UBND tỉnh Tuyên Quang đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp dừng khai thác cát sỏi bằng tàu cuốc trên sông Lô nhưng nhiều đơn vị không thực hiện.
Sông Lô đoạn chảy qua địa bàn tỉnh Tuyên Quang dài 145 km, chảy qua các huyện Hàm Yên, Yên Sơn, TP.Tuyên Quang và huyện Sơn Dương.
Nhiều năm nay, sông Lô nhức nhối bởi nạn khai thác cát sỏi trái phép. Không chỉ gây thất thoát lớn tài nguyên, tình trạng khai thác cát sỏi trái phép còn để lại hậu quả khôn lường, gây sạt lở nghiêm trọng và tàn phá đất canh tác ven bãi, hủy hoại môi trường, đe dọa trực tiếp đời sống người dân địa phương.
Để hạn chế tình trạng sạt lở bờ sông do khai thác cát sỏi trên địa bàn gây ra, ngày 14/10/2016, UBND tỉnh Tuyên Quang ra Thông báo số 88/TB-UBND chỉ đạo Sở TN&MT, các ngành liên quan, UBND các huyện và TP.Tuyên Quang dừng việc khai thác cát sỏi trên sông Lô bằng tàu cuốc từ ngày 17/10/2016. Thông báo này đến nay vẫn còn hiệu lực.
Thế nhưng, vẫn có nhiều doanh nghiệp vì lợi nhuận, vẫn ngang nhiên sử dụng tàu cuốc để khai thác cát trái phép, bất chấp yêu cầu từ UBND tỉnh Tuyên Quang.
Những ngày đầu tháng 7, Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường có mặt tại cầu Tân Hà, TP.Tuyên Quang, ghi nhận được những hình ảnh “đại công trường” khai thác cát với rất nhiều tàu hút, tàu cuốc dọc hai bờ sông. Dưới sông, máy hút cát, tàu cuốc đang hoạt động hết công suất, tiếng máy nổ rầm rầm suốt đêm ngày làm vang động cả một vùng nước.
Theo quan sát của Phóng viên, trên mặt sông có nhiều tàu hút cát cỡ nhỏ xen kẽ với sà lan vận chuyển. Thoạt nhìn đó là điều bình thường nhưng khi ghi hình và quan sát kỹ đằng sau những sà lan cát khổng lồ này là những tàu cuốc đang thi nhau hoạt động hết công suất, rút ruột lòng sông Lô. Có lẽ đây là những chiêu trò tinh vi của các đối tượng nhằm qua mặt lực lượng chức năng?
Điều đặc biệt, những chiếc tàu hút cát, tàu cuốc đang hoạt động trên tuyến sông này lại không hề có biển báo hay số hiệu của doanh nghiệp. Đáng nói, chạy dọc theo bờ sông thuộc địa phận xã Tràng Đà, phường Minh Xuân có hàng chục tàu cuốc đang bủa vây thi nhau khai thác nạo vét lòng sông chỉ cách bờ chưa đến 5 mét. Hàng nghìn mét đất nông nghiệp của người dân bị sạt lở nghiêm trọng, tạo thành bờ vách dựng đứng có thể bị cuốn trôi theo dòng nước bất cứ lúc nào.
Tìm hiểu kỹ lưỡng hơn, Phóng viên được người dân sinh sống trên địa bàn cho biết, các tàu hút cát, tàu cuốc đang hoạt động trên sông là của Công ty Cổ phần Lâm sản và Khoáng sản Tuyên Quang (gọi tắt là Công ty Khoáng sản Tuyên Quang, địa chỉ tại tổ 16 phường Minh Xuân, TP.Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang).
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, ông Đào Việt Hà, Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông đường Thủy, Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết: “Liên quan đến việc khai thác cát sỏi khu vực chân cầu Tân Hà của Công ty Khoáng sản Tuyên Quang, chúng tôi chỉ quản lý nhắc nhở doanh nghiệp về vấn đề an toàn giao thông đường thủy. Thời gian qua chúng tôi đã nhắc nhở, xử phạt doanh nghiệp do không thực hiện đúng các quy định về đảm bảo an toàn giao thông đường thủy. Về việc doanh nghiệp sử dụng phương tiện trái quy định khai thác cát sỏi trên sông Lô, trách nhiệm xử lý thuộc thẩm quyền của Cảnh sát môi trường, Công an TP.Tuyên Quang và các cơ quan chuyên môn liên quan”.
Phóng viên đã liên hệ với ông Phạm Mạnh Duyệt, Giám đốc Sở TN&MT. Ông Duyệt hẹn sẽ trả lời sau, do đang bận tham dự cuộc họp HĐND tỉnh. Bệnh cạnh đó, Phóng viên cũng nhiều lần liên hệ với đại diện của Công ty Khoáng sản Tuyên Quang qua điện thoại nhưng vị này không bắt máy.
Trước đó, vào tháng 11/2020, Tạp chí Kinh tế Môi trường cũng phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường, sạt lở bờ sông khiến hàng nghìn m2 đất bị sạt lở, bờ bãi tan hoang do khai thác cát trái quy định trên địa bàn xã Tân Long, huyện Yên Sơn.
Sau khi nhận được trình báo từ phía người dân, UBND xã Tân Long và các cơ quan chức năng huyện Yên Sơn đã vào cuộc kiểm tra xác minh tình trạng sạt lở trên do hoạt động khai thác cát sỏi của Công ty Tân Hà gây ra. Đáng chú ý, sau khi bị tạm dừng hoạt động, Công ty Tân Hà vẫn tiếp tục hoạt động trên địa bàn gây sạt lở nghiêm trọng, khiến hàng nghìn m2 đất bãi của người dân bị cuốn trôi theo dòng nước.
GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nghiên cứu khoa học Môi trường Việt Nam thuộc TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết, hoạt động khai thác trái phép cát đương nhiên không đáp ứng các yêu cầu về khảo sát, xin cấp phép, không có nghiên cứu kỹ lưỡng về tác động của hoạt động này đối với địa hình, địa chất, hình thái của lòng sông, chế độ dòng chảy, diễn biến lòng, bờ, bãi sông không có các phương án bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, hồ… “Cần phải chấm dứt các hoạt động khai thác trái phép bằng cách nâng cao hơn nữa vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương. Thậm chí có những chế tài quy định trách nhiệm, xử lý người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm trong địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý”, GS.TS Hoàng Xuân Cơ nêu quan điểm. |
Hà Nam – Trần Vân – Tạp chí KTMT
Theo Kinh tế Môi trường
Ảnh: Nhiều tàu hút cát, tàu cuốc đang tập trung khai thác trên sông Lô đoạn giáp ranh giữa xã Tràng Đà và phường Minh Xuân, TP.Tuyên Quang.
Xem bài viết gốc tại đây: