Với sự phát triển của khoa học và công nghệ (KH&CN), đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nền kinh tế số đang ngày càng có vai trò quan trọng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển của nền kinh tế.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, trình độ nhận thức về nền kinh tế số cũng như quá trình chuyển đổi và thực hiện ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế do thiếu kinh nghiệm, nguồn nhân lực và đặc biệt là nguồn lao động công nghệ thông tin chất lượng cao…
Tại Việt Nam, chỉ khoảng 13% số doanh nghiệp mới chập chững bước đầu tham gia vào nền kinh tế số, còn lại khoảng 85% doanh nghiệp vẫn đứng ngoài lề. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, vai trò của nền kinh tế số càng trở nên quan trọng đối với khả năng chống chịu và phục hồi của khu vực và toàn cầu nhờ tính kết nối và khả năng tiềm tàng sửa chữa các đứt gãy của chuỗi cung ứng.
Bên cạnh việc thúc đẩy nền kinh tế số, Việt Nam cần phát triển bền vững đô thị thông minh; sản xuất thông minh, truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm; phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia; hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Những thông tin trên đã được các đại biểu thảo luận trong hội thảo Xây dựng năng lực APEC về thúc đẩy nền kinh tế số do Bộ Công Thương phối hợp với Ban Thư ký APEC tổ chức từ ngày 21-22/10/2021.
Năm 2019, nền kinh tế số tại Việt Nam đạt 12 tỷ USD và dự đoán có triển vọng bứt phá lên 43 tỉ USD vào năm 2025, bao gồm các lĩnh vực: Thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe công nghệ; trong đó Thương mại điện tử được dự đoán đạt doanh số 23 tỷ USD vào năm 2025.
Theo thống kê, hiện Việt Nam và Indonesia là hai nước đang dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng quy mô phát triển kinh tế số trong khu vực ASEAN, đạt trung bình 38% một năm, trong khi những quốc gia còn lại tăng trưởng từ 20-30% hàng năm.
Đình Quang
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Ảnh minh hoạ