Trồng 1 tỉ cây xanh: Trồng cây nào sống cây đó, không theo phong trào

Liên quan đến việc Thủ tướng phát động trồng 1 tỉ cây xanh trong 5 năm tới, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng, tinh thần là trồng phải giám sát và như Bác Hồ nói là trồng cây nào sống cây đó, chứ không theo phong trào, trồng 10, chết 9.

Theo báo Tiền phong, chiều 24/11, tại buổi gặp gỡ báo chí thông tin chuỗi sự kiện kỷ niệm 75 năm ngành Lâm nghiệp Việt Nam sắp tới, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết: Hơn chục năm qua, ngành chế biến và xuất khẩu gỗ tăng trưởng rất cao. Cùng đó lâm sản ngoài gỗ tăng tới 30-46%/năm trong thời gian gần đây.

Theo ông Tuấn, từ đầu năm đến tháng 11/2020, xuất khẩu gỗ và lâm sản đã đạt kim ngạch 11,7 tỉ USD, tăng 1,6 tỉ USD so với cùng kỳ năm ngoái (tăng khoảng 15%). “Mục tiêu năm nay xuất khẩu gỗ và lâm sản có thể đạt 13 tỉ USD- vượt chỉ tiêu mà Thủ tướng đã giao 12-12,5 tỉ USD”, ông Tuấn nói.

Liên quan đến việc Thủ tướng phát động trồng 1 tỉ cây gỗ lớn trong 5 năm tới tại Kỳ họp 13, Quốc hội Khoá XIV, ông Tuấn cho rằng: Điều này thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của người đứng đầu Chính phủ, muốn truyền thông điệp quyết tâm khôi phục nâng cao chất lượng rừng và môi trường.

“Bộ đã báo cáo Thủ tướng và đề xuất sẽ xây dựng đề án. Đây cơ bản là những cây gỗ tán rộng, lâu năm, có tác dụng phòng hộ, tạo môi trường tốt; sẽ triển khai trên phạm vi toàn quốc và không tính vào diện tích trồng rừng thay thế. Nếu bình quân mỗi người trồng 2 cây mỗi năm, thì mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được”.

Theo ông Tuấn, những cây này sẽ trồng chủ yếu ở đô thị, khu công nghiệp, các hệ thống giao thông, những vùng chuyên canh nông nghiệp nhưng lâu nay “không thấy bóng cây”, cùng đó là trồng rừng trên đất lâm nghiệp.

“Tinh thần là trồng phải giám sát và như Bác Hồ nói là trồng cây nào sống cây đó, chứ không theo phong trào, trồng 10, chết 9”, ông Tuấn lưu ý.

Ông Tuấn cho biết, ngành lâm nghiệp hiện đang trồng mới khoảng 220.000ha mỗi năm, trong đó có diện tích trồng rừng tái canh. Do đó, Thủ tướng đồng ý với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là không tính vào diện tích tái canh vào chương trình trồng 1 tỉ cây xanh mà phải trồng mới, trong đó có cả rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.

“Quỹ đất cho rừng phòng hộ đang quy hoạch chưa có rừng khoảng 700.000ha, nếu làm tốt, quyết tâm cao sẽ trồng được 400-500.000ha cộng với rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ ven biển thì mục tiêu trồng 1 tỉ cây trong 5 năm là hoàn toàn khả thi” – ông Tuấn nhận định.

tm-img-alt
Mục tiêu trồng 1 tỉ cây xanh trong 5 năm là khả thi. (Ảnh minh họa: Internet)

Theo ông Tuấn, đề án trồng 1 tỉ cây xanh trong 5 năm sẽ được lồng ghép vào trong chương trình đầu tư công trung hạn trong năm 2021-2025. Như vậy, ngành nông nghiệp muốn đây không chỉ có việc của lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp mà thực sự phải là phong trào, việc của cả đất nước.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quốc Trị – Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, từ năm 1990 đến 2020, tỉ lệ che phủ rừng tăng trên 14,7%, tương đương 5,6 triệu ha rừng. Ngành Lâm nghiệp đã thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa nghề rừng, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Bên cạnh đó, ngành Lâm nghiệp đã phát huy lợi thế, phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu lâm sản, năm 2020, dự kiến giá trị xuất khẩu đạt khoảng 13 tỉ USD.

Việt Nam đã khẳng định vị thế của mình trên bản đồ thế giới, là quốc gia đứng thứ 5 toàn cầu, thứ 2 châu Á và đứng đầu Đông Nam Á về xuất khẩu lâm sản. Người Việt tự hào khi sản phẩm của mình có mặt tại 140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất của ngành Lâm nghiệp cao và ổn định, giai đoạn 2016 – 2020 đạt gần 6%/năm, gấp 5, 6 lần so với giai đoạn 1990 – 1998.

Nhật Hạ – Tạp chí KTMT

Theo Kinh tế Môi trường

Ảnh: Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn tại buổi gặp gỡ báo chí thông tin chuỗi sự kiện kỷ niệm 75 năm ngành Lâm nghiệp Việt Nam.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://kinhtemoitruong.vn/trong-1-ti-cay-xanh-trong-cay-nao-song-cay-do-khong-theo-phong-trao-51347.html