Việt Nam chậm ứng dụng năng lượng tái tạo trách nhiệm thuộc về ai?

Gần đây trên các kênh truyền hình, các báo chí và các cơ quan truyền thông đều phản ánh nhiều nhà máy nhiệt điện đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Nhân dân ở gần các nhà máy nhiệt điện không thể chịu nổi ô nhiễm khói bụi, mùi hôi và ô nhiễm nước mặt, đất. Nhiều lãnh đạo các nhà máy nhiệt điện cũng thừa nhận môi trường bị ô nhiễm nhưng không thể nào khắc phục được vì công nghệ lạc hậu, xỉ than các nhà máy ngày càng lớn nhưng có thể tái chế chỉ được 50%. Sản phẩm tái chế không thể cạnh tranh với gạch nung.

Tại sao Việt Nam đến nay vẫ chưa hề áp dụng năng lượng tái tạo

Theo khảo sát của ngân hàng thế giới khẳng định Việt Nam có tiềm năng về năng lượng gió lớn nhất Đông Nam Á với tổng công suất điện gió ước đạt 513.360MW, nhiều hơn 100 lần công suất của thủy điện Sơn La, hơn 10 lần tổng công suất dự báo của ngành điện vào năm 2015. Việt Nam lại có trên 3.200km bờ biển nên rất thuận lợi cho việc phát triển nguồn điện năng từ sức gió. Cũng theo thống kê của ngân hàng này, mật độ năng lượng gió ở nước ta thuộc loại trung bình và lớn hơn so với thế giới. Với 8,6% diện tích đất đai (khoảng 28.000km2) có tiềm năng gió được đánh giá là tốt và rất tốt. Với tiềm năng phong phú đó, nếu biết khai thác có thể cung cấp một nguồn năng lượng dồi dào để phát triển kinh tế ở các vùng cao, vùng xa, vùng hải đảo (bảng 1).

Bảng 1. Tiềm năng năng lượng gió ở độ cao 65m của Việt Nam

Kinh tế Việt Nam đang trong thời kỳ phát triển với tốc độ cao, vì vậy, cung cấp năng lượng ổn định là ưu tiên hàng đầu. Nhu cầu năng lượng, đặc biệt là nhu cầu điện cho sản xuất và sinh hoạt là đòi hỏi cấp bách cho phát triển kinh tế – xã hội. Việc chậm triển khai các ứng dụng năng lượng tái tạo thuộc về các cơ quan nhà nước trước kia thuộc về Bộ Công thương và Tổng công ty Điện lực Việt Nam.

Nước ta chưa có đầy đủ hệ thống chính sách về phát triển năng lượng mới và tái tạo. Trong khi ở Trung Quốc đã có luật phát triển năng lượng tái tạo. Thái Lan đã chuyển sang bước đầu tư thứ 2 quyết liệt hơn, kể cả việc phụ thu thu 4cen/lít xăng nhập khẩu để làm quỹ hỗ trợ phát triển nhiên liệu sạch.

Tiềm năng năng lượng mặt trời được phản ánh qua số giờ nắng, trung bình năm. Nước ta có khoảng 1.400 – 3.000 giờ nắng, lớn nhất là vùng đồng bằng duyên hải cực Nam Trung bộ và một phần lãnh thổ ở phía Đông Nam Bộ, ít nhất là sườn phía đông Hoàng Liên Sơn và phần lớn khu vực Đông Bắc. Do đó, việc khai thác tiềm năng năng lượng Mặt Trời ở Việt Nam là hoàn toàn khả thi, ở các nước Tây Âu có giờ nắng trong năm ít hơn của Việt Nam nhiều, nhưng việc sử dụng pin mặt trời lại rất phổ biến. Ở Việt nam, đến này hàng trăm thiết bị đun nước nóng mặt trời của trường đại học Bách Khoa Hà Nội nghiên cứu chế tạo được lắp đặt tại Hà Nội và một số địa phương khác đã được người tiêu dùng đánh giá cao.Gần đây, trường Đại học Hohenhiem – Cộng hoà Liên bang Đức đã hợp tác với trường Đại học Nông Nghiệp Hà Nội tiến hành thành công dự án sử dụng năng lượng Mặt Trời để sấy khô 9 loại sản phẩm khác nhau: chuối, dứa, nhãn ,đu đủ, ớt, nấm, sắn nạo, xoài và me ở huyện Yên Châu – Sơn La. Thiết bị sấy nông sản bằng năng lượng Mặt Trời kiểu tunnel, phù hợp với điều kiện nhiệt đới gió mùa ẩm ướt của nước ta. Pin Mặt Trời sẽ hoạt động khi có các tia bức xạ truyền tới bề mặt cung cấp điện năng làm cho quạt quay hút không khí từ bên ngoài vào thiết bị để đẩy chuyển động dọc theo sàn. Tấm thu nhiệt sau ghi được đốt nóng nhờ năng lượng Mặt Trời sẽ chuyển sang dòng không khí chuyển động trên bề mặt đối lưu. Nhiệt độ được điều khiển tự động sao cho nhiệt độ sấy không quá 650C. Hiệu quả sấy nông sản rất cao, chất lượng thơm ngon , giá bán cao hơn hẳn chất lượng sản phẩm khi sấy bằng biện pháp thủ công.

Theo thông tin khoa học công nghệ quốc gia (Bộ KH – CN) cứ mỗi ngày trôi qua mặt trời gửi xuống cho Việt Nam từ 3 – 4,5 kwh/m2 (vào mùa đông) và từ 4,5 – 6,5kwh/m2 (mùa hè)

Trong việc tiếp xúc với các nhà đầu tư của nước ngoài, những nhà đầu tư nước Bắc Âu hứa sẵn sàng đầu tư các nhà máy năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Không biết Bộ Công thương và Tổng công ty Điện lực có hứng thú với tin đó không hay vẫn say sưa với nhiệt điện?

Từ 2010 ông Diệp Bảo Cảnh, tổng giám đốc công ty cổ phần năng lượng Mặt Trời đỏ (Redsun) đã trang bị hệ thống điện mặt trời cho văn phòng công ty ở P.10 quận 5 (TPHCM). Nhờ hệ thống mặt trời có công suất 1kw được lắp đặt trên sân thượng mà công ty vẫn hoạt động bình thường mỗi khi bị cúp điện, không phải chạy máy nổ gây tiếng ồn và khói bụi.

Tương tự năm 2014 anh Thiệp (Q.6 TPHCM lắp đặt một hệ thống điện mặt trời có công suất 1kw chi phí khoảng 80 triệu. Hệ thống này, mỗi ngày cung cấp khoảng 4 – 6 kw dùng để thắp sáng 4 bóng đèn huỳnh quang loại 40w và 4 quạt máy 1 tivi.

Năm 2016 anh V.H (ở Bình Tân, Bình Thuận đầu tư hệ thống điện mặt trời nối với lưới điện quốc gia để khi công suất thừa sẽ tự động hoà vào lưới điện, còn khi thiếu sẽ sử dụng lưới điện, với công suất 2kw, tổng chi phí 140 triệu đồng, hệ thống này giúp anh H tiết kiệm được mỗi tháng 2/3 tiền điện so với trước đó. (Nguồn tin: Báo Thanh niên số 83 ngày 24 – 3 – 2017).

PGS.TS Lê Anh Tuấn – Viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ) cho biết, trung binh mỗi tháng gia đình ông có thể tiết kiệm được 1,5 triệu đồng cụ thể là cuối năm 2016. Tiến sĩ đã lắp 12 tấm pin mặt trời trên nóc nhà với tổng diện tích 24m2, tổng chi phí 130 triệu đồng.

Theo TS Tuấn, trong ngày thời điểm 10h30 đến 14h30 hệ thống sản xuất ra nhiều điện nhất lượng điện sản xuất ra sử dụng không hết, phải bán cho lưới điện (theo báo Thanh niên số 84 ngày 25/3/2011).

Theo bà Ngụy Thị Khanh giám đốc Greenld: “Hiện nay chi phí sản xuất năng lượng tái tạo của Việt nam cao hơn trong khu vực và thế giới vì chúng ta không có thị trường. Nếu chúng ta có thị trường, có cạnh tranh thì chi phí sản xuất sẽ thấp xuống rất nhanh. Nếu bây giờ chúng ta không tạo ra thị trường, chúng ta sẽ mất cơ hội phát triển năng lượng xanh”.

Các nước như Đức, Mỹ, Úc rất khuyến khích mô hình sản xuất điện mặt trời quy mô hộ gia đình, đây là mô hình xã hội hoá rất hiệu quả, vừa tăng nguồn cung cấp điện,vừa giảm áp lực sử dụng điện. Nếu nhà nước có chính sách xã hội hoá rộng lớn hơn, cơ chế mua điện trong dân, người dân sẽ không tốn đầu tư mua thiết bị tích điện và lúc đó chi phí đầu tư cho điện mặt trời sẽ rẻ hơn rất nhiều.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: “Vấn đề ở đây là nhà nước mở cơ chế cho các nhà đầu tư khác có thể tham gia vào đầu tư năng lượng tái tạo, chia sẻ bớt gánh nặng với nhà nước và EVN trong việc lo phát điện, bằng những cơ chế cụ thể. Phải tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, họ làm. Theo quy hoạch điện đến năm 2020, điện mặt trời chiếm tỷ lệ 9,9%, tương đương 850MW. Tuy đã có chủ trương phát triển điện mặt trời, nhưng đến thời điểm này, khi nhiều người dân đã đầu tư, nhiều doanh nghiệp muốn triển khai dự án thì bị vướng mắc vì chưa có cơ chế về giá bán điện. Không có giá mua, giá trị chính là lý do không hút được người dân và doanh nghiệm tham gia.

Nhiều chuyên gia cho rằng, vấn đề này không thể trông chờ EVN. Họ không có động lực để làm việc đó. Nhà nước cần xã hội hoá để nhân dân và các nhà đầu tư khác tham gia vào.

Nhiều nhà lãnh đạo các nước và nhiều chuyên gia thế giới đã khẳng định: Nhân loại phải cố gắng tiếp nhận những thách thức mới của nguồn năng lượng và của môi trường, tận dụng mọi khả năng dung năng lượng sạch để thay thế cho nhiên liệu khoáng chất có hàm lượng các bon cao. Trên thế giới, những nước công nghiệp tiên tiến và một số nước phát triển đều có chính sách ưu tiên về thuế, lập pháp, quy hoạch, ứng dụng… đối với việc phát triển nguồn năng lượng mới và tái sinh nguồn năng lượng được liệt vào loại năng lượng sạch. Năm 1992, Chính phủ Mỹ tiến thêm một bước là tuyên bố ủng hộ kế hoạch phát triển pin quang điện, đến năm 2000, sản lượng của loại pin này đạt 1.400 triệu vol, tương đương 100 lần sử dụng của toàn thế giới hiện nay. Chính phủ Đan Mạch hỗ trợ toàn bộ kinh phí cho các gia đình lắp đặt máy phát điện bằng sức gió. Chính phủ Nhật Bản bắt đầu thực hiện từ năm 1993 “Kế hoạch ánh sáng Mặt Trời mới”.

Để đất nước phát triển bền vững, đã đến lúc Việt Nam không thể thờ ơ với việc phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Đề nghị Nhà nước phải giao trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan nhà nước như Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ Khoa học – Công nghệ, Bộ Tài nguyên – Môi trường, Bộ Công thương và các trường, viện, các hiệp hội khoa học đồng thời có ấn định nội dung cụ thể, có thời gian thực hiện và phải thường xuyên tăng cường kiểm tra đôn đốc để đẩy mạnh tiến độ ứng dụng năng lượng tái tạo vào cuộc sống./.

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển

Nguyên Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội

Ảnh: Ảnh minh họa. Nguồn: Internet