Theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế, tổng số ca được điều trị khỏi COVID-19 tại Việt Nam là 992.052 người. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.497 trường hợp. Tổng số ca tử vong là 25.448 ca, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm.
Trở lại bình thường mới, thích ứng linh hoạt, chung sống an toàn với dịch COVID-19, Việt Nam xác định số ca mắc mới sẽ tăng khi các hoạt động được nới lỏng và mở cửa. Bộ Y tế cũng xác định cùng với vaccine và thuốc điều trị, ý thức chống dịch của người dân là những yếu tố quyết định để kiểm soát tốt dịch bệnh. Đặc biệt, giảm tỷ lệ người bệnh diễn tiến nặng và bệnh nhân tử vong.
Qua 4 đợt chống dịch, các chuyên gia khẳng định, việc kiểm soát sớm người bệnh từ những tầng điều trị ban đầu có ý nghĩa quan trọng để xử trí sớm, giảm tử vong.
Trao đổi thẳng thắn về những hạn chế, bất cập trong công tác điều trị bệnh nhân COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị các địa phương đánh giá lại tất cả các khâu, trong đó thực hiện ngay phân loại bệnh nhân; quản lý điều trị F0 tại nhà chắc chắn; rà soát năng lực hồi sức tích cực, đảm bảo hệ thống oxy y tế…
Qua phân tích của các chuyên gia và khảo sát các địa phương, Bộ Y tế nêu một số nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ bệnh nhân nặng, tử vong còn cao tại Việt Nam. Cụ thể, trong thời gian đầu của đợt dịch thứ tư, số ca mắc mới tăng nhanh, đột ngột gây quá tải hệ thống bệnh viện. Đặc biệt, sự xuất hiện của biến chủng Delta, có tốc độ lây lan nhanh, tỷ lệ nhập viện, tăng nặng cao hơn biến chủng trước đó.
Với việc quản lý F0 tại nhà, một số trường hợp tự phát hiện nhưng không báo cơ sở y tế hoặc báo cáo nhưng chưa được can thiệp kịp thời; phân loại nguy cơ chưa sát theo hướng dẫn. Một số trường hợp sử dụng thuốc tại nhà chưa theo hướng dẫn của Bộ Y tế như dùng thuốc chống đông, chống viêm quá sớm.
Đến nay, nhân lực ở tầng điều trị thứ 2, thứ 3 của nhiều địa phương gặp khó khăn do các lực lượng hỗ trợ đã rút về. Địa phương vẫn lúng túng trong điều phối chuyển viện, chuyển tầng, không theo sát nguy cơ và gây quá tải hệ thống bệnh viện. Việc quản lý phân loại nguy cơ F0 tại cơ sở cách ly tập trung còn chưa được phát hiện kịp thời, dẫn đến các ca chuyển nặng. Năng lực hồi sức ở các bệnh viện tuyến tỉnh còn hạn chế, cần thời gian để nâng cao năng lực, trong khi đó, còn bỏ sót xử trí bệnh nền; chưa chú trọng đúng mức chẩn đoán điều trị bội nhiễm.
Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đề xuất tiếp tục cập nhật hướng dẫn điều trị, nâng độ tuổi nguy cơ cao trên 50 tuổi (tỷ lệ tử vong 84%), điều chỉnh phân tầng hợp lý. Các sở y tế tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý F0 tại cộng đồng; tăng cường đội y tế lưu động; hỗ trợ nhân lực cho các địa phương có số ca nặng cao; giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên y tế và giảm nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện, giảm tử vong…
So với tình hình cách đây 2 tháng (cao điểm đợt dịch thứ tư) số ca nặng và tử vong chiếm 70%. Tình hình dịch tại TP.HCM đã giảm, nhưng số ca nặng, tử vong lan ra các các tỉnh, đặc biệt các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo Bộ Y tế, một số bệnh viện Trung ương và 10 địa phương (TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang…) về công tác điều trị, giảm tử vong do COVID-19, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương Nguyễn Trung Cấp khẳng định, nhóm bệnh nhân được tiêm vaccine tỷ lệ chuyển nặng đã giảm “ngoạn mục”: “Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trong 3 tháng qua, có 64 ca tử vong, trong đó, 7 ca tiêm vaccine, với chỉ 1 người tiêm đủ 2 mũi. Việc kiểm soát sớm người bệnh từ những tầng điều trị ban đầu có ý nghĩa quan trọng để xử trí sớm, giảm tử vong”.
Ông Cấp cho rằng, các địa phương cần thiết lập nhóm điều phối, nắm tình hình dịch, giường bệnh, nhân lực, vật tư y tế… để khắc phục tình trạng thiếu hụt, quá tải cục bộ ở từng cơ sở y tế; bảo vệ an toàn tuyệt đối cho nhân viên y tế làm nhiệm vụ vận chuyển cấp cứu ca bệnh.
BS Phạm Văn Phúc, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 cho biết thêm, về mặt điều trị, ở giai đoạn này, đã có nhiều thuốc điều trị hơn, đặc biệt là thuốc kháng virus. Trong đó, thuốc dạng uống Monulpiravir và thuốc dạng tiêm truyền Remdesivir đều đã có ở Việt Nam. Ngoài ra còn có những thuốc ức chế thụ thể IL-6 Tocilizumab và kháng thể đơn dòng.
“Tất cả đều là thuốc mới và có hiệu quả trong điều trị COVID-19”, bác sĩ Phúc nói.
BS Phạm Văn Phúc, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Hiện tại, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 đang điều trị 484 bệnh nhân COVID-19, trong đó, bệnh nhân nặng, nguy kịch có 98 trường hợp, với 5 ca đang chạy ECMO.
Cũng theo bác sĩ Phúc, đối với bệnh tiêm vaccine và không tiêm vaccine, phác đồ điều trị không khác nhau. Nhưng những người đã tiêm vaccine bệnh sẽ nhẹ nhàng hơn: “Ở giai đoạn này, chúng ta xác định mở cửa để sống chung với dịch, nên số người mắc COVID-19 tăng, trong đó có cả người đã tiêm vaccine. Những người mới tiêm 1 mũi vaccine, người già, người có bệnh nền khi mắc COVID-19 vẫn có nguy cơ tiến triển nặng. Thời điểm hiện nay, Việt Nam có nhiều thuốc nên có nhiều lựa chọn điều trị khác nhau, việc tối ưu hóa điều trị tốt hơn. Tùy theo từng bệnh nhân, chúng tôi có lựa chọn điều trị phù hợp. Hiện những ca nặng đa phần là người già, người trên 80 tuổi, người có bệnh nền nặng”.
So với thế giới, tỷ lệ tử vong/mắc công bố của Việt Nam là 2,0% tương đương trung bình của thế giới. So với châu Á, Tổng số ca tử vong đứng thứ 9/49; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á. So sánh tuần này với tuần trước, số ca mắc mới tăng 36,1%, số ca tử vong tăng 40,2%. Số ca khỏi bệnh tăng 56,5%. Bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện tăng 20,9%; số ca nặng, nguy kịch tăng 19,9%. |
Thiên Bình/VOV.VN
Theo VOV.VN
Ảnh: Điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng.
Xem bài viết gốc tại đây: