Việt Nam chưa tìm được công nghệ xử lý rác phù hợp

Rác không được phân loại, độ ẩm quá cao là lý do khiến công nghệ xử lý rác hiện đại ở châu Âu không thể áp dụng tại Việt Nam.

Ngày 8/8, tại Hà Nội, Báo Đại biểu Nhân dân tỏ chức buổi tọa đàm “Công nghệ xử lý rác – Lựa chọn nào phù hợp”.

tm-img-alt
Ông Nguyễn Quang Huân – Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội

 

Tại Tọa đàm, ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, khoảng 70% lượng rác ở nước ta đang xử lý theo hướng chôn lấp. Tuy nhiên, chỉ 2% trong số này được chôn lấp đúng cách, đảm bảo tiêu chuẩn hợp vệ sinh, bãi rác phải thu được nước thải rác.

“Đây là một lý do mà trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 không khuyến khích loại hình chôn lấp này”, ông Huân nói.

Chia sẻ về một số phương pháp xử lý rác tiên tiến, ông Huân đề cập đến công nghệ xử lý rác thải để sản xuất biogas và phân bón khoáng hữu cơ như nhà máy xử lý rác thải ở Quảng Bình. Nhưng công nghệ này gặp điểm nghẽn về tài chính. Ngoài ra, việc phân loại rác bằng tay ảnh hưởng tới sức khỏe người lao động.

Một công nghệ cũng tương đối phổ biến tại Việt Nam, là xử lý rác hữu cơ thành phân compost, phân vi sinh. Giống phương pháp trên, công nghệ này gặp khó bởi công tác phân loại rác chưa được thực hiện, kim loại nặng bị lẫn và chỉ phù hợp bón cho cây công nghiệp. 

Công nghệ đốt rác không phát điện là một hướng đi được nhắc tới khá nhiều vài năm trở lại đây. Hai nhà máy ở Cần Thơ và Hà Nội vừa vận hành phát thử, nhưng bước đầu cho thấy công nghệ này gây ô nhiễm, tức là chỉ làm sạch rác dưới đất và xử lý cho lên không khí.

Ông Huân lo ngại viễn cảnh hiệu suất nhà máy xử lý đốt rác không tốt, sản lượng điện thấp dẫn đến phải đóng cửa thì sẽ xảy ra tình trạng rác thải ùn ứ, phải chôn lấp như trước. Trong tháng 8-9 tới đây, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường sẽ chủ trì phiên giải trình chất thải rắn toàn quốc theo nhiệm vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao.

Ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường. Ảnh: Báo ĐBND
Ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường. Ảnh: Báo ĐBND

Chung nỗi niềm với công tác phân loại rác thải trước khi xử lý, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thượng Hiền nhận xét, tốc độ đô thi thị hóa, đời sống người dân liên tục được nâng cao đã tạo áp lực không nhỏ cho việc phân loại, xử lý rác thải từ các đô thị. Ngược lại, việc phân loại chất thải sinh hoạt, chất thải ngầm tại nguồn chưa tốt.

“Đây là vấn đề khó tháo gỡ bậc nhất hiện nay ở các đô thị”, ông Hiền nhấn mạnh.

Ông Hiền thông tin, Bộ Tài nguyên và Môi trường dự kiến trình Thủ tướng quy hoạch về bảo vệ môi trường quốc gia trong tháng 11/2022. Để bản quy hoạch này hiệu quả, lãnh đạo Tổng cục Môi trường cho rằng, cần quy hoạch tốt các điểm thu gom, tập kết, trung chuyển, vận chuyển rác thải,… và vị trí đặt các nhà máy xử lý rác thải.

Đây là cơ sở để các bên liên quan lựa chọn công nghệ xử lý rác thải phù hợp với tính chất, thành phần và điều kiện tự nhiên của các địa phương.

Lấy ví dụ về xu hướng đốt rác tạo điện, ông Hiền đề cao vai trò của việc phân loại rác. “Phân loại rác có thể cháy được thì chắc chắn công nghệ chúng ta sử dụng đốt rác để thu hồi phát điện sẽ tốt hơn khi rác không phân loại”, ông Hiền bày tỏ.

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thượng Hiền còn đề cập tới 3 yếu tố mà bất cứ công nghệ xử lý rác thải nào cũng cần có. Đó là, phải bảo đảm về công nghệ, môi trường, xã hội. Riêng khía cạnh xã hội, bên cạnh đáp ứng được tiêu chuẩn, quy chuẩn, người dân cũng cần hài lòng với công nghệ sử dụng.

“Rõ ràng, vướng mắc ở đây không phải vấn đề công nghệ mà vấn đề là chúng ta lựa chọn công nghệ nào cho phù hợp với điều kiện kinh tế, tự nhiên, môi trường từng địa phương. Trong đó, vấn đề đặc biệt được quan tâm là lượng tài chính chi trả cho công nghệ, khả năng triển khai ứng dụng có khả quan, hiệu quả không”, ông Hiền chia sẻ.

tm-img-alt
Ông Nguyễn Linh Ngọc ,nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

 

Theo ông Nguyễn Linh Ngọc, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá, vấn đề rác của Việt Nam đã chạm ngưỡng báo động đỏ. Tuy nhiên, hiện các cơ quan vẫn “lúng túng” về công nghệ xử lý, về chính sách và về giá thành.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phải tìm hiểu, nghiên cứu chính sách rõ ràng. Trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã nêu rõ, việc phân loại rác tại nguồn là việc cốt yếu và căn bản để xử lý rác thải.

Chúng ta không thể đổ lỗi cho thói quen hay do chưa có hạ tầng phù hợp mà chậm lại việc phân loại rác tại nguồn. Việc này cần phải được triển khai sớm nhất có thể. Nếu rác thải không được phân loại thì sẽ không thể trở thành tài nguyên. Vì vậy, chúng ta phải cương quyết giải quyết vấn đề này ở cả việc xây dựng chính sách hay vận động, tuyên truyền cho người dân.

Hiện nay, ý thức của người dân hoàn toàn có thể thay đổi. Đơn cử, tại hai xã Dục Tú, Liên Hà huyện Đông Anh, người dân đã phân loại rác tại nguồn rất tốt. Vì vậy, tôi đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu thêm chính sách về hạ tầng cơ sở để phân loại, thu gom rác tại nguồn. Sau khi đã phân loại, rác chính là tài nguyên thì hoàn toàn có thể xử lý được.

“Việc đi tìm một công nghệ nào để làm sạch lượng rác thải của chúng ta ngay lúc này thì cực kỳ khó khăn. Nhưng công nghệ hay chính sách phù hợp thì có thể trong thời gian ngắn giải quyết được vấn đề rác tồn đọng. Còn về tương lai lâu dài chúng ta vẫn bắt buộc phải phân loại rác tại nguồn.” ông Ngọc cho biết thêm.

Ông Võ Tiến Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Halcom Việt Nam. Ảnh: Báo ĐBND
Ông Võ Tiến Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Halcom Việt Nam. Ảnh: Báo ĐBND

Theo ông Võ Tiến Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Halcom Việt Nam, trên thế giới cũng như ở Việt Nam, có nhiều công nghệ phù hợp xử lý rác. Nhưng khó khăn nhất ở đây là cơ chế và giá thành. Ở các nước châu Âu, mất khoảng 45 – 60 USD để xử lý 1 tấn rác. Ở Việt Nam hiện nay, khoảng 390 – 450 nghìn đồng (tương đương 17 – 20 USD)/ 1 tấn rác. Chúng ta phải nhập khẩu công nghệ với giá đắt hơn về logistic vì phải vận tải về Việt Nam, nhưng lại xử lý rác với giá thấp hơn. Do đó, tính hiệu quả mới là điểm nghẽn của các nhà máy xử lý rác hiện nay.

Hiện, chúng tôi đang liên kết với đối tác của Đức để có thể áp dụng công nghệ tối ưu hóa năng suất, là công nghệ khá tiên tiến của Đức. Hiện tại, có khoảng 16 nhà máy khác nhau được xây dựng ở Đức, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ – những nơi có đặc điểm về rác khá giống với Việt Nam là chưa phân loại. Công nghệ này có điểm đặc biệt là, ngoài phần tạo thành biomass, nhiệt lượng biomass có thể dùng để đốt và sấy rác, để chuyển thành dạng vật liệu mới là hạt Abs. Nếu như các nhà máy này được đặt ở khu vực có nhiều nhà máy xi măng, nhà máy nhiệt điện thì vô cùng tốt, vì có thể thay thế than trong quá trình sản xuất xi măng, hay sản xuất điện. Ngoài ra, công nghệ này có thể thu hồi được hạt nhựa, kim loại lẫn trong rác, có thể làm phân bón phục vụ nông nghiệp. Đó là công nghệ mà chúng tôi nghĩ khá phù hợp với tình hình rác thải lẫn lộn ở Việt Nam.

Ngoài ra, chúng tôi cũng lưu tâm các công nghệ khác như công nghệ plasma – tiêu hủy hoàn toàn. Nếu công nghệ đó có giá thành phù hợp thì tôi cũng mong muốn hợp tác để có nghiên cứu sâu hơn trong quá trình thực hiện dự án sau này. Một số công nghệ khác của đối tác Phần Lan, Mỹ, Nhật Bản, chúng tôi cũng đang xem xét. Tuy nhiên, rác ở các nước này khác với rác ở Việt Nam, nên tôi thấy chưa thật sự phù hợp. Trong tương lai, 5 – 7 năm nữa, khi chúng ta phân loại rác triệt để thì có thể áp dụng công nghệ đó tốt hơn.

tm-img-alt
Ông Nguyễn Văn Thiền ,Chủ tịch HĐQT Công ty CP Môi trường – Nước Bình Dương

 

Ông Nguyễn Văn Thiền – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Môi trường – Nước Bình Dương cho biết: Công ty Cổ phần Nước – Môi trường Bình Dương được UBND tỉnh Bình Dương giao nhiệm vụ xử lý rác thải cho địa phương từ năm 2004.

Công nghệ xử lý rác đã thay đổi theo thời thời gian. Đặc biệt là trong 2 năm gần đây, đơn vị đã đầu tư công nghệ xử lý rác thải thành phân hữu cơ. Đơn vị đã đốt rác thải và tách các chất hữu cơ trở thành phân. Tro xỉ trong quá trình xử lý được sử dụng sản xuất thành sản xuất gạch và bê tông. Tuy nhiên, với dây chuyền của đơn vị hiện hiệu suất sản xuất chỉ đạt 30%. Phân thành phẩm phải đăng ký qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đưa ra thị trường. Hiện nay, nhiều diện tích lúa hữu cơ và cây ăn trái tại địa phương đã chấp nhận sử dụng sản phẩm phân hữu cơ. Có thể thấy việc xử lý rác thải thành phân bón hữu cơ đã giảm thiểu tối đa thời gian chôn lấp. Đặc biệt là giải quyết được mùn hữu cơ trong nhà máy xử lý rác thải. Tuy nhiên, việc cạnh tranh với phân bón vô cơ cũng như các loại phân bón hữu cơ khác trên thị trường hiện gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là việc cạnh tranh về giá bán, do đó tôi đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần nghiên cứu ra cơ chế chính sách đặc biệt hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư nhà máy xử lý rác thải thành phân hữu cơ cũng như giá bán khi đưa ra thị trường. Đồng thời, có khung giá và ưu đãi điện thành phẩm của việc xử lý rác thải giống như điện mặt trời.

Đối với việc xử lý rác thải thành gạch, việc bền màu các loại gạch này đã gây bất cập cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Các đơn vị phải lựa chọn nghiên cứu màu sử dụng ổn định trong nhiều năm. Do đó đã kéo giá thành sản phẩm cao hơn với gạch nung thông thường. Hiện doanh nghiệp đang đau đầu với bài toán cạnh tranh sản phẩm khi chưa có thuyết phục người tiêu dùng được về giá bán sản phẩm. Tôi đề nghị cơ quan chức năng cần nghiên cứu cơ chế hỗ trợ công nghệ cũng như giá bán của sản phẩm.

Về vấn đề vốn, hiện tại chúng ta đã hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp tham gia xử lý rác thải. Tuy nhiên việc vay nguồn vốn chỉ hạn chế định mức 50 tỷ. Nhiều dự án đầu tư hiện nay cần kinh phí thực hiện ít nhất 300 tỷ. Các ngân hàng hiện nay đều đỏi hỏi các nguồn tài sản thế chấp nhưng việc đáp ứng rất là khó khăn. Bên cạnh đó, các địa phương thường trả tiền xử lý rác vào cuối năm. Việc này rất bất cập, doanh nghiệp phải thực hiện hoạt động từ đầu năm nhưng đến cuối năm mới nhận được tiền. Do đó, doanh nghiệp không có tiền để trả tiền lương cho nhân viên dẫn tới tình trạng nợ lương 2-3 tháng, doanh nghiệp rơi vào tình trạng không có nguồn để trả lương. Do vậy, cần có sự nghiên cứu sâu về cơ chế thanh toán hợp đồng để hỗ trợ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp xử lý rác thải.

Tùng Anh

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Ảnh: Ảnh minh họa. Nguồn hanoky.vn