Vì sao chưa thể khai thác chợ cổ Cần Thơ?

Dù đề án đã có nhiều năm, nhưng đến nay vẫn chưa thể khai thác khu chợ cổ Cần Thơ, dẫn đến gây nhiều lãng phí…

Lãng phí cả bãi giữ xe, nhà vệ sinh

Bến Ninh Kiều, điểm du lịch nổi tiếng ở Cần Thơ có một khu vực gọi là chợ cổ Cần Thơ. Chợ này có bề dày lịch sử, khi xưa được gọi là “chợ Lục Tỉnh”, rồi “chợ Hàng Dương”; được xây dựng cùng thời với những ngôi chợ lớn ở Sài Gòn. Hiện nơi này được xếp hạng Di tích Lịch sử cấp TP.

Thời gian qua, hoạt động tại chợ cổ còn tồn tại nhiều bất cập. Việc sắp xếp bố trí các lô kinh doanh còn mang tính thương mại, chưa có hoạt động để thể hiện cũng như giữ gìn tính lịch sử văn hóa của chợ cổ.

Theo tìm hiểu của PV, trước đây, khu chợ cổ được TP Cần Thơ giao cho Công ty CP Thương nghiệp tổng hợp Cần Thơ (doanh nghiệp Nhà nước) quản lý khai thác.

Sau đó, Công ty này tiến hành cổ phần hóa; và UBND TP Cần Thơ đã cho thu hồi khu đất chợ cổ với diện tích hơn 1.600m2, giao lại cho UBND phường Tân An, quận Ninh Kiều quản lý.

Trên cơ sở đó, tháng 6/2021, UBND phường Tân An đã ra “Đề án bảo tồn cải tạo giá trị văn hóa lịch sử tại chợ cổ Cần Thơ”.

Mục tiêu của đề án giống như tên gọi, nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị di tích văn hóa lịch sử gắn liền các hoạt động văn hóa văn nghệ, trưng bày các sản phẩm lưu niệm, sản phẩm đặc trưng miền sông nước tại chợ cổ.

Theo đó, từng bước đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, hoàn thiện không gian, kiến trúc đáp ứng nhu cầu khách địa phương và du khách ngoài tỉnh. Phấn đấu trở thành điểm nhấn du lịch của địa phương, của quận và của TP. Và sau cùng là tạo thêm việc làm và tặng thu nhập người lao động địa phương.

Các hạng mục của đề án bao gồm: kiểm tra, cải tạo hệ thống cây xanh, hệ thống đèn chiếu sáng. Chỉnh trang, sắp xếp việc kinh doanh các lô ki ốt mang tính văn hóa – lịch sử: quà lưu niệm, đặc sản đặc trưng địa phương, viết thư pháp.

Đồng thời cải tạo khu nhà vệ sinh, bãi giữ xe phục vụ khách tham quan. Tổ chức các hoạt động văn hóa – văn nghệ…

Tuy nhiên đến nay, đề án này vẫn chưa thể thực hiện. Các hoạt động mua bán kinh doanh tại chợ cổ vẫn diễn ra như lúc trước.

Đặc biệt theo ghi nhận của PV, cạnh bên chợ cổ có một khu đất (cặp phà Xóm Chài), và một nhà vệ sinh. Khu đất này trước đây được khai thác làm bãi giữ xe. Do đề án chưa thể triển khai nên bãi xe này cũng không thể hoạt động, phải bỏ trống. Còn nhà vệ sinh cũng tương tự.

Hiện nay, mỗi tuần, bãi xe này và nhà vệ sinh chỉ doạt động đúng vào chiều tối thứ Bảy để phục vụ cho phố đi bộ Ninh Kiều. Những ngày còn lại để bỏ trống, dẫn đến gây lãng phí.

Bãi giữ xe ở phà Xóm Chài bỏ trống, gây lãng phí.

Bãi giữ xe ở phà Xóm Chài bỏ trống, gây lãng phí.

Anh Huỳnh Minh Tuấn (quận Ninh Kiều) cho biết: “Tui thường xuốn bến Ninh Kiều chơi, và gửi xe tại phà Xóm Chài. Vị trí gửi xe này rất thuận tiện vì ngay điểm đầu công viên Ninh Kiều. Từ đây có thể đi bộ một dọc tham quan hết công viên. Nếu để bãi xe trống như thế này sẽ rất lãng phí”.

Vướng chỗ nào?

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, xác nhận khu vực chợ cổ trước đây được giao cho doanh nghiệp Nhà nước là Công ty cổ phần Thương nghiệp tổng hợp Cần Thơ quản lý. Sau đó thì bàn giao về cho quận khai thác quản lý.

Việc khai thác quản lý có hai mặt. Thứ nhất là khai thác về mặt văn hóa, nhằm duy tu, bảo tồn văn hóa lịch sử của khu chợ. Và lĩnh vực này đã được thực hiện tốt.

Tuy nhiên còn mặt thứ hai là khai thác về kinh tế thì đang gặp vướng mắc. Đây thực tế là khu nhà lồng chợ.

Hoạt động tại phố đi bộ bến Ninh Kiều vào tối thứ Bảy hàng tuần.

Hoạt động tại phố đi bộ bến Ninh Kiều vào tối thứ Bảy hàng tuần.

Trước đây khi doanh nghiệp Nhà nước quản lý, có hợp đồng với các tiểu thương. Sau đó, doanh nghiệp đã cổ phần hóa, và khu nhà lồng chợ đã thuộc quyền quản lý của Nhà nước.

Hiện giờ phải rà soát lại xem các lô sạp trước đây do tiểu thương tự đầu tư hay do Nhà nước đầu tư. Khi đơn vị mới vào khai thác thì quyền lợi của họ sẽ như thế nào?.

Bên cạnh đó, quận chỉ lên phương án, kế hoạch tổ chức đấu giá khai thác khu chợ, còn đơn giá thì phải chờ TP cho thông qua. Dẫn đến đề án khai thác chậm, chưa hiệu quả.

Một nguyên nhân khác, theo ông Ánh là có sự chồng chéo giữa đề án khai thác chợ cổ và đề án khai thác phố đi bộ. Hiện nay, nguồn thu tại chợ cổ phải bù cho nguồn chi vận hành phố đi bộ.

Ông Ánh cũng thừa nhận, việc đề án triển khai chậm đã dẫn đến nhiều lãng phí. Đơn cử như bãi giữ xe và nhà vệ sinh đã không thể hoạt động thường xuyên phục vụ người dân và du khách.

“Nếu làm chậm thì gây lãng phí. Nhưng các quy trình thủ tục thì không thể không tuân thủ. Phải thuê đơn vị tư vấn thẩm định giá, rồi thông qua hội đồng giá, rồi làm các thủ tục mời thầu, tổ chức đầu, rất mất thời gian”, ông Ánh nói.

Trần Lưu – Báo Giao Thông

Theo Giao Thông

Ảnh: Khu chợ cổ Cần Thơ.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://www.baogiaothong.vn/vi-sao-chua-the-khai-thac-cho-co-can-tho-d578556.html