Ủy ban cấp tỉnh quyết định việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt

Luật Bảo vệ môi trường giao trách nhiệm cho ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt; thời điểm chậm nhất là ngày 31/12/2024.

Nếu phát sinh nhiều chất thải và không phân loại sẽ phải trả nhiều tiền hơn. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Nếu phát sinh nhiều chất thải và không phân loại sẽ phải trả nhiều tiền hơn. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Liên quan đến thắc mắc của người dân về phân loại rác thải sinh hoạt để thu tiền xử lý rác theo khối lượng hoặc thể tích rác thải theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, đại diện Tổng cục Môi trường cho biết việc này sẽ được áp dụng khi ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể và quyết định thời điểm thực hiện.

Theo đại diện Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), việc thu phí xử lý rác thải hiện nay tại các địa phương hầu hết được thực hiện thu bình quân theo hộ gia đình, một số địa phương thu theo số nhân khẩu của hộ gia đình mà chưa thu theo thực tế khối lượng chất thải phát sinh hoặc các loại chất thải phát sinh.

“Thực tế trên dẫn đến không thúc đẩy được các hoạt động giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải cũng như chưa tận dụng được tối đa giá trị của chất thải để phục vụ trở lại cho nền kinh tế,” đại diện Tổng cục Môi trường nhấn mạnh.

Để khắc phục vấn đề còn khó khăn, bất cập trên, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý phải được thu thông qua khối lượng hoặc thể tích chất thải.

Điều này có nghĩa là nếu người dân để phát sinh nhiều chất thải và không phân loại thì sẽ đồng nghĩa với việc phải trả nhiều tiền hơn; từ đó sẽ khuyến khích tổ chức, cá nhân giảm thiểu, phân loại, tái sử dụng, tái chế chất thải, hạn chế lượng chất thải phải thải ra môi trường đồng thời thực hiện được nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền.”

Theo đó, rác thải sinh hoạt phải phân làm 3 loại, bao gồm: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. Riêng chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý.

Mặt khác, để hướng dẫn quy định trên, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/1/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, trong đó có quy định về thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng hoặc thể tích chất thải.

Theo đó, một trong những hình thức sẽ áp dụng là thu theo bao bì đựng chất thải, trong đó giá bán bao bì bao gồm giá thành sản xuất bao bì và giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; mỗi loại bao bì đựng chất thải rắn sinh hoạt có thể tích khác nhau tương ứng với mức giá bán khác nhau. Thông tư số 02 cũng đưa ra quy định các địa phương có thể lựa chọn các hình thức khác để thực hiện cơ chế này.

Về thời điểm áp dụng chính sách, tại khoản 6 và khoản 7 Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã giao trách nhiệm cho ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt; quy định hình thức và mức kinh phí chất thải rắn sinh hoạt mà tổ chức, cá nhân phải chi trả sau khi được phân loại với thời điểm thực hiện chậm nhất là ngày 31/12/2024 (là 3 năm kể từ ngày luật có hiệu lực).

“Như vậy, luật không quy định cứng là phải áp dụng ngay từ ngày luật có hiệu lực thi hành. Do đó, việc phân loại rác thải sinh hoạt để tính phí xử lý theo loại, khối lượng hoặc thể tích; cũng như việc xử phạt hành vi không phân loại rác thải sinh hoạt sẽ được áp dụng khi ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể và quyết định thời điểm thực hiện chính sách này,” đại diện Tổng cục môi trường lưu ý.

Bên cạnh đó, Khoản 2 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng giao ủy ban nhân dân cấp tỉnh có chính sách khuyến khích việc phân loại riêng chất thải nguy hại trong chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân.

Ngoài ra, để hỗ trợ việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại chung cư, khoản 3 Điều 77 của Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng quy định chủ dự án đầu tư, chủ sở hữu, ban quản lý khu đô thị mới, chung cư cao tầng phải bố trí thiết bị, công trình lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với các loại chất thải theo quy định.

Hùng Võ (Vietnam+)

Theo VietnamPlus

Ảnh: Ảnh minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Xem bài viết gốc tại đây:

https://www.vietnamplus.vn/uy-ban-cap-tinh-quyet-dinh-viec-phan-loai-chat-thai-ran-sinh-hoat/827851.vnp