Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Liên minh Đại dương Toàn cầu

Trở thành thành viên của Liên minh Đại dương Toàn cầu sẽ là một bước tiến mới của Việt Nam trong công tác tăng cường quan hệ đối tác nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học toàn cầu.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh mới đây đã có văn bản đồng ý chủ trương tham gia Liên minh Đại dương Toàn cầu (GOA) của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng ủng hộ sáng kiến mục tiêu “30% diện tích đại dương được bảo vệ và năm 2030” (Sáng kiến 30×30).

Trở thành thành viên của Liên minh Đại dương Toàn cầu sẽ là một bước tiến mới của Việt Nam trong công tác tăng cường quan hệ đối tác nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, kết nối với cộng đồng quốc tế để trao đổi kinh nghiệm, từ đó giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học toàn cầu.

Theo Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Sáng kiến 30×30 là một trong những mục tiêu chính của Khung đa dạng sinh học toàn cầu, kêu gọi thế giới bảo tồn 30% diện tích đất liền và biển của trái đất thông qua việc thành lập các khu bảo tồn (PA) và các biện pháp bảo tồn hiệu quả dựa trên khu vực khác (OECM). Mục tiêu này được đánh giá là khá tham vọng, nhưng Sáng kiến 30×30 được kỳ vọng sẽ trở thành định hướng mới, đặc biệt tiếp tục thúc đẩy thế giới bảo tồn môi trường biển với thành tựu lớn hơn.

Bộ Tài nguyên và Môi trường với vai trò là cơ quan đầu mối điều phối tổ chức thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, cũng sẽ thúc đẩy việc áp dụng OECM tại Việt Nam để đóng góp cho việc thực hiện thành công mục tiêu sáng kiến 30×30 trên toàn cầu.

Với việc trở thành thành viên của Liên minh Đại dương Toàn cầu và tham gia thực hiện sáng kiến 30×30, Việt Nam cũng đã tích hợp các mục tiêu liên quan vào Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học trong đó tăng diện tích khu bảo tồn biển và ven biển từ 3-5% đến năm 2030. 

Thực tế cho thấy, đa dạng sinh học, sự đa dạng của mọi sự sống trên trái đất đang bị mất đi với tốc độ đáng báo động. Các hệ sinh thái, từ rừng và sa mạc đến nước ngọt và đại dương, đang suy giảm nghiêm trọng. Một triệu loài thực vật và động vật đang bị đe dọa tuyệt chủng. Sự đa dạng di truyền đang biến mất

Đa dạng sinh học là nền tảng cho cuộc sống và sinh kế của con người, bởi chúng cung cấp nguồn tài nguyên thiết yếu và các chức năng của hệ sinh thái để duy trì sự sống của con người, bao gồm sản xuất lương thực, lọc không khí và nước, và ổn định khí hậu. Các hệ thống hỗ trợ sự sống của hành tinh chúng ta đang bị đe dọa.

Đặc biệt, tương lai của hành tinh đang gặp nguy và các hoạt động của con người gây phá hủy môi trường sống, ô nhiễm và dẫn tới cuộc khủng hoảng khí hậu đang đe dọa đẩy hàng triệu loài động, thực vật tới nguy cơ tuyệt chủng.

Theo một báo cáo của Liên hợp quốc, một triệu loài động, thực vật có thể biến mất, trong khi sinh khối của các loài động vật có vú hoang dã đã giảm 82% và các hệ sinh thái tự nhiên bị mất khoảng một nửa diện tích. Trong đại dịch, việc tàn phá rừng trên thế giới tăng mạnh. Mức độ nguy hiểm của khí nhà kính tiếp tục tích tụ trong bầu khí quyển của trái đất. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới ước tính rằng việc bảo vệ thiên nhiên có thể ngăn chặn thiệt hại kinh tế toàn cầu lên tới 2,7 nghìn tỷ USD mỗi năm.

Tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học lần thứ 15 diễn ra tại Montreal, Canada, mục tiêu này cũng sẽ được các lãnh đạo thế giới thảo luận để có thể đưa ra hướng đi hiệu quả nhất cho công tác bảo vệ đại dương. Việt Nam cũng sẽ bước đầu tham gia những cuộc trao đổi này để có sự chuẩn bị tốt nhất trước khi chính thức trở thành thành viên của Liên minh Đại dương Toàn cầu.

Bên lề Hội nghị, Đoàn Việt Nam cũng làm việc song phương với các tổ chức đối tác để huy động sự hỗ trợ cho Việt Nam thực hiện mục tiêu 30×30 và Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nhận thức được vai trò trong giải quyết cuộc khủng hoảng chất thải nhựa toàn cầu, Việt Nam, một thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc, đã cam kết hành động mạnh mẽ thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa để bảo vệ môi trường sinh thái biển và đại dương.

Phát biểu tại cầu truyền hình trực tiếp “Khát vọng Đại dương xanh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, biển và đại dương đang phải đối mặt với nhiều thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống chưa từng có.

Vì vậy, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, cần khẩn trương thiết lập và triển khai cơ chế hợp tác khu vực, toàn cầu, chia sẻ dữ liệu, củng cố, hoàn thiện chính sách về bảo tồn các hệ sinh thái, bảo vệ môi trường và khai thác tài nguyên biển bền vững một cách thực chất, hiệu quả, đi đôi với bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái biển và ven biển. Bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định và an ninh trên biển trên cơ sở tuân thủ pháp luật quốc tế, nhất là Hiến chương và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982), tôn trọng chủ quyền, lợi ích và các hoạt động kinh tế hợp pháp của các quốc gia.

Lan Anh – Tạp chí KTMT

Theo Kinh tế Môi trường

Ảnh: Trở thành thành viên của Liên minh Đại dương Toàn cầu sẽ là một bước tiến mới của Việt Nam nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học toàn cầu.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://kinhtemoitruong.vn/viet-nam-chinh-thuc-tro-thanh-thanh-vien-cua-lien-minh-dai-duong-toan-cau-74647.html