Vì sao Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý liên tục ‘trễ hẹn’?

Mặc dù đã nhiều lần đề nghị lùi thời gian tiếp nhận và xử lý rác, nhưng đến nay, Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý vẫn chưa hoàn thành việc xây dựng để đưa nhà máy vào hoạt động.

Dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) có tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỉ đồng bằng vốn nước ngoài. Chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần Môi trường năng lượng Thiên Ý, Tổng thầu MCC (Trung Quốc) là đơn vị thực hiện.

Nhà máy điện rác Sóc Sơn được UBND TP.Hà Nội chấp thuận chủ trương từ cuối năm 2017, do nhà đầu tư nước ngoài thi công và vận hành. Nhà máy với công suất xử lý 4.000 tấn rác/ngày, được cho là lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ xử lý rác tại 9 quận nội thành. Dự án sử dụng công nghệ đốt rác bằng lò ghi cơ học của Bỉ. Dự kiến lượng điện thu được từ nhà máy khoảng 75 MW điện mỗi giờ.

Làm việc với lãnh đạo UBND TP.Hà Nội cuối tháng 12/2019, Công ty Cổ phần Môi trường năng lượng Thiên Ý cam kết sẽ hoàn thành dự án vào tháng 8/2020 và vận hành chính thức đốt rác phát điện vào đúng dịp tháng 10/2020.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, mỗi ngày trên địa bàn thành phố phát sinh khoảng 7.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt.

Tính đến tháng 9/2020, tỉ lệ rác thải thu gom tại khu vực đô thị đạt 100%, khu vực nông thôn đạt 90%. Tuy vậy, chỉ có khoảng 11% khối lượng rác thải được xử lý bằng phương pháp đốt (không phát điện); còn lại đang xử lý bằng phương pháp chôn lấp.

Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại dự án vẫn chưa hoàn thành việc xây dựng để đưa nhà máy vào hoạt động.

Mới đây, chủ đầu tư Dự án Xây dựng Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý (Công ty Thiên Ý) tiếp tục có văn bản gửi Sở Xây dựng Hà Nội về việc lùi thời gian tiếp nhận và xử lý rác theo công nghệ đốt rác phát điện.

Theo văn bản này, Công ty Thiên Ý đề nghị thành phố cho phép lùi thời hạn bắt đầu tiếp nhận rác đến tháng 5/2021 (dự kiến tiếp nhận 2.000 tấn rác/ngày) và đến tháng 6/2021 sẽ bắt đầu tổ chức đốt rác theo quy định.

Đại diện Công ty Thiên Ý cho biết, lý do khiến đơn vị này có văn bản gửi các đơn vị có liên quan đề nghị lùi thời gian tiếp nhận và xử lý rác là do những tác động của dịch Covid-19.

Đại diện Công ty Thiên Ý cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều chuyên gia Trung Quốc không thể nhập cảnh vào Việt Nam theo kế hoạch đã đề ra. Chưa hết, từ khi ổ dịch Covid-19 tại Hải Dương xuất hiện, tại công trường dự án xây dựng Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý có 1 trường hợp là F1. “Sự cố trên đã khiến khoảng 1.000 công nhân người Việt buộc phải nghỉ làm” – đại diện lãnh đạo Công ty Thiên Ý nói.

Liên quan đến tiến độ triển khai dự án Nhà máy đốt rác phát điện chậm tiến độ so với quy định, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông yêu cầu đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án nhà máy đốt rác phát điện.

“Dự án này đã chậm tiến độ nhiều lần, đề nghị Công ty cổ phần năng lượng Thiên Ý tăng cường nhân lực, vật lực, gấp rút triển khai thi công các hạng mục dự án, nhất là khu lò đốt. Chậm nhất ngày 1/5/2021, đơn vị phải đưa nhà máy vào hoạt động”, đồng chí Nguyễn Trọng Đông nhấn mạnh.

Trao đổi Kiến thức, PGS. TS Bùi Thị An – nguyên Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng cho rằng, việc dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn chậm tiến độ sẽ gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân cũng như tốn kém về mặt kinh tế.

“Tồn đọng rác với khối lượng lớn sẽ gây ô nhiễm môi trường, cả đất, cả nước và không khí. Cũng vì ô nhiễm môi trường dẫn đến người dân bức xúc làm người dân bức xúc dẫn đến tác động làm lộn xộn trong xã hội. Nếu để ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến sức khỏe, từ đó ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Quan trọng nhất là việc chậm trễ này sẽ gây bức xúc cho dân. Hơn nữa còn làm ảnh hưởng về kinh tế bởi nếu xử lý rác còn phải ra được đầu khác nữa. Do đó, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thủ đô Hà Nội” – PGS. TS Bùi Thị An nói.

Cũng nêu ý kiến về vấn đề này, PGS. TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam cho biết, hiện Hà Nội có một số nhà máy vận hành của Nhật nhưng công suất nhỏ nên vấn đề tồn đọng rác vẫn căng thẳng.

“Vừa rồi Hà Nội mới chỉ làm được việc dùng một số chế phẩm để giảm mùi nhưng lượng rác tồn đọng lâu lắm rồi. Nhiều lần Hà Nội đã có quyết định di dân một cách rốt ráo nhưng càng ngày lượng rác tồn càng lớn. Diện tích và lượng nước thải lan ra ngày càng rộng càng khiến thêm bế tắc do diện người dân đòi bồi thường ngày càng nhiều lên. Ngay Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cũng nói rằng đang rất khó và không biết tiến độ có đạt được không. Nhưng theo tôi công suất của Nhà máy điện rác Sóc Sơn cũng không đủ để giải quyết được. Tuy nhiên chắc chắn sẽ gây ra khó khăn trong việc xử lý rác của Hà Nội” – ông Tiến nói.

Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam cho rằng, đây là vấn đề về kỹ thuật nên rất khó.

“Chôn lấp rác bao nhiêu chục năm qua vẫn thế. Bây giờ tới thời hạn mà dự án không xong dù Hà Nội cũng đang cố gắng và chịu nhiều áp lực” – ông Trương Mạnh Tiến nói.

Công ty Thiên Ý được thành lập vào tháng 3/2018, địa chỉ tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn). Ngành nghề đăng ký hoạt động chính là hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ khác chưa được phân vào đâu.

Công ty Thiên Ý là Công ty con trực thuộc Công ty Cổ phần Tian Ying Zhong Guo (viết tắt: CNTY), hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và năng lượng mới. Hiện tại, các dự án mà Tian Ying Zhong Guo đang đầu tư bao gồm: Các nhà máy điện đốt rác thải tại Như Đông Giang Tô, Khởi Đông Giang Tô, Hải An Giang Tô, Bình Triều Thâm Quyến (giai đoạn 2), Liên Giang Phúc Kiến, Tân Châu Sơn Đông, Liêu Nguyên Cát Lâm…

Minh Phương – Tạp chí KTMT

Theo Kinh tế Môi trường

Ảnh: Phối cảnh tổng thể nhà máy điện rác Sóc Sơn. (Ảnh: hanoi.gov.vn)

Xem bài viết gốc tại đây:

https://kinhtemoitruong.vn/vi-sao-nha-may-dot-rac-phat-dien-thien-y-lien-tuc-tre-hen-53495.html