Vì sao cơ sở ô nhiễm chậm di dời khỏi nội đô?

Để tiến hành việc sắp xếp, di dời cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch ra khỏi khu dân cư, UBND TP Hà Nội đã thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo công tác di dời. Tuy nhiên tiến độ di dời vẫn chậm.

Ông Mai Trọng Thái – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Hà Nội cho biết triển khai chỉ đạo của thành phố, Sở đã phối hợp cùng Sở Quy hoạch – Kiến trúc và các quận rà soát, cập nhật hồ sơ (đợt 1 các cơ sở nhà đất do doanh nghiệp (DN) đang sử dụng để sản xuất) phải di dời do không phù hợp với quy hoạch xây dựng là 90 cơ sở.

Trong số đó, 81 cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị ra khỏi khu vực nội thành theo thẩm quyền phê duyệt danh mục của Thủ tướng Chính phủ. 9 cơ sở nhà, đất thuộc DN nhà nước đã được HĐND TP Hà Nội ban hành Nghị quyết số 17 ngày 8/7/2022. Đối với 5 huyện có đề án thành lập quận, Sở TNMT đã tổng hợp danh mục 114 cơ sở nhà, đất có cơ sở công nghiệp đề xuất đưa vào danh mục di dời.

Tuy nhiên, việc di dời vẫn gặp khó khăn, dẫn đến chậm trễ.

Vì thế, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện cùng với yêu cầu đảm bảo thủ tục pháp lý chặt chẽ, tránh khiếu nại của các DN, Sở TNMT Hà Nội kiến nghị thành phố cho phép chủ trì cùng các sở, ngành, UBND 12 quận và 5 huyện có đề án thành lập quận (Gia Lâm, Đông Anh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì) lập danh mục cơ sở nhà, đất của các DN phải di dời. Đồng thời đề xuất thành phố giao Sở Tài chính chủ trì, lập phương án xử lý, hình thức xử lý nhà, đất tại vị trí cũ khi di dời.

Qua khảo sát mới đây của Ban Đô thị (HĐND TP Hà Nội), cũng đã làm rõ thêm những nội dung về cơ chế quản lý với các cơ sở vẫn đang hoạt động để đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường; việc di dời các cơ sở nằm trong diện quy hoạch trường học…

Trước những kiến nghị của các đơn vị, Trưởng ban Đô thị Đàm Văn Huân đề nghị Sở TNMT sớm ban hành quyết định danh mục cơ sở di dời, kiện toàn Ban Chỉ đạo, tiếp tục đề xuất các giai đoạn tiếp theo; đồng thời yêu cầu 12 quận khẩn trương rà soát, xác định tính pháp lý của các cơ sở thuộc diện phải di dời. 114 cơ sở của 5 huyện có đề án thành lập quận và 2 khu vực dự kiến phát triển lên thành phố sẽ thực hiện trong chu kỳ tiếp theo và cần phải làm sớm để hạn chế phát triển các cơ sở công nghiệp không phải ngành công nghiệp xanh, thông minh. Trên cơ sở đó, Sở TNMT Hà Nội sớm báo cáo để thành phố có lộ trình dài hạn.

Nhiều ý kiến cho rằng, với nhiệm vụ cấp thiết này, Hà Nội cần xây dựng hành lang pháp lý quy định rõ ràng việc DN phải di dời khi đã được bố trí quỹ đất. Đơn vị nào cố tình chây ỳ, không thực hiện di dời khi đã được bố trí cơ sở sản xuất mới, thành phố cần ban hành quyết định cưỡng chế bàn giao lại quỹ đất.

PV – Báo Đại Đoàn Kết

Theo Đại Đoàn Kết

Xem bài viết gốc tại đây:

http://daidoanket.vn/vi-sao-co-so-o-nhiem-cham-di-doi-khoi-noi-do-5717945.html