâm dịch Bắc Giang.
Các mốc đáng chú ý tiếp theo như: Ngày 16/5/2021 ghi nhận ca thứ 4.000, tại Bắc Ninh chỉ sau 11 ngày. Ngày 22/5/2021, ghi nhận ca thứ 5.000 tại Bắc Ninh chỉ sau 6 ngày. Ngày 26/5/2021, ghi nhận ca thứ 6.000 tại Bắc Ninh, chỉ sau 4 ngày. Ngày 30/5/2021, ghi nhận ca thứ 7.000 tại Đà Nẵng chỉ sau 4 ngày. Ngày 03/6/2021 ghi nhận ca thứ 8.000 tại Bắc Ninh chỉ sau 4 ngày. Ngày 8/6/2021, ghi nhận ca thứ 9.000 tại Bắc Giang chỉ sau 8 ngày. Ngày 12/6/2021 ghi nhận ca thứ 10.000 chỉ sau 4 ngày.
Những con số của đợt dịch này cho thấy đây là đợt dịch khốc liệt nhất tính từ khi COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam.
Ghìm cương COVID-19 bằng mọi sự sáng tạo
Đợt bùng phát dịch lần thứ tư có diễn biến rất phức tạp, quy mô lớn, mức độ lây lan nhanh nhất từ trước đến nay, gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống của nhân dân.
Đợt dịch này, quy mô dịch cũng mở rộng ra nhiều tỉnh hơn với 39 tỉnh, thành phố, nhiều ca bệnh trong cộng đồng không xác định được nguồn lây.
Trước diễn biến dịch COVID-19 có mức độ ngày càng phức tạp, khó lường, ngay từ khi dịch bệnh xuất hiện tại Việt Nam, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch liên tiếp có những chỉ đạo căn cơ, để phòng, chống dịch hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Đối mặt nhiều thách thức chưa từng có trong phòng, chống COVID-19 đó là đa ổ dịch, đa nguồn lây, chủng virus biến thể, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã yêu cầu Bộ Y tế và các cơ quan chức năng lên phương án, hoàn thiện kịch bản, sẵn sàng ứng phó những tình huống xấu.
Cho đến nay, Việt Nam vẫn được đánh giá là một nước có mô hình phòng chống dịch COVID-19 thành công. So với tương quan của nhiều nước có cùng thời điểm xuất hiện dịch cùng với Việt Nam thì con số 10.000 ca bệnh kia là một sự nỗ lực “ghìm cương” thành công không mệt mỏi của cả hệ thống chính trị.
Theo thống kê của trang worldometers.info, đến sáng 12/6/2021, cả thế giới có 175.986.916 ca mắc, trong đó 159.538.518 khỏi bệnh; 3.799.199 và 12.649.199 trị (84.446 ca diễn biến nặng). Trong 24 giờ qua, số ca mắc của thế giới tăng 380.719 ca, tử vong tăng 10.605 ca.
Mỹ là nước có cùng thời điểm xuất hiện ca bệnh COVID-19 với Việt Nam (ngày 23/1/2020). Đến nay, Mỹ vẫn là nước ghi nhận nhiều nhất số ca mắc và tử vong do COVID-19 trên thế giới, với hơn 34 triệu ca mắc COVID-19, trong đó đã có hơn 614.000 người đã tử vong.
Ngày 11/6, Việt Nam ghi nhận 185 trường hợp mắc mới COVID-19, trong khi đó Tại Đông Nam Á, trong ngày ghi nhận 24.572 ca (Indonesia tăng 8.083 ca, Malaysia tăng 6.849 ca, Philippines tăng 6.686 ca, Thái Lan tăng 2.290 ca, Campuchia tăng 655 ca, Myanmar tăng 188 ca, Singapore tăng 9 ca, Lào tăng 4 ca).
Việt Nam hiện xếp ở vị trí 158 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ về ca mắc COVID-19 được ghi nhận đến ngày 12/6.
Còn với các nước trong khu vực, đến nay Indonesia (xếp thứ 18) ghi nhận tổng số hơn 1,8 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 52.000 trường hợp đã tử vong; Malaysia (xếp thứ 39) ghi nhận hơn 600.000 ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 3.700 trường hợp đã tử vong, Philippines (xếp thứ 24) ghi nhận hơn 1,3 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 22.500 trường hợp đã tử vong, Thái Lan (xếp thứ 79) ghi nhận hơn 193.000 ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 1.400 trường hợp đã tử vong; Myanmar (xếp thứ 86) ghi nhận hơn 145.064 ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 3.200 trường hợp đã tử vong.
Theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đợt dịch lần này Việt Nam đã có những sáng tạo trong “chiến thuật.” Cùng với chống dịch “phòng thủ,” Việt Nam đã chuyển sang chủ động tấn công với chiến lược vaccine.
Tại các tỉnh, thành phố, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng những biện pháp đang triển khai rất đồng bộ, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngự và tấn công, lấy dự phòng là cơ bản, lấy tấn công là vấn đề quyết định.
Bên cạnh đó, Việt Nam thực hiện giãn cách theo từng quy mô, phù hợp để làm giảm tác động đối với kinh tế-xã hội nhưng vẫn có thể khống chế, kiểm soát tình hình dịch. Về vấn đề về truy vết, cách ly, các địa phương đã thực hiện rất nghiêm túc chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia, của Bộ Y tế.
Đặc biệt, trong đợt dịch lần thứ 4 này Việt Nam đã triển khai xét nghiệm trên diện rộng, tốc độ xét nghiệm được nâng lên. Tổng số xét nghiệm lần này gấp 3 lần và trung bình một ngày gấp 3 lần so với những ngày cao nhất trong đợt dịch trước đây. Từ ngày 27/4 đến nay, Việt Nam đã thực hiện 1.957.231 mẫu cho 4.266.651 lượt người.
Trong công tác điều trị, ngành y tế đã triển khai các bệnh viện dã chiến, thành lập những trung tâm hồi sức cấp cứu tại các địa phương để có thể thực hiện phương châm “4 tại chỗ” theo đúng chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia. Huy động một lực lượng lớn nhân viên y tế ở tất cả các tỉnh, thành phố từ Trung ương cũng như các trường đại học về hỗ trợ cho những điểm nóng trong một thời gian rất ngắn.
Nhờ đó, nhiều kết quả phòng chống dịch đã được thấy rõ. Đến nay, có 21 tỉnh (Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Nam Định, Hòa Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Phòng, Tây Ninh, Gia Lai, Bạc Liêu) đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới.
Đợt dịch thứ 4 này cũng đánh dấu nhiều thay đổi trong biện pháp chống dịch ở Việt Nam, ngoài những nền tảng chống dịch trước đó, Việt Nam cũng đặt mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng vào năm 2021 với 70% dân số được tiêm vaccine. Hiện Bộ Y tế đang tiếp tục tìm kiếm, đàm phán để có đủ 150 triệu liều vaccine COVID-19, đảm bảo cho người dân Việt Nam thực hiện miễn dịch cộng đồng, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, thời gian qua, với sự chỉ đạo sát sao của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia cũng như sự vào cuộc của các bộ, ngành và đặc biệt là sự vào cuộc rất đồng bộ của tất cả các địa phương, cho đến thời điểm hiện nay, tình hình dịch về cơ bản đã được kiểm soát, số ca mắc tuần qua giảm hơn so với tuần trước.
Đến nay, dịch bệnh tuy còn diễn biến phức tạp song cơ bản được kiểm soát, Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia phòng, chống dịch hiệu quả trên thế giới.
Trong thời gian tới, dự báo tình hình sẽ còn diễn biến rất phức tạp, khó lường. Để chủ động hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch, ngành y tế và các đơn vị có liên quan tiếp tục chủ động các phương án, kịch bản để kịp thời ứng phó với mọi tình huống./.
Theo VietnamPlus
Ảnh: (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)
Xem bài viết gốc tại đây:
https://www.vietnamplus.vn/viet-nam-vuot-moc-10000-ca-benh-va-no-luc-ghim-cuong-covid19/719505.vnp