Tuần đầu 2022, trời Hà Nội mịt mù trong làn sương trắng

Tuần đầu năm 2022, không khí Hà Nội liên tục ở mức kém tiệm cận mức nguy hại. Đặc biệt sáng ngày 4/1, khi người dân quay lại làm việc bình thường sau kì nghỉ lễ thì không khí Hà Nội ô nhiễm ở mức đáng báo động.

Đây có thể là đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất tại Hà Nội kể từ đầu mùa thu đông. Trước đó, khu vực thủ đô đã có nhiều ngày suy giảm chất lượng không khí nhưng rất ít điểm ở ngưỡng nguy hại như những ngày qua.

Theo số liệu ghi nhận sáng 4/1/2022, tại Cổng thông tin quan trắc môi trường Hà Nội, chỉ số chất lượng không khí AQI trung bình là 162, mức xấu. Có hai điểm ở mức rất xấu thuộc trung tâm quận Hoàng Mai và khu vực Thành Công, Ba Đình, Hà Nội. Nhiều điểm chất lượng không khí xấu nằm rải rác khắp các quận, huyện.

Đáng chú ý, hầu hết “điểm đen” không khí đều nằm ở khu vực trung tâm nơi mật độ giao thông cực cao, trong khi các huyện ngoại thành, hoặc xa trung tâm hơn như quận Long Biên, không ghi nhận điều này.

Trước đó, vào các ngày nghỉ lễ, cụ thể ngày đầu năm mới (1/1/2022), chất lượng không khí (CLKK) 4 khu vực tại Hà Nội ở mức kém – mức những người nhạy cảm gặp phải các vấn đề về sức khỏe, người bình thường ít bị ảnh hưởng.

Cụ thể, theo thống kê của Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TN&MT Hà Nội), trong khoảng thời gian từ 15 giờ ngày 31/12/2021 đến 14 giờ ngày 1/1/2022, tại 9 trạm quan trắc không khí trên địa bàn TP có 4 khu vực ở mức kém, 5 khu vực CLKK ở mức trung bình.

Trong đó, khu vực CLKK ở mức kém gồm Phạm Văn Đồng, Hàng Đậu, Thành Công, Kim Liên với chỉ số CLKK (AQI) lần lượt là 118, 124, 128 và 135; Khu vực CLKK ở mức trung bình gồm Hoàn Kiếm, Chi cục Bảo vệ Môi trường, Mỹ Đình, Tây Mỗ, Tân Mai với AQI lần lượt là 52, 60, 66, 71 và 94.

Tuy nhiên, theo số liệu từ hệ thống quan trắc không khí tự động tại Cổng thông tin Quan trắc môi trường trên địa bàn TP tại thời điểm 17 giờ 15 phút ngày 1/1/2022, trong 9 trạm quan trắc không khí có 4 khu vực CLKK ở mức xấu, 2 khu vực ở mức kém và 3 khu vực ở mức trung bình.

Cụ thể, các khu vực có CLKK ở mức xấu gồm Phạm Văn Đồng (164), Kim Liên (171), Hàng Đậu (178) và Thành Công (187); 2 khu vực CLKK ở mức kém gồm Hoàn Kiếm (107), Tân Mai (139); các khu vực CLKK ở mức trung bình gồm Chi cục Bảo vệ Môi trường (77), Tây Mỗ (85), Mỹ Đình (87).

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, không khí lạnh suy yếu và biến tính, cộng với các hoạt động thi công, di chuyển có tần suất cao khiến tình trạng ô nhiễm không khí tại Thủ đô tái diễn. Các chất ô nhiễm không thể khuếch tán, kết hợp với sương mù tạo ra bầu không khí đặc quánh, tầm nhìn xa giảm.

Đơn vị này khuyến cáo với CLKK như hiện nay, người bình thường bắt đầu có các ảnh hưởng tới sức khỏe. Nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn. Vì vậy, vào khung giờ sáng sớm và chiều tối, người dân không nên ra ngoài tập thể dục, nhất là người già và trẻ em. Khi ra ngoài, người dân cần mang khẩu trang chống bụi PM2.5.

Bà Lê Thanh Thủy, Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội cho biết, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực cải thiện chất lượng không khí của thành phố. Đặc biệt là trong vòng 3 năm qua, thành phố đã ban hành nhiều chỉ thị nhằm kiểm soát chất lượng không khí, giảm thiểu việc đốt rơm rạ và sử dụng bếp than tổ ong.

Mới đây Sở TN&MT Hà Nội cũng đã đề xuất kế hoạch thí điểm kiểm soát khí thải miễn phí cho người dân Thủ đô, nhằm bảo vệ môi trường lên và UBND TP. Hà Nội chấp thuận, ban hành kế hoạch, để các sở ngành liên quan chuẩn bị đo khí thải mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành ở thành phố. UBND TP Hà Nội cũng thống nhất với đề xuất là từ tháng 9/2021 đến tháng 6/2022 sẽ triển khai kế hoạch này.

Nguyễn Linh (T/h) – Tạp chí KTMT

Theo Kinh tế Môi trường

Ảnh: Ảnh Hà Nội những buổi sáng ngày đầu năm mới. (Ảnh minh họa)

Xem bài viết gốc tại đây:

https://kinhtemoitruong.vn/tuan-dau-2022-troi-ha-noi-mit-mu-trong-lan-suong-trang-62898.html