Theo Sở Xây dựng Hà Nội, tổng công suất cấp nước của các nhà máy nước tập trung trên địa bàn đạt khoảng 1,5 triệu m3/ngày đêm, trong đó nước ngầm 770.000 m3, nước mặt 750.000 m3.
Người dân khốn khổ vì thiếu nước sinh hoạt
Sớm 19/10, hàng trăm cư dân khu đô thị Thanh Hà, huyện Thanh Oai, tiếp tục xếp hàng chờ lấy nước sạch từ xe téc. Khủng hoảng nước ở khu đô thị Thanh Hà, nơi có 26 tòa nhà với khoảng 16.000 dân, bắt đầu từ hai tuần trước, khi cư dân phát hiện nước không đảm bảo chất lượng và đến nay chưa có dấu hiệu dừng lại.
Không chỉ Thanh Hà, cuối phố Phùng Khoang, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm cũng bị thiếu nước hơn 10 ngày nay. Đã 80 tuổi, bà Phạm Viết Xuân Phương vẫn hàng ngày xách xô, vác can sang nhà hàng xóm xin nước. “3-4 ngày nay tôi không tắm, chỉ lau người. Sống trên đất Thủ đô mà mỗi lần dùng nước phải dùng gáo bé tí, múc từng chút một, khổ hơn thời bao cấp”, bà Phương nói. Thiếu nước sinh hoạt, nhiều dãy nhà trọ ở đây phải đóng cửa.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, tổng công suất cấp nước của các nhà máy nước tập trung trên địa bàn đạt khoảng 1,5 triệu m3/ngày đêm, trong đó nước ngầm 770.000 m3, nước mặt 750.000 m3. Mạng cấp nước nông thôn có công suất thiết kế mỗi trạm 300-1.000 m3/ngày đêm.
Công suất nước như trên chỉ đủ đáp ứng nhu cầu ở khu vực đô thị và 85% khu vực nông thôn (138 xã chưa có hệ thống cấp nước sạch tập trung). Khu đô thị Thanh Hà nằm ở huyện Thanh Oai, nơi có tỷ lệ tiếp cận nước sạch chỉ 80%. Ngoài huyện này, còn nhiều huyện có tỷ lệ cấp nước sạch thấp như Mỹ Đức 42%, Ứng Hòa 58%, Thường Tín 60%, Phúc Thọ 65%, Chương Mỹ 68%.
Việc thiếu nước sạch của Hà Nội từ nhiều năm nay đã được cảnh báo, nước sạch thực tế càng thiếu hơn khi mà giếng ngầm được thành phố yêu cầu ngừng sử dụng. Đơn cử như Nhà máy nước Hạ Đình thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nước sạch Hà Nội nhà máy có 17 giếng ngầm, công suất khai thác 30.000 m3/ngày – đêm. Triển khai lộ trình giảm dần việc khai thác nước ngầm của thành phố, đến nay nhà máy đã đóng 8 giếng, còn 9 giếng đang được luân phiên khai thác. Từ nay đến năm 2030, nhà máy chỉ hoạt động với công suất 10.000 m3/ngày – đêm và đến năm 2050 sẽ đóng tất cả các giếng ngầm.
Việc cung cấp nước sạch của thành phố cơ bản phụ thuộc vào các nhà máy nước mặt. Ngoài Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nước sạch Hà Nội; Nhà máy Nước mặt sông Đuống; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên nước sạch Hà Đông, Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà… thì từ nhiều năm nay, Hà Nội chưa có thêm nhà máy nước nào hoạt động.
GS.TS Nguyễn Việt Anh, Trưởng Bộ môn Cấp thoát nước, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, kiêm Phó Chủ tịch Hội cấp thoát nước Việt Nam cho biết, không chỉ riêng Hà Nội mà nhiều đô thị trên cả nước cũng đang đối diện với nguy cơ thiếu nước cấp cho sinh hoạt và các mục đích khác nhau.
Phân tích về nguyên nhân thiếu nước cục bộ tại Hà Nội, Giáo sư Nguyễn Việt Anh cho rằng, công tác điều tiết nước giữa các khu vực trong thành phố vẫn còn đang thiếu sự chủ động. Trong khi đó, hệ thống mạng lưới đường ống nước của Hà Nội có tuổi thọ hàng trăm năm, nhiều khu vực đường ống đã cũ, nhất là ở các khu vực ngõ nhỏ, khu đô thị cũ, nên áp lực nước bị yếu, người dân ở khu vực cuối mạng bị hạn chế trong việc tiếp cận nguồn nước.
Để khắc phục tình trạng này, về lâu dài cần cải tạo hệ thống mạng lưới truyền dẫn nước. Trong ngắn hạn, GS Nguyễn Việt Anh đề xuất: “Tôi nghĩ rằng, vào mùa cao điểm, thành phố nên có một Ban điều hành hoạt động cấp nước. Trong đó, có sự tham gia của các doanh nghiệp cấp nước, chính quyền thành phố lẫn cả người sử dụng. Điều này vừa đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp, vừa đảm bảo quyền lợi của người sử dụng và vừa có sự điều tiết của chính quyền. Như vậy, việc cấp nước an toàn được đảm bảo tiếp cận được cho tới khu vực khó khăn. Mô hình này đã có nhiều nước áp dụng”.
Hội đồng hay Ban điều hành này còn đóng vai trò đảm bảo bảo vệ nguồn nước và tiếp cận nguồn nước cho doanh nghiệp cấp nước, xây dựng và ban hành giá nước hợp lý, giám sát chất lượng dịch vụ cấp nước, điết tiết cấp nước liên vùng hay liên khu vực khi cần…
Nhiều đô thị đứng trước nguy cơ thiếu nước
Chuyên gia cho rằng, hiện nay một số đô thị khác cũng đứng trước nguy cơ thiếu nước như Đà Nẵng, TP.HCM … Do vậy, các đô thị cần chủ động lên những phương án, kịch bản để ứng phó với tình trạng thiếu nước tránh ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt của người dân. Đối với các doanh nghiệp sản xuất nước, ngành điện cũng cần có sự ưu tiên, tránh tình trạng cắt nước có thể khiến một bộ phận người dân rơi vào tình trạng vừa mất điện, vừa mất nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt hàng ngày.
Để thu hút nhà đầu tư lĩnh vực cung cấp nước sạch, thành phố Hà Nội cần có những chính sách như ưu đãi về đất như miễn tiền sử dụng đất. Bên cạnh đó, giá nước được tính đúng, tính đủ các chi phí và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư, khách hàng và nhà nước…, có như vậy mới thu hút được các doanh nghiệp tham gia cấp nước sạch, giải bài toán thiếu nước
TS. Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu về biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) cho rằng, nhu cầu sử dụng nước dân dụng và công nghiệp ngày càng cao. Do nhu cầu gia tăng sản xuất và nâng cao chất lượng cuộc sống, nhu cầu nước trên toàn quốc gia tăng nhanh chóng. Nếu năm 1990, nhu cầu nước cho dân dụng và công nghiệp ở Việt Nam chỉ khoảng 50 tỷ m3/năm thì đến năm 2000, số liệu này là 65 tỷ m3/năm, năm 2010 đã nhảy lên 72 tỷ m3/năm.
Theo TS.Lê Anh Tuấn, điều quan trọng nhất trong chiến lược bảo vệ tài nguyên nước nói chung và lưu vực sông nói riêng là phải có sự tham gia của cộng đồng như là những chủ nhân đích thực của nguồn tài nguyên quý giá này. Mặc dù Luật Tài nguyên nước và các văn bản pháp lý khác có khẳng định vai trò của Ủy ban Lưu vực sông. Tuy nhiên, sự tham gia của các thành phần khác nhau, cơ chế cho người dân giám sát và sử dụng tài nguyên nước vẫn chưa rõ ràng. Các hành vi làm tổn hại nguồn nước cần phải được tiếp tục bị chế tài bằng công cụ luật pháp và tòa án. Việc khôi phục, trồng và bảo vệ nguồn rừng đầu nguồn và hai bên bờ sông cần phải đẩy mạnh và quản lý chặt chẽ hơn. Vấn đề đổi mới cơ chế quản lý tài nguyên nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu có nhiều mối quan hệ tương quan khá phức tạp.
Đề xuất hoạt động chính cho việc quản lý nguồn nước ở Việt Nam, TS.Lê Anh Tuấn cho rằng, các cấp từ Trung ương đến địa phương cần tiếp tục thúc đẩy việc xây dựng giải pháp quản lý tài nguyên nước thông qua việc đổi mới theo hướng tổng hợp ết nối với với kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu qua việc đầu tư kinh phí, hợp tác với các nhà khoa học, chuyên gia kỹ thuật, các tổ chức chính phủ quốc tế, các tổ chức phi chính phủ để cùng nhau chung tay xây dựng và triến khai các hoạt động cụ thể.
Trong đó, cần có quy định các tiêu chuẩn của phát triển xanh, điều này không phải đơn thuần chỉ là một khẩu hiệu mà phải có những hoạt động và hành động thiết thực, trong đó phải có những giải pháp khoa học trong quản lý tổng hợp lưu vực sông với sự tham gia của cộng đồng người và các tổ chức xã hội dân sự. Đây phải là một chủ trương nhất quán và mục tiêu tổng quát trong mọi kế hoạch chiến lược, quy hoạch phát triển các dự án tăng trưởng kinh tế – xã hội. Bảo vệ sự trong lành của các dòng sông không chỉ là nhiệm vụ của chính mỗi người dân mà còn là trách nhiệm công dân cho thế hệ tương lai của đất nước.
Tô Hội – Báo SK&ĐS
Theo Sức khỏe & Đời sống
Ảnh: Tình trạng thiếu nước sạch ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân Khu đô thị Thanh Hà (Hà Nội).
Xem bài viết gốc tại đây:
https://suckhoedoisong.vn/vi-sao-ha-noi-thieu-nuoc-sach-169231020115445998.htm