Vi phạm pháp luật về đê điều ngày càng tăng

‘Cả nước có hơn 7.200km đê cấp III, trong đó có 230 điểm xung yếu, có nguy cơ uy hiếp an toàn đê điều bất cứ lúc nào. Ngoài ra có 2 nguy cơ đáng lo, đó là các vi phạm pháp luật về đê điều ngày càng tăng; hiện còn khoảng 7.100 vụ vi phạm về đê điều chưa được xử lý; hệ thống đê điều thường xuyên được tu bổ tuy nhiên lâu không có lũ lớn nên một số địa phương chủ quan, đồng thời hệ thống đê điều chưa được thử sức chịu đựng’ – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, hệ thống đê cấp III đang có nhiều nguy cơ uy hiếp an toàn đê điều bất cứ lúc nào. Ảnh: Bích Nguyên

Ngày 26-6, tại Hà Nội, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì Hội nghị trực tuyến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt năm 2020. Hội nghị có sự tham dự của 169 đồng chí Phó chủ tịch cấp huyện với 21 điểm cầu. Tại đầu cầu Trung ương có sự tham dự của Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài, Phó trưởng ban Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai cùng đại diện một số Bộ ngành, đơn vị liên quan.

Ông Vũ Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết, hiện nay, trên hệ thống đê từ cấp III đến cấp đặc biệt còn tồn tại 230 trọng điểm xung yếu; 399km đê còn thiếu cao trình; 683km đê mặt cắt nhỏ hẹp; 459 cống cũ, hư hỏng; 158km kè hư hỏng, xung yếu.

Nếu các trận mưa cực đoan như trận mưa lớn năm 2008 gây lụt tại thủ đô Hà Nội, mưa lũ lịch sử năm 2015 tại khu vực Đông Bắc, năm 2017 tại miền Trung,… xảy ra ở phía thượng lưu của lưu vực sông Hồng, sông Thái Bình khi các hồ chứa có nhiệm vụ cắt lũ ở thượng nguồn đã sử dụng hết dung tích phòng lũ cho hạ du, thì khả năng xảy ra lũ lớn, lũ vượt tần suất thiết kế trên hệ thống sông là rất cao, uy hiếp an toàn đê điều.

Trong khi đó, tình hình vi phạm pháp luật về đê điều vẫn diễn biến hết sức phức tạp, việc ngăn chặn, xử lý còn hạn chế, đặc biệt là tình trạng lấn chiếm sử dụng trái phép bãi sông để xây nhà ở, nhà xưởng, công trình, xe quá tải trọng được phép đi trên đê làm hư hỏng mặt đê gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều, thoát lũ.

Tổng số vi phạm từ năm 2011 đến hết tháng 5-2020 là 10.678 vụ, giải tỏa, xử lý được 3.276 vụ, còn tồn đọng 7.402 vụ. Trong đó, 5 tháng đầu năm 2020 đã xảy ra 126 vụ, giải tỏa, xử lý được 55 vụ, còn tồn đọng 71 vụ.

Theo ông Thành, trong công tác hộ đê việc phát hiện và xử lý kịp thời ngay từ giờ đầu sự cố đê điều mang tính quyết định, tuy nhiên qua theo dõi những năm gần đây, việc tổ chức và thực hiện công tác tuần tra canh gác đê theo cấp báo động đang bị lơ là, xem nhẹ và thực hiện không đầy đủ. Bên cạnh đó, phương án bảo vệ trọng điểm, phương án hộ đê chưa sát thực tế, tình huống có thể xảy ra; lực lượng tham gia hộ đê lúng túng. Do hạn chế về biên chế nên nhiều địa phương không bố trí đủ cán bộ làm công tác chuyên trách quản lý đê theo quy định của Luật Đê điều nên thực hiện nhiệm vụ còn nhiều bất cập.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về trách nhiệm, quyền hạn của Chủ tịch UBND cấp huyện, lãnh đạo cơ quan chuyên môn cấp huyện trong công tác quản lý, bảo vệ đê điều; xây dựng, chuẩn bị phương án hộ đê; tổ chức tuần tra canh gác, hộ đê, xử lý sự cố đê điều; chia sẻ bài học thực hiện xã hội hóa trong phong trào “Xây dựng tuyến đê kiểu mẫu”, bài học kinh nghiệm về xây dựng lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã.

Hội nghị cũng rà soát công tác chuẩn bị, phương án đảm bảo an toàn đê điều trước mùa lũ bão năm 2020 đến cấp huyện, phương án ứng phó bão, áp thấp nhiệt đới tại các huyện ven biển.

Hội nghị cũng nêu những nhiệm vụ trọng tâm mà Chủ tịch UBND cấp huyện cần tập trung quan tâm, chỉ đạo. Cụ thể là chỉ đạo kiện toàn bộ máy Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện, phân công, phân nhiệm cho các thành viên, tuyên truyền, phổ biến pháp luật nâng cao nhận thức của người dân, kiểm tra, giám sát, kiểm soát an toàn các công trình phòng, chống thiên tai và cơ sở hạ tầng đảm bảo an toàn trước thiên tai. Nhất là đảm bảo an toàn cho 9.078km đê, hàng nghìn kè, cống; xử lý 7.402 vụ vi phạm pháp luật về đê điều còn tồn đọng và ngăn chặn tình trạng tái diễn, vi phạm mới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 7/10/2019; xây dựng các kịch bản, phương án, tổ chức huy động lực lượng kịp thời ứng phó, nhanh chóng khắc phục hậu quả đảm bảo sớm ổn định đời sống sản xuất và tái thiết sau thiên tai.

Tính đến ngày 23-6-2020, thiên tai đã làm 49 người chết, mất tích, trên 61.726 nhà bị sập đổ, hư hại, tốc mái; trên 108.458 ha lúa và hoa màu bị ảnh hưởng. Tổng thiệt hại về kinh tế gần 3.380 tỷ đồng (trong đó do dông lốc, mưa đá khoảng 879 tỷ đồng; do hạn hán, xâm nhập mặn khoảng 2.500 tỷ đồng).

Bích Nguyên – Báo Biên Phòng

Theo Biên Phòng

Ảnh: Mưa lũ lớn uy hiếp lớn tới các tuyến đê xuống cấp, chưa được tu bổ. Ảnh: Thanh Hải

Xem bài viết gốc tại đây:

https://www.bienphong.com.vn/vi-pham-phap-luat-ve-de-dieu-ngay-cang-tang-post430235.html