Từ 21-5: Có thể nộp “phạt nguội” vi phạm giao thông tại nơi cư trú

Kết quả phạt nguội được gửi cho Công an nơi cư trú để xử lý; người vi phạm không cần quay lại nơi vi phạm để giải quyết “phạt nguội”; được nộp phạt vi phạm giao thông tại Cổng Dịch vụ công Bộ Công an.

Từ 21-5: Có thể nộp phạt nguội vi phạm giao thông tại nơi cư trú 

Tại Thông tư 15/2022 của Bộ Công an (về việc sửa đổi, bổ sung một số thông tư; trong đó Thông tư 65/2020 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông) có hiệu lực từ 21/5/2022, xe ô tô bị ghi nhận vi phạm giao thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật (hình ảnh, video) bị xử lý “phạt nguội” sẽ được gửi về trụ sở Công an nơi người vi phạm cư trú để giải quyết và xử lý vi phạm. Thay vì trước đây người vi phạm sẽ nhận được thông báo mời đến trụ sở Công an nơi phát hiện vi phạm để giải quyết vụ việc vi phạm.

Trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm không đến giải quyết, cơ quan công an sẽ thông báo đến cơ quan đăng kiểm để cảnh báo trên hệ thống đăng kiểm nhằm phối hợp xử lý vi phạm.

Trình tự xử lý “phạt nguội” như sau: Trong 10 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện vi phạm, cơ quan công an nơi phát hiện vi phạm xác định thông tin về phương tiện giao thông, chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính thông qua cơ quan đăng ký xe và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Gửi thông báo yêu cầu tổ chức, cá nhân liên quan đến trụ sở (hoặc trụ sở Công an cấp huyện, xã nơi cư trú) để giải quyết vi phạm.

Nếu quá thời hạn 20 ngày kể từ ngày gửi thông báo vi phạm, chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính không đến giải quyết, thông tin về phương tiện vi phạm (loại phương tiện; biển số, màu biển số; thời gian, địa điểm vi phạm, hành vi vi phạm; đơn vị phát hiện vi phạm; đơn vị giải quyết, số điện thoại liên hệ) được đăng lên Trang thông tin điện tử của Cục Cảnh sát giao thông để người vi phạm biết, liên hệ giải quyết theo quy định.

Đồng thời, gửi thông báo cảnh báo phương tiện giao thông vi phạm cho cơ quan đăng kiểm và cập nhật trạng thái “đã gửi thông báo cảnh báo cho cơ quan đăng kiểm”.

Sau khi vi phạm được giải quyết, cơ quan công an nơi xử lý vi phạm giao thông gửi ngay thông báo kết thúc cảnh báo cho cơ quan đăng kiểm để gỡ cảnh báo trên hệ thống đăng kiểm.

Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện cảnh báo và xóa cảnh báo phương tiện theo đề nghị bằng văn bản của cơ quan Công an. Phương tiện bị cảnh báo, khi đến thực hiện kiểm định được trung tâm đăng kiểm cung cấp thông tin về việc bị cảnh báo.

Nếu có nhu cầu kiểm định được tiếp nhận kiểm định nhưng chỉ cấp tem, giấy chứng nhận kiểm định với thời hạn 15 ngày.

Trong lần đăng kiểm tiếp theo, nếu phương tiện chưa được xóa cảnh báo, tiếp tục được kiểm định với thời hạn chứng nhận đăng kiểm 15 ngày và phải trả phí, lệ phí kiểm định bằng với mức phương tiện kiểm định theo chu kỳ bình thường.

Theo quy định hiện nay, người vi phạm giao thông có thể nộp phạt thông qua các hình thức sau:

– Nộp tiền mặt trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại nơi Kho bạc nhà nước mở tài khoản (có ghi trong quyết định xử phạt).

– Chuyển khoản vào tài khoản của Kho bạc nhà nước thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia hoặc dịch vụ thanh toán điện tử của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

– Nộp phạt trực tiếp cho chiến sĩ Cảnh sát giao thông.

– Nộp tiền phạt qua dịch vụ bưu chính công ích.

Với quy định mới tại Thông tư 15/2022, người vi phạm sẽ có thêm một cách để nộp phạt vi phạm giao thông đó là truy cập Cổng Dịch vụ công của Bộ Công an. Để nộp phạt theo cách này, người vi phạm thực hiện theo hướng dẫn sau:

Bước 1: Truy cập https://dichvucong.bocongan.gov.vn/.

Bước 2: Chọn mục Đăng ký, Quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Bước 3: Chọn Nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Bước 4: Chọn Nộp hồ sơ và thực hiện theo hướng dẫn của hệ thống để nộp phạt.

Mức phạt lỗi chạy quá tốc độ đối với ô tô, xe máy năm 2022

Điều khiển ô tô, xe máy chạy quá tốc độ quy định là hành vi bị nghiêm cấm tại khoản 11 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định.

Theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) thì mức phạt đối với hành vi điều khiển xe cơ giới giao thông chạy quá tốc độ được quy định như sau:

1. Mức phạt lỗi chạy quá tốc độ với ô tô

– Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 05 km/h đến dưới 10 km/h (Điểm a Khoản 3 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

– Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến 20 km/h (Điểm i Khoản 5 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CPđược sửa đổi tại điểm đ Khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP).

Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 đến 03 tháng (Điểm b Khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP);

– Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h đến 35 km/h (Điểm a Khoản 6 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 đến 04 tháng (Điểm c Khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 35 km/h (Điểm c Khoản 7 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 đến 04 tháng (Điểm c Khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

2. Mức phạt lỗi chạy quá tốc độ với với mô tô, xe gắn máy

– Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 05 km/h đến dưới 10 km/h (Điểm c Khoản 2 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi tại điểm k khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP)).

– Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến 20 km/h (Điểm a Khoản 4 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi tại điểm g khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP)).

– Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h (Điểm a Khoản 7 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 đến 04 tháng (Điểm c Khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

3. Mức phạt lỗi chạy quá tốc độ với máy kéo, xe máy chuyên dùng

– Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 5km/h đến 10km/h (Điểm a Khoản 3 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

– Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10km/h đến 20km/h (Điểm a Khoản 4 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 01 tháng đến 03 tháng (Điểm a Khoản 10 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20km/h (Điểm b Khoản 6 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 02 tháng đến 04 tháng (Điểm b Khoản 10 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

Luật Đồng

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Ảnh: Lợi dụng việc đường phố Hà Nội vắng vẻ, nhiều lái xe đã phóng nhanh, vượt ẩu, vượt đèn đỏ. Ảnh: Khánh Chi