Trung du và đồng bằng Bắc Bộ có nguy cơ cao xảy ra hạn hán trong vụ đông xuân

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn quốc gia, hiện nay không khí lạnh đang có cường độ ổn định. Hôm nay (14-12), do ảnh hưởng của không khí lạnh, cho nên vùng biển phía đông bắc của khu vực bắc Biển Đông; vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau, phía tây của khu vực nam Biển Đông có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8; sóng biển cao 2 đến 3 m; biển động. Khu vực nam Biển Đông có mưa rào và dông rải rác, trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số liệu thủy văn đến thời điểm này cho thấy, mực nước sông Hồng đang ở mức thấp lịch sử. Tổng lượng nước thiếu trên toàn vùng đồng bằng sông Hồng khoảng 7 tỷ m3 so trung bình nhiều năm, do đó nguy cơ hạn hán rất cao.Theo kịch bản lấy nước sẽ cần xả khoảng 5 tỷ m3. Tuy nhiên, với mực nước như hiện nay, sau khi xả, các hồ sẽ về mực nước chết, trung bình còn khoảng 9% dung tích hữu ích. Trong khi đó vẫn còn khoảng năm tháng nữa mới đến mùa mưa và điều này sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung năng lượng cũng như cấp nước sinh hoạt và sản xuất.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), năm nay nguồn nước ở các hồ thủy điện rất khó khăn. Nguồn nước từ thượng nguồn về các hồ thủy điện thấp kỷ lục. Nguyên nhân là do không có lũ, không có nước từ nguồn về. Hiện tại, nguồn nước ở hồ Hòa Bình chỉ đạt 54% dung tích hữu ích. Dự kiến, sau ba đợt xả nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân, hồ Hòa Bình sẽ còn 8% dung tích hữu ích, hồ Tuyên Quang còn 8,4%…

Hiện nay, một số hồ chứa ở Hà Nội đều thấp hơn nhiều so mực nước thiết kế, đặc biệt là Đồng Mô và Suối Hai, rất khó khăn cho sản xuất nông nghiệp. Tại trạm bơm dã chiến Phù Sa chỉ bảo đảm vận hành khi mực nước sông Hồng thấp nhất 2,5 m trở lên. Trong năm ngày qua, tại trạm đo Sơn Tây, mực nước sông Hồng chỉ đạt 1,3 m. Do địa hình, Hà Nội sẽ phải dùng 3 đến 4 cấp bơm mới có thể đưa nước đến chân ruộng, trong khi các trạm bơm chính gần như không thể hoạt động trong điều kiện thủy văn năm nay.

Hiện nhiệt độ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn ở mức thấp, một số khu vực giảm xuống chỉ còn từ 2 đến 3oC; nhiều nơi xuất hiện sương muối. Để chủ động phòng, chống rét cho khoảng 123.900 con trâu, bò, ngành nông nghiệp tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố, đơn vị chức năng tăng cường dự báo, thường xuyên cập nhật diễn biến rét đậm, rét hại cho người dân. Các khu vực vùng cao, những nơi có nguy cơ vật nuôi bị ảnh hưởng nhiều do đói, rét, cần di chuyển đàn trâu, bò thả rông về chỗ nuôi nhốt để tránh rét tốt hơn.

Trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Sơn La xảy ra tình trạng rét đậm, rét hại và sương muối đã gây thiệt về cây trồng, nhất là cây cà-phê. Riêng huyện Mai Sơn đã có khoảng 1.000 ha cây cà-phê bị thiệt hại do sương muối. UBND tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các cơ quan chuyên ngành vận động nhân dân khẩn trương thu hoạch quả, đồng thời đốn, tỉa, quét vôi và ủ gốc để giữ ấm cho cây trồng; tiếp tục thống kê diện tích bị thiệt hại để có kế hoạch hỗ trợ cho các hộ nông dân.

Tỉnh Thái Nguyên đã phải tiêu hủy gần 160 nghìn con lợn trong dịch tả lợn châu Phi. Đến nay, tỉnh đã hỗ trợ người dân 300 tỷ đồng. Hiện người dân ở những xã đã công bố hết dịch đã cơ bản được nhận tiền hỗ trợ. Cán bộ thú y ở cơ sở tích cực hướng dẫn người dân thực hiện vệ sinh chuồng trại, giám sát nguồn giống lợn sạch bệnh để khôi phục chăn nuôi.

Để kịp thời chi trả cho người dân có lợn bị tiêu hủy và các chi phí phát sinh trong quá trình tiêu hủy, tỉnh Đồng Nai đã tạm ứng 879 tỷ đồng cho người chăn nuôi. Hiện tỉnh đã hết nguồn để chi cho phòng, chống dịch và hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại.UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị Bộ Tài chính cấp thêm khoảng 480 tỷ đồng để hỗ trợ người chăn nuôi, phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.

Tỉnh Trà Vinh đang tích cực vận động các hộ chăn nuôi tiêm phòng vắc-xin bệnh lở mồm long móng trên gia súc, đặc biệt là đàn bò. Từ tháng 10-2019 đến nay, tỉnh có 162 con bò nhiễm bệnh lở mồm long móng. Ngành chức năng đã triển khai cấp bách các giải pháp dập dịch, tiêu độc khử trùng và phòng bệnh trên đàn gia súc.

Tăng cường bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng

Tổng cục Lâm nghiệp vừa có Công văn số 1955/TCLN-KL về việc tăng cường công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Theo đó, yêu cầu ngành nông nghiệp các tỉnh, thành phố chỉ đạo, kiểm tra, rà soát các tụ điểm phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật; xóa bỏ các “điểm nóng” về phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật. Chủ động xử lý thực bì, giảm vật liệu cháy ở các khu rừng dễ cháy, làm mới, tu sửa đường băng cản lửa và các công trình phòng cháy, chữa cháy rừng. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường các biện pháp chống chặt phá, khai thác rừng trái pháp luật, phòng cháy, chữa cháy rừng trước, trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán năm 2020 và trong suốt mùa khô 2020…

Theo Báo Nhân Dân

Ảnh: Công nhân Công ty Sông Tích kiểm tra, bảo dưỡng máy bơm tại trạm bơm dã chiến Phù Sa (Hà Nội). Ảnh: Lê Đức

Xem bài viết gốc tại đây:

https://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/42580002-trung-du-va-dong-bang-bac-bo-co-nguy-co-cao-xay-ra-han-han-trong-vu-dong-xuan.html