Việt Nam là một mô hình tốt về chuyển đổi số

Việt Nam là một mô hình tốt để các quốc gia trên thế giới có thể học hỏi kinh nghiệm về chuyển đổi số. Việt Nam đã chung tay cùng nhiều nước trên thế giới phát triển ngành viễn thông dù đó là những nơi ít lợi nhuận.

Ý kiến đánh giá đó được ông Houlin Zhao, Tổng thư ký ITU đưa ra tại Hội nghị và Triển lãm Thế giới số (ITU Digital World 2021) khai mạc ngày 12/10.

Ông Houlin Zhao nhìn nhận một nửa thế giới hiện đã được kết nối nhờ công nghệ thông tin và truyền thông. Đây là minh chứng cho vai trò không thể phủ nhận của lĩnh vực này. Tuy nhiên, chúng ta chỉ thực sự đạt tới thước đo thành công khi một nửa còn lại của thế giới cũng được kết nối với giá cả phải chăng nhờ công nghệ. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông chính là thách thức mà thế giới phải đối mặt. Chúng ta phải thu hút nhà đầu tư đến những nơi không phải lúc nào cũng có lãi. Phải tìm cách thu hút nguồn lực đầu tư vốn có giới hạn để phát triển hạ tầng ngành viễn thông. Ngành thông tin và truyền thông phải được hỗ trợ về tài chính, đầu tư, thúc đẩy mối quan hệ đối tác trên toàn hệ sinh thái số.

Tổng thư ký ITU nhận định: Việt Nam là một mô hình tốt để các quốc gia trên thế giới có thể học hỏi kinh nghiệm. Việt Nam đã chung tay cùng nhiều nước Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh trong việc phát triển ngành viễn thông dù đó là những nơi ít thu được lợi nhuận và thường bị các nhà đầu tư khác bỏ qua.

Tham dự Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Trong mọi tổ chức, sự thành công của chuyển đổi số hầu hết phụ thuộc vào lãnh đạo, đặc biệt là các nhà lãnh đạo cao nhất. Các nhà lãnh đạo cần chấp nhận những thay đổi cơ bản trong hoạt động và điều hành của tổ chức. Họ được yêu cầu đưa ra những quyết định khó khăn khi tái cấu trúc, thậm chí trong việc phân bổ lại các nguồn lực, bao gồm cả nguồn nhân lực.

Tại Việt Nam, chuyển đổi số là ưu tiên nhằm phát triển nền kinh tế số, xã hội số và Chính phủ số. Tháng 6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Chiến lược quốc gia về Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số. Trong năm 2021, các khuôn khổ thể chế và chiến lược khác cho chuyển đổi kỹ thuật số và kinh tế kỹ thuật số sẽ được ban hành.

Việt Nam phấn đấu đến cuối năm 2021, 100% người dân có thể truy cập Internet. Các thử nghiệm 5G đã được tiến hành từ năm 2020. Việt Nam đang chuẩn bị cấp giấy phép thương mại và tần số để các dịch vụ 5G sẽ có mặt trên toàn quốc vào năm 2022. Vào năm 2023, Việt Nam sẽ tắt mạng 2G để 100% người dùng trên toàn quốc có thể kết nối Internet với sự hợp tác của các nhà sản xuất trong nước, cung cấp smartphone giá rẻ.

ITU Digital World 2021 diễn ra trong 3 ngày từ ngày 12 – 14/10 hướng tới chủ đề chung “Cùng nhau xây dựng thế giới số”, theo 3 trụ cột: Hạ tầng cần thiết để chuyển đổi số, đầu tư và tạo điều kiện chuyển đổi số thông qua chính sách và các tác nhân chính cho chuyển đổi số.

Hà Thắm

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Ảnh: Hội nghị và Triển lãm Thế giới số (ITU Digital World 2021) chính thức khai mạc vào tối ngày 12/10