Với phương châm “5K + vaccine + công nghệ”, chiến lược vaccine vừa là nhiệm vụ rất cấp bách, vừa là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài để kiểm soát và tiến tới đẩy lùi dịch Covid-19.
Trong bối cảnh Việt Nam chưa sản xuất được vaccine ngừa Covid-19, yêu cầu phòng chống dịch rất cấp bách trong khi nguồn vaccine trên thế giới khan hiếm, ngoại giao vaccine là một “mặt trận” rất quan trọng, bởi vận động có được vaccine là khâu đầu tiên quyết định thực hiện thắng lợi của chiến lược vaccine.
Thực tiễn cho thấy, thông qua ngoại giao vaccine, đến nay nước ta đã tiếp nhận hàng triệu liều vaccine từ sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, không chỉ trực tiếp phục vụ công tác phòng chống dịch, mà còn có ý nghĩa rất quan trọng về nhiều mặt đối nội, đối ngoại, chính trị, quốc phòng, an ninh và kinh tế – xã hội.
Thông tin từ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (Tổ trưởng Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine) cho biết, trong tháng 8 và tháng 9 tới đây, Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được thêm vaccine nhiều hơn dự kiến, có thể trên 16 triệu liều qua các hình thức viện trợ, các đối tác nhượng lại vaccine và giao vaccine theo hợp đồng đã ký kết.
Đáng chú ý, Donacoop Đồng Nai vừa đàm phán thành công với hãng Pfizer về việc nhập khẩu vaccine phòng Covid-19. Theo đó, khoảng 15 triệu liều vaccine sẽ được nhập về từ hãng này vào đầu tháng 9 nếu hoàn thành thủ tục sớm và có sẵn kho, tủ bảo quản vaccine.
Theo Bộ Y tế, trong ngày 26/8 đã có 770.000 liều Pfizer do Việt Nam mua (trong hợp đồng 31 triệu liều) về đến sân bay Tân Sơn Nhất, bên cạnh đó có trên 700.000 liều do Mỹ tài trợ, trên 400.000 liều do Úc tài trợ.
Ngày 27/8, thêm 263.250 liều vaccine Covid-19 Pfizer-BioNTech đã về đến Hà Nội. Như vậy, cùng với số vaccine đã được vận chuyển đến TP.HCM và Hà Nội trong hai ngày vừa qua (tối 25/8 và sáng 26/8), toàn bộ lô 1.065.870 liều vaccine Pfizer được hỗ trợ cho Việt Nam bởi Chính phủ Hoa Kỳ thông qua COVAX đã hoàn tất thủ tục vận chuyển.
Bên cạnh đó, cũng trong sáng ngày 27/8, Hệ thống tiêm chủng VNVC đã tiếp nhận thêm 1.442.300 liều vaccine AstraZeneca. Đây là lần giao vaccine thứ 10 và 11, có số lượng lớn nhất từ trước đến nay, thuộc hợp đồng đặt mua trước 30 triệu liều vaccine Covid-19 giữa Công ty Cổ phần Vaccine Việt Nam (VNVC) và AstraZeneca, dưới sự hỗ trợ của Bộ Y tế.
Đồng thời, 403.000 liều vaccine AstraZeneca từ Chính phủ Australia tặng Việt Nam cũng được Bộ Y tế tiếp nhận.
Như vậy, với những biện pháp vận động hiệu quả, quyết liệt, tính đến sáng 27/8, Việt Nam tiếp nhận khoảng trên 27 triệu liều vaccine phòng Covid-19 từ cơ chế COVAX, hỗ trợ của các nước và các hợp đồng đã ký kết.
Trong đó vaccine AstraZeneca đang chiếm gần 17 triệu liều, kế đó Moderna hơn 5 triệu, Pfizer có trên 2,8 triệu liều, Sinopharm có hơn 2,7 triệu liều và 12.000 liều vaccine Sputnik V.
Hiện tại, cả nước đã tiêm được gần 19 triệu liều vaccine phòng Covid-19, trong đó có hơn 2,1 triệu người đã tiêm đủ 2 mũi.
Trước đó, tại Lễ phát động chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, mục tiêu của chiến lược vaccine là tiêm miễn phí hàng năm cho nhân dân để đạt được sự miễn nhiễm cộng đồng. Để đạt mục tiêu đó chúng ta phải thực hiện được việc có đủ vaccine cho nhân dân từ nguồn nhập khẩu và sản xuất trong nước.
Dự kiến, khoảng 75 triệu người sẽ được tiêm vaccine, với 150 triệu mũi tiêm trong nửa cuối của năm 2021 và đầu năm 2022.
“Chiến lược vaccine phải thần tốc hơn, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn. Phải có kế hoạch tiêm vaccine một cách phù hợp, phải ưu tiên cho các đối tượng tuyến đầu, ưu tiên cho các khu công nghiệp vì ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh làm đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất kinh doanh”.
Lan Anh (T/h) – Tạp chí KTMT
Theo Kinh tế Môi trường
Ảnh: Tính đến sáng 27/8, Việt Nam tiếp nhận khoảng trên 27 triệu liều vaccine phòng Covid-19. (Ảnh minh họa)
Xem bài viết gốc tại đây:
https://kinhtemoitruong.vn/viet-nam-tiep-nhan-hon-27-trieu-lieu-vaccine-phong-covid-19-58850.html