Văn bản tới tấp khiến doanh nghiệp ‘ngạt thở’

Là 1 trong 14 công ty bị bêu tên trong vụ 50 triệu kg rác biến mất tại Thái Nguyên, dường như Công ty Hòa Bình đang để lại ấn tượng xấu và nhận được “quan tâm” đặc biệt của Tổng cục Môi trường.

Ngày 31/8/2020 Tổng cục Môi trường ban hành văn bản số 2787/TCMT-QLCT do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thượng Hiền ký yêu cầu doanh nghiệp và đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang phối hợp chỉ đạo doanh nghiệp khẩn trương, nghiêm túc thực hiện các yêu cầu nêu tại văn bản này.

Cụ thể, Tổng cục Môi trường yêu cầu Công ty CP xử lý, tái chế chất thải công nghiệp Hòa Bình báo cáo giải trình nghiêm túc, trung thực, đầy đủ, chi tiết về nôi dung bị phản ánh về tình trạng mùi hóa chất nồng nặc, mùi dầu thải trên tuyến mương thuộc địa phận Tân Hưng, xã Tư Mại, Yên Dũng, Bắc Giang vì cho rằng đây là nước thải của nhà máy tái chế chất thải công nghiệp Hòa Bình.

Tiếp sau đó, chỉ 3 ngày sau, Tổng cục Môi trường lại tiếp tục ban hành văn bản số 2823/TCMT-MTMB ngày 03/9/2020 do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức ký, văn bản cho rằng “đã liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang và được biết Sở đã chỉ đạo UBND huyện Yên Dũng đầu mối thành lập tổ kiểm tra để xác định đối tượng đổ trộm chất thải”.

Tại văn bản này Tổng cục Môi trường lại đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang kiểm tra doanh nghiệp tiếp để làm rõ nguyên nhân và xác minh việc xả thải của Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp thuộc Công ty CP xử lý, tái chế chất thải công nghiệp Hòa Bình. Văn bản đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang phối hợp chỉ đạo.

Hai văn bản của 2 vị Phó Tổng cục Môi trường được đưa ra cách nhau 3 ngày, với cùng một sự việc nhưng nội dung lại khác nhau, phải chăng đây là sự chồng chéo trong công việc?

Các văn bản nêu trên thể hiện quyết tâm của Tổng cục Môi trường trong việc xử lý quyết liệt các vấn đề môi trường phát sinh gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng, mặc dù UBND huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang đang có tổ công tác thực hiện kiểm tra theo chỉ đạo của tỉnh Bắc Giang nhưng Tổng cục Môi trường vẫn kiên quyết chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang phải vào cuộc chủ trì “kiểm tra, xác minh cả việc xả thải của Nhà máy tái chế, xử lý chất thải công nghiệp Hòa Bình”.

Ngoài ra, Tổng cục còn yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang phải rà soát, phải đánh giá các tác động, ảnh hưởng của việc hoạt động sản xuất của nhà máy thuộc công ty này.

Tuy nhiên, qua trao đổi với luật sư cho biết chức năng, nhiệm vụ “đánh giá các tác động, ảnh hưởng của việc hoạt động sản xuất thuộc Công ty” theo pháp luật về bảo vệ môi trường hiện hành thì việc này không phải là chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường ở địa phương, nó thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp và chức năng, nhiệm vụ thẩm định của Bộ Tài nguyên và Môi trường mà cơ quan chủ trì tham mưu thực hiện việc này chính là Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Cần nói rõ, công ty CP xử lý, tái chế chất thải công nghiệp Hòa Bình đã được Bộ Tài nguyên và môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đã đi vào hoạt động nên yêu cầu số 2 của Tổng cục Môi trường nêu tại văn bản số 2823/TCMT-MTMB ngày 03/9/2020 đang có dấu hiệu trái với quy định của pháp luật hiện hành.

Là 1 trong 14 công ty bị bêu tên trong vụ 50 triệu kg rác biến mất tại Thái Nguyên, dường như Công ty Hòa Bình đang để lại ấn tượng xấu và nhận được “quan tâm” đặc biệt của Tổng cục Môi trường, mọi thông tin liên quan đến Công ty Hòa Bình đều được chỉ đạo gắt gao. Mặc dù công ty này đã có văn bản giải trình cụ thể, nhưng không được nhìn nhận xác đáng từ các cơ quan hữu quan.

Chưa kể, phải nói đến trách nhiệm của Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường trong việc chỉ đạo, điều hành và phân công nhiệm vụ chồng chéo, dẫn đến các ông “phó” ban hành văn bản chỉ đạo vô tội vạ, khiến doanh nghiệp, cơ quan sở tại địa phương cũng rối như tơ vò để thực hiện hàng loạt chỉ đạo./.

Nhóm PV

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)