Vừa qua, tuyến Lộ Tẻ – Rạch Sỏi đã chính thức khánh thành và đưa vào sử dụng phục vụ người dân hai tỉnh Kiên Giang và Cần Thơ. Giữa những đồng ruộng mênh mông nước ngày nào nay đã hình thành một con đường khang trang khiến niềm vui của người dân nơi đây như vỡ òa.
Kết quả sau chuỗi ngày cố gắng vượt bậc
Những ngày đầu năm 2021, hàng triệu người dân tỉnh Kiên Giang vui mừng khi tuyến Lộ Tẻ – Rạch Sỏi được đưa vào sử dụng. Những bánh xe lăn trên đường cùng hàng trăm cánh tay vẫy chào nô nức của bà con khiến cho những người thực hiện dự án cảm thấy ấm lòng.
Chia sẻ nỗi niềm khi dự án được đẩy nhanh tiến độ cán đích, ông Trần Văn Thi – Tổng Giám đốc Tổng công ty Cửu Long cho biết: “Dự án Lộ Tẻ – Rạch Sỏi chính là tiền đề cho vùng đồng bằng sông Cửu Long “cất cánh”, bởi đây là dự án rất quan trọng nằm trong quy hoạch là trục cao tốc phía Tây đi từ TP. Hồ Chí Minh về khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Khi hình thành xong tuyến, cùng với việc chúng ta đã đưa vào vận hành cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống sẽ tạo thành một trục dọc khai thác với quy mô 4 làn xe cao tốc.
Sự hoàn hảo của tuyến được ghi nhận còn bởi từ những ngày sơ khai, chủ trương đầu tư chỉ có quy mô 2 làn xe. Qua quá trình thực hiện, chúng tôi đã tổ chức họp bàn cùng nhà tài trợ và nguồn vốn cho phép, báo cáo Bộ GTVT và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận nâng lên 4 làn xe. Với quy mô cao tốc và sự kết hợp với các tuyến hiện hữu, Lộ Tẻ – Rạch Sỏi chính là “điểm sáng” cho khu vực, đáp ứng nhu cầu người dân, san sẻ lưu lượng xe trên tuyến QL80 đang ùn tắc. Giờ đây, thời gian di chuyển của người dân từ Rạch Giá lên TP. Hồ Chí Minh đã được rút ngắn từ 60 đến 90 phút, việc đi lại từ Kiên Giang đến Cần Thơ cũng chỉ gói gọn trong cụm từ Lộ Tẻ – Rạch Sỏi”.
Ông Thi chia sẻ thêm, để dự án được hoàn thành như ngày hôm nay là chuỗi ngày cố gắng của rất nhiều đơn vị từ Trung ương đến địa phương, bởi dự án được thực hiện trong thời gian diễn ra cuộc khủng hoảng cung cấp cát xây dựng. Giá thành của vật liệu này tăng từ 2 – 3 lần so với giá ban đầu, gây khó khăn tài chính cho đơn vị thi công. Bên cạnh đó, dự án đa phần đi qua đồng ruộng nên việc vận chuyển thiết bị vật tư phải trung chuyển nhiều lần mới tới công trình. Thêm vào đó, việc xử lý nền đất yếu cũng là một trong những khó khăn chính của dự án. Trong bối cảnh nhiều khó khăn đó, dự án đã được hai tỉnh Kiên Giang và Cần Thơ hỗ trợ rất nhiều trong công tác giải phóng mặt bằng, sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ GTVT cũng như Tổng công ty Cửu Long. Từ đó, các đơn vị đã nỗ lực vượt qua khó khăn để hoàn thành dự án theo đúng tiến độ yêu cầu.
Ông Nguyễn Văn Sĩ – Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Fecon South không dấu diếm: “Đơn vị thực hiện một gói thầu nhỏ kéo dài 11 km trên tuyến với hạng mục thi công nền đường, mặt đường và cầu vượt dân sinh. Chỉ khi vào tham gia dự án, chúng tôi mới thấy hết sự khó khăn gấp nhiều lần so với những công trình mà Công ty đã thực hiện, bởi trước đó đã nhiều nhà thầu tham gia nhưng đều bỏ cuộc vì năng lực tài chính trước cơn “bão” giá vật liệu. Ngay khi vào thực hiện dự án, phía Công ty phải làm việc với từng đơn vị cung cấp cát, tạo nguồn tài chính mạnh để đặt trước các mỏ đá trong khu vực. Đối với việc thi công giữa đồng ruộng, chúng tôi phải chia thành nhiều mũi vận chuyển vật liệu, tận dụng hết các loại phương tiện từ sà lan đến các phương tiện nhỏ đi qua các kênh rạch. Tuy chỉ mới tham gia dự án về sau (đầu năm 2019), nhưng với sự nỗ lực vượt bậc, Công ty đã hoàn thành dự án đúng tiến độ, đi vào sử dụng phục vụ bà con nhân dân nơi đây.
Tiền đề cho đồng bằng sông Cửu Long “cất cánh”
Đánh giá về vai trò, tầm quan trọng của dự án, Tổng Giám đốc Trần Văn Thi cho rằng, với việc hoàn thành dự án Lộ Tẻ – Rạch Sỏi, kết nối cầu Cao Lãnh đến cầu Vàm Cống thì chúng ta có gần 80 km trục dọc thứ hai song song với QL1A, giảm đáng kể lưu lượng xe di chuyển từ hướng TP. Hồ Chí Minh xuống các tỉnh miền Tây và ngược lại, qua đó góp phần hoàn chỉnh mạng lưới cao tốc trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, cùng với sự đầu tư của Chính phủ, Bộ GTVT, chúng ta đã có tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Trung Lương, Trung Lương – Mỹ Thuận, Mỹ Thuận – Cần Thơ. Kết nối với trục phía Tây, chúng ta có cầu Cao Lãnh đến Vàm Cống rồi đến Rạch Sỏi. Với hai trục dọc hiện hữu đó, trong tương lai, các trục ngang đang được Bộ GTVT giao cho Tổng công ty Cửu Long lập dự án như: An Hữu – Cao Lãnh, Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng và trục dọc từ Cần Thơ – Cà Mau, từ đó góp phần hình thành mạng lưới đường cao tốc cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Từ những dự án đi vào hoạt động trong niềm vui của người dân, ông Thi vui mừng: “Với 26 năm xây dựng và phát triển, Ban QLDA Mỹ Thuận đã được Bộ GTVT tin tưởng giao thực hiện những công trình quan trọng trong khu vực như: cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ, cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống là 4 cây cầu vượt sông Tiền và sông Hậu, cùng với các tuyến cao tốc từ TP. Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền Tây. Khi các dự án này hoàn thành, Ban rất hạnh phúc khi được thấy niềm vui của người dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung. Bên cạnh đó, Ban cũng tự hào khi được giao những dự án quan trọng, góp phần lớn vào xây dựng mạng lưới giao thông của khu vực theo chủ trương của Chính phủ.
Trong niềm vui chung, ông Đỗ Thanh Bình – Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho rằng, dự án chính là một “cú hích” mới cho tỉnh Kiên Giang. Sau hơn 4 năm chờ đợi thi công, đến nay người dân địa phương đã được đi trên tuyến đường mang nhiều kỳ vọng. Tuyến Lộ Tẻ – Rạch Sỏi không chỉ góp phần thay đổi diện mạo tỉnh nhà mà còn làm thay đổi diện mạo của hệ thống giao thông khu vực, giúp nâng cao năng lực thông hành, vận tải hàng hóa. Trong giai đoạn tới, giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long cần tiếp tục được đầu tư đồng bộ, hiện đại với một loạt dự án giao thông khác đang và chuẩn bị triển khai như tuyến An Hữu – Cao Lãnh, Mỹ An – Cao Lãnh…, góp phần hoàn thiện hạ tầng của khu vực, phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh, phần nào đáp ứng được mong mỏi của hơn 20 triệu đồng bào khu vực Tây Nam bộ.
Theo Giao Thông Vận Tải
Xem bài viết gốc tại đây: