Vì sao nhiều dự án BOT giao thông vỡ phương án tài chính?

Từ cuối 2019, nhiều dự án BOT đường bộ do Bộ GTVT quản lý đã có doanh thu thực tế thấp hơn so với phương án tài chính khi triển khai dự án. Sau hai đợt ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhiều DN BOT lại càng thâm hụt doanh thu do lượng xe tiếp tục giảm.

Nhiều lý do làm giảm doanh thu

Thống kê vào giữa tháng 8 vừa qua cho thấy, trong số 60 dự án BOT giao thông đang khai thác do Bộ GTVT quản lý, có 49 dự án doanh thu thực tế thấp hơn so với phương án tài chính. Trong đó có hai dự án doanh thu chỉ đạt 13-15% là BOT trên QL3 đoạn Thái Nguyên – Bắc Kạn và dự án xây dựng cầu Thái Hà trên QL39 nối hai tỉnh Hà Nam – Thái Bình. Có bốn dự án chưa được thu phí hoặc đang tạm dừng thu phí: dự án QL10 đoạn tránh thị trấn Đông Hưng (tỉnh Thái Bình); dự án QL1 đoạn tránh TP Thanh Hóa; dự án QL1 đoạn qua TX Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang); dự án QL91 và 91B (TP Cần Thơ).

Theo ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công – tư (PPP), Bộ GTVT, có ba nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng giảm doanh thu tại các dự án BOT giao thông. Thứ nhất, xuất phát từ phía cơ quan nhà nước, theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 35 ngày 16/5/2016, Bộ GTVT và doanh nghiệp BOT thực hiện giảm giá vé cho các phương tiện lân cận trạm thu phí và giảm giá vé cho phương tiện nhóm 4, nhóm 5; chưa tăng phí theo lộ trình trong hợp đồng BOT.

Thứ hai, là do không lường trước được lưu lượng xe qua trạm thu phí ở một số tuyến thấp hơn so với dự báo, trong đó có việc hình thành các tuyến đường song hành, đường ngang gần khu vực trạm thu phí; sự gia tăng các phương tiện sử dụng vé tháng/quý/năm và các phương tiện qua trạm thu phí nhiều lần trong ngày.

Thứ ba, do ảnh hưởng nặng của dịch Covid-19. Đây là nguyên nhân khiến nhiều BOT giảm sâu về doanh thu, nằm ngoài mọi tính toán trước đó.

Tiền thu không đủ trả ngân hàng

Đại diện Công ty BOT Hà Nội – Bắc Giang, ông Đinh Việt Hưng cho biết, hiện lưu lượng xe và doanh thu giảm khoảng 20 – 30% so với thời kỳ trước dịch bệnh. Lúc cao điểm giãn cách xã hội như trước đây làm giảm đến 50%.

Theo ông Hưng, hiện nay Cty thu được bao nhiêu tiền gần như đều nộp hết cho ngân hàng, chỉ giữ lại một phần nhỏ đủ chi phí hoạt động. Ngoài ảnh hưởng của dịch bệnh, thì lưu lượng xe còn giảm vì một số nguyên nhân khác mà phương án tài chính trước đây chưa tính đến. Đó là do xung quanh tuyến Hà Nội – Bắc Giang có xây dựng thêm một số tuyến đường mới, nhiều xe đã tránh không vào đường thu phí BOT. “Dù đã có chính sách giảm lãi của ngân hàng, nhưng cứ thế này thì DN không biết khi nào mới vực được”, ông Hưng nói.

Chủ đầu tư cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho hay, theo phương án tài chính ban đầu, để hoàn vốn, nhà đầu tư được phép thu phí trong vòng 18 năm 3 tháng tại hai trạm thu phí hở trên QL1 và trên tuyến cao tốc thực hiện thu phí kín; tỷ lệ chiết giảm doanh thu do xét đến xe ưu tiên, xe sử dụng vé tháng, vé quý là 5%. Lưu lượng xe trên tuyến QL1 tại điểm cuối tiếp nối với Dự án cao tốc Hà Nội – Bắc Giang được đưa vào phương án tài chính tại thời điểm cuối năm 2019 là 8.850 xe/ngày đêm. Tại thời điểm dự kiến đưa tuyến cao tốc vào khai thác quý I/2020, thì lưu lượng xe dự báo cho cả hai tuyến QL1 và cao tốc là 22.590 xe/ngày đêm (tương ứng tốc độ tăng trưởng 154%).

Tuy nhiên, lưu lượng phương tiện thực tế trên cả hai tuyến đường trong giai đoạn qua chỉ đạt khoảng 11.779 xe/ngày đêm, tức giảm khoảng 10.811 xe/ngày đêm, tương ứng giảm 48% cho cả hai tuyến QL1 và tuyến cao tốc so với dự báo ban đầu tại phương án tài chính được duyệt.

Theo khảo sát tại một số tuyến BOT được đánh giá có lưu lượng cao hiện nay như tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Pháp Vân – Cầu Giẽ, lưu lượng xe và doanh thu cũng sụt giảm. Ông Trần Anh Tú, Tổng Giám đốc VIDIFI (nhà đầu tư cao tốc Hà Nội – Hải Phòng) cho biết, hiện nay doanh thu và lưu lượng xe giảm hơn so với trước đây khoảng trên 30%; thời điểm giãn cách xã hội giảm đến 60 – 70%. Cụ thể, doanh thu đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng tính đến hết 31/7/2020 là 869,6 tỷ đồng, chỉ đạt 43,17% kế hoạch năm 2020.

Theo ông Tú, trong khoảng ba tháng sau khi Việt Nam hết dịch đợt 1, lưu lượng xe có tăng lên, nhưng khi dịch Covid-19 quay lại với diễn biến phức tạp lại khiến lưu lượng xe giảm xuống. “Tuyến đường chúng tôi quản lý, phục vụ nhiều khách du lịch, vận tải hàng hóa. Nay dịch bệnh nên doanh thu ảnh hưởng rất lớn”, ông Tú nói và cho biết tiền thu được không đủ để trả nợ ngân hàng.

Chọn phương án hỗ trợ nào?

Để hỗ trợ các doanh nghiệp BOT gặp khó khăn trong hoạt động, Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ hai phương án tăng phí BOT giao thông. Cụ thể, phương án 1 cho phép tăng phí theo hợp đồng dự án, giao Bộ GTVT lựa chọn thời điểm phù hợp để hạn chế tối đa ảnh hưởng chi phí vận tải. Phương án 2 giữ nguyên mức phí, chỉ tăng theo lộ trình đã ký trong hợp đồng dự án từ năm 2022. Song Nhà nước phải bố trí khoảng 5.080 tỉ đồng hỗ trợ các dự án do chưa được tăng giá.

Hữu Sơn – Báo Pháp Luật VN

Theo Pháp Luật VN

Ảnh: Đến đầu tháng 8/2020, doanh thu của cao tốc Hà Nội – Hải Phòng trên 869 tỷ đồng, chỉ đạt khoảng 43% kế hoạch cả năm nay.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://baophapluat.vn/kinh-te/vi-sao-nhieu-du-an-bot-giao-thong-vo-phuong-an-tai-chinh-540274.html