Với vắc-xin mRNA, các nhà khoa học đang muốn biến ung thư thành một bệnh như cúm, có thể phòng tái phát bằng những mũi tiêm nhắc lại hàng năm.
Một loại vắc-xin trong điều trị ung thư đại trực tràng đang được hãng dược phẩm Đức BioNTech phát triển sử dụng công nghệ mRNA, tương tự như công nghệ đã giúp loài người có được những liều vắc-xin COVID-19 đầu tiên. BioNTech muốn dạy các phân tử mRNA chống lại các tế bào ung thư thay vì virus. Họ sẽ tinh chỉnh những liều vắc-xin phù hợp với căn bệnh của người bệnh, vắc-xin sẽ chứa các đoạn mã nhận diện gen khối u ung thư của riêng mỗi bệnh nhân.
Tiến sĩ Uğur Sahin, giám đốc điều hành công ty cho biết ông đã thành lập BioNTech từ 13 năm trước với sứ mệnh tiên phong là phát triển các liệu pháp điều trị ung thư, trước khi đại dịch COVID-19 xảy đến.
Cho dù là một loại vắc-xin COVID-19 hay vắc-xin ung thư, ý tưởng đằng sau công nghệ mRNA là sử dụng vật liệu di truyền để huấn luyện hệ thống miễn dịch phát hiện và tấn công vào một loại protein cụ thể.
Đối với SARS-CoV-2, đó là protein gai trên bề mặt của virus. Đối với bệnh ung thư, nó có thể là một loại protein trên bề mặt của tế bào khối u. Một khi hệ thống miễn dịch học được cách nhận ra protein, nó có thể tạo ra các kháng thể hoặc tế bào T chống lại và tiêu diệt nó và bản thân các tế bào mang nó.
Theo các nhà nghiên cứu, với các phương pháp điều trị cơ bản hiện tại bao gồm phẫu thuật, xạ trị và hóa trị, khoảng 30% đến 40% bệnh nhân được chẩn ung thư đại trực tràng sẽ tái phát trong vòng 2-3 năm sau phẫu thuật. Và căn bệnh khi đó còn có thể di căn vì tế bào ung thư đã đi lạc sang các nội tạng còn lại trong cơ thể. Vắc-xin mRNA mà công ty sinh học Đức đang phát triển sử dụng các protein dành riêng cho khối u của con người để huấn luyện hệ thống miễn dịch nhận diện được tế bào ung thư. Sau đó, các tế bào T và tế bào miễn dịch khác sẽ làm nhiệm vụ tiêu diệt toàn bộ những tế bào nguy hiểm đó.
Tiến sĩ Scott Kopetz, một giáo sư về ung thư đường tiêu hóa tại Trung tâm Ung thư MD Anderson, Đại học Texas, cho biết: “Thay vì sử dụng hóa trị liệu truyền thống, vắc-xin đang cố gắng kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể tự chống lại bệnh ung thư”.
Nhóm nghiên cứu hiện vẫn đang tuyển thêm tình nguyện viên. Để đăng ký tham gia, bệnh nhân chỉ cần thực hiện một xét nghiệm được gọi là sinh thiết lỏng. Tiến sĩ Liane Preußner, phó chủ tịch nghiên cứu lâm sàng của BioNTech cho biết sinh thiết lỏng cho phép xác định các đoạn DNA ung thư cực nhỏ trong máu, kể cả sau khi bệnh nhân đã trải qua phẫu thuật hoặc hóa trị.
Trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn II, Rodriguez và các bệnh nhân đăng ký tham gia sẽ được tiêm 6 liều vắc-xin mRNA tất cả, mỗi liều cách nhau 1 tuần để tăng cường hiệu ứng miễn dịch.
Sau đó, họ sẽ được theo dõi trong vòng 4 năm. Kết quả tuyệt vời nhất là căn bệnh sẽ không quay trở lại. Nhưng sau đó, bệnh nhân vẫn sẽ phải tiêm các mũi vắc-xin nhắc lại. Về cơ bản, các nhà khoa học đang muốn biến ung thư thành một bệnh như cúm, có thể phòng tái phát bằng những đợt tiêm ngừa hàng năm.
Điều tuyệt vời hơn là khả năng ứng dụng của các mũi tiêm mRNA không chỉ bị giới hạn cho bệnh ung thư đại trực tràng. Nó cũng có thể dùng để ngăn ngừa nhiều bệnh ung thư tái phát khác. Genentech, một công ty đối tác của BioNTech cũng đang thúc đẩy một thử nghiệm vắc-xin mRNA giai đoạn II nhắm đến bệnh nhân ung thư da.
Tùng Anh
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: BioNTech đã đưa 11 vắc-xin mRNA chữa ung thư tiến tới thử nghiệm trên người