Theo cơ quan điều tra, lãnh đạo Vinafood 2 cùng đại gia Đinh Trường Chinh dùng chiêu thành lập công ty liên doanh. Vinafood 2 góp vốn bằng toàn bộ giá trị tài sản trên đất nhưng nhanh chóng thoái vốn để đất vàng công sản rơi vào tay tư nhân.
Việc sai phạm xảy ra tại Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) liên quan đến khu đất vàng công sản tại số 33 Nguyễn Du và số 34 – 36 – 42 đường Chu Mạnh Trinh (phường Bến Nghé, quận 1), đã bị phát hiện từ lâu, VietNamNet từng có nhiều bài phản ánh, đến nay cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can để mở rộng điều tra.
Bán rẻ đất công cho liên doanh ‘sân sau’
Mới đây, Cơ quan An ninh điều tra – Công an TP.HCM đã khởi tố ông Đinh Trường Chinh (49 tuổi, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thương mại – Quảng cáo – Xây dựng – Địa ốc Việt Hân) và ông Huỳnh Thế Năng (64 tuổi, nguyên Tổng Giám đốc Vinafood 2) liên quan đến sai phạm xảy ra tại khu đất vàng nói trên, gây thất thoát đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước. Vậy ông Đinh Trương Chinh có vai trò gì trong vụ án này?.
Ông Đinh Trường Chinh là được biết đến là đại gia bất động sản. Năm 2006, ông Đinh Trường Chinh thành lập công ty Việt Hân, trụ sở tại TP.Hà Nội, là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc. Việt Hân dưới thời ông Đinh Trường Chinh (từ năm 2006 đến tháng 10/2016) đã triển khai hàng loạt dự án bất động sản từ Bắc chí Nam.
Trước khi thôi vai trò lãnh đạo của Việt Hân, ông Đinh Trường Chinh đã tham gia và trở thành Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển và Kinh doanh nhà TP.HCM (HDTC) khi công ty này vừa cổ phần hóa vào cuối năm 2015. Tính đến 31/12/2022, ông Chinh nắm giữ 26,45% cổ phần trong HDTC – doanh nghiệp đang triển khai nhiều dự án bất động sản lớn, nhà ở xã hội ở TP.HCM.
Trước diễn biến ông Đinh Trường Chinh bị khởi tố liên quan đến vụ Vinafood 2, phía HDTC mới đây ra thông cáo xác nhận, ông Đinh Trường Chinh hiện sở hữu 30% vốn điều lệ, là 1 trong những cổ đông của công ty.
Theo HĐTC, ngày 27/10, Hội đồng quản trị, ban kiểm soát, ban điều hành công ty đã họp để chuẩn bị về mặt nhân sự, bộ máy hoạt động, triển khai công việc…. và khẳng định, việc ông Đinh Trường Chinh bị khởi tố sẽ không ảnh hưởng đến bất kỳ định hướng phát triển dài hạn và hoạt động bình thường của công ty trong thời gian sắp tới.
Trở lại vụ “hô biến” đất vàng, theo hồ sơ, khu đất số 33 Nguyễn Du và số 34 – 36 – 42 đường Chu Mạnh Trinh (phường Bến Nghé, quận 1) có tổng diện tích 6.274.5m2, là tài sản Nhà nước, được giao Vinafood 2 quản lý, sử dụng từ sau năm 1975 đến nay. Vinafood 2 dùng khu đất để bố trí làm nhà ở của cán bộ, nhân viên.
Khu đất được UBND TP.HCM cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho Vinafood 2 vào năm 2010.
Khu đất nằm tại vị trí đắc địa ở trung tâm quận 1, TP.HCM. Ảnh: Chí Hùng
Tuy nhiên, từ năm 2008, khu đất vàng được phê duyệt chủ trương làm dự án khách sạn cao cấp – cao ốc văn phòng và trung tâm thương mại cho thuê. Thời điểm đó, giá trị quyền sử dụng đất và giá trị công trình xây dựng trên đất, được một số cơ quan quản lý Nhà nước tính, làm căn cứ nộp tiền chuyển quyền sử dụng đất, là hơn 633 tỷ đồng.
Đến năm 2015, Vinafood 2 họp hội đồng thành viên, ban hành nghị quyết thống nhất chủ trương liên kết với với Công ty TNHH Thương mại – Quảng cáo – Xây dựng – Địa ốc Việt Hân do ông Đinh Trường Chinh làm Giám đốc, đại diện pháp luật.
Hai bên thỏa thuận thành lập công ty TNHH hai thành viên thực hiện dự án, là Công ty Việt Hân Sài Gòn, với vốn điều lệ 800 tỷ đồng. Trong đó, Vinafood 2 góp 20% bằng toàn bộ giá trị tài sản trên đất và một phần giá trị quyền sử dụng khu đất; Công ty Việt Hân góp 80% bằng tiền mặt.
Ông Đinh Trường Chinh. Ảnh: CA
Ông Huỳnh Thế Năng – nguyên Tổng Giám đốc Vinafood 2. Ảnh: CA
Đáng nói, có ít nhất 2 đơn vị đề nghị tham gia vào dự án, nhưng Vinafood không tổ chức đấu thầu mà chỉ định công ty của đại gia Đinh Trường Chinh.
Ngoài ra, năm 2015 nhưng giá trị khu đất vẫn được tính với giá hơn 633 tỷ đồng như thời điểm năm 2008.
Trong nghị quyết và nhiều văn bản mà Vinafood 2 báo cáo, giải trình tới Bộ NN&PTNN, UBND TP.HCM cũng như các cơ quan quản lý khác, thì Vinafood 2 sẽ thoái 20% vốn góp trong Công ty TNHH hai thành viên sau khi được phê duyệt dự án và phía liên doanh này cam kết mua lại, không thấp hơn giá vốn ban đầu khi góp vốn.
Như vậy, Vinafood 2 đã có kế hoạch thoái vốn từ trước khi có thỏa thuận hợp tác và tháng 12/2015 việc thoái vốn này đã diễn ra nhanh gọn. Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra, đây là chiêu trò bán rẻ đất vàng Nhà nước cho tư nhân, bằng cách xin chủ trương, dự án khai thác đất công, sau đó mang góp vốn, hợp tác với đối tác bên ngoài và màn cuối cùng là thoái vốn.
“Ve sầu” không thể… thoát xác
Ngoài việc bán rẻ đất công cho tư nhân như trên, Vinafood 2 còn gây thiệt hại nghiêm trọng khác cho Nhà nước.
Cụ thể, trong nghị quyết của hội đồng thành viên Vinafood 2 và các văn bản báo cáo có nêu, chi phí đền bủ giải tỏa, di dời 34 hộ dân đang sống tại khu đất do Công ty TNHH hai thành viên chi trả. Nhưng tháng 10/2015, Vinafood 2 ban hành nghị quyết có sự hoán đổi kỳ lạ, khi khoản chi phí đền bù, giải tỏa 68 tỷ đồng lại lấy từ tài sản Cục Quản lý công sản – Bộ Tài chính.
Sau khi Vinafood 2 thoái vốn, lô đất đã thay đổi chóng mặt về chủ sở hữu. Ảnh: Chí Hùng
Điều đáng nói, sau khi Vinafood 2 thoái vốn, khu đất vàng trên thay đổi chủ sở hữu… chóng mặt.
Cụ thể, vài tháng sau khi Vinafood 2 rút khỏi liên doanh, khu đất vàng trên được quảng cáo là dự án tổ hợp khách sạn – văn phòng, căn hộ cao cấp Goldmark Premium.
Trong nội bộ Công ty Việt Hân lúc này xuất hiện nữ doanh nhân 9X nắm 99% cổ phần. Một tháng sau đó, với với sự chuyển dịch cổ phần của nữ doanh nhân 9X, Công ty CP bất động sản Mùa Đông – VID trụ sở ở Hà Nội, đã sở hữu 99% cổ phần trong Việt Hân Sài Gòn.
Các hộ dân sống trong khu đất vàng. Ảnh: Chí Hùng
Đầu năm 2017, khu “đất vàng” trên tiếp tục đổi chủ khi xuất hiện 2 doanh nghiệp mới nắm 100% cổ phần là Công ty CP đầu tư BOB và Công ty CP Saigon Demensions (có cùng trụ sở tại 1 tòa nhà ở Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, quận 1). Đáng nói, 2 công ty mới chi phối dự án, đều có vai trò lãnh đạo của nữ doanh nhân 9X trên.
Sau đó, có thông tin khu đất vàng lại rơi vào 1 tập đoàn bất động sản lớn.
Từ khiếu nại của các hộ dân, vốn là cán bộ nhân viên Vinafood 2, Thanh tra Chính phủ vào cuộc, phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng. Sau đó, vụ việc được chuyển cho Bộ Công an, Công an TP.HCM để điều tra, xử lý.
Giữa năm 2022, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi ký quyết định thu hồi 6.274,5m2 của khu đất vàng, giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất quản lý. Lý do thu hồi là khu đất này không được chuyển nhượng, tặng cho theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 nhưng trên thực tế vẫn nhận chuyển nhượng, tặng cho.
Đàm Đệ – Báo VietnamNet
Theo VietnamNet
Xem bài viết gốc tại đây: