Trạm thu phí BOT bỏ hoang, vì sao?

Trạm thu phí không sử dụng nhưng chưa được tháo dỡ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Vì sao chưa xử lý được các trạm thu bỏ hoang này?

Trạm thu phí bỏ hoang trên quốc lộ

Năm 2005, dự án xây dựng QL1A đoạn tránh TP. Thanh Hóa được đầu tư theo hình thức BOT với chiều dài 10,04km, tổng mức đầu tư 443,9 tỷ đồng.

Dự án chính thức được cho phép thu phí hoàn vốn tại Trạm Tào Xuyên từ ngày 1/1/2009. Ban đầu trạm thu phí Tào Xuyên được đặt ở Km 318 trên QL1A, thuộc địa phận huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa).

Sau đó vào năm 2012, nhà đầu tư được di dời Trạm thu phí Tào Xuyên về Km 286+397, QL1A, thuộc địa phận phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn để thu phí kể từ ngày 1/10/2012. Vị trí này cách dự án QL1A đoạn tránh TP. Thanh Hóa tới gần 30km.

Đến ngày 10/8/2017, trạm thu phí này đã dừng hoạt động do số thu tạo lợi nhuận cho nhà đầu tư đến hết ngày 31/7/2017 đã lớn hơn số cao nhất so với các phương án đàm phán mức lợi nhuận được thống nhất.

Đến nay, theo ghi nhận của PV, sau nhiều năm bỏ hoang giữa quốc lộ, các hạng mục của trạm thu phí đều bị hư hỏng, xuống cấp trầm trọng. Hệ thống các cabin thu phí cửa đóng, then cài phủ đầy bụi.

Tương tự, tại Hà Tĩnh, Trạm thu phí Cầu Rác (thuộc địa phận xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên) được xây dựng trên QL1A đoạn tránh TP Hà Tĩnh có chiều dài khoảng 16km, đưa vào khai thác từ tháng 1/2009.

Dự án này được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, do Công ty TNHH MTV Hạ tầng Sông Đà (Tổng công ty Sông Đà) làm chủ đầu tư. Sau gần 10 năm thu phí, từ ngày 21/2/2019, Tổng cục Đường bộ Việt Nam có văn bản yêu cầu Tổng công ty Sông Đà tạm dừng thu phí tại Trạm thu phí Cầu Rác. Tuy đã dừng hoạt động được 2 năm, nhưng đến nay trạm vẫn chưa được tháo dỡ, tiềm ẩn nguy cơ TNGT.

Tại Đồng Nai, có 3 trạm thu phí BOT cầu Đồng Nai (QL1, TP Biên Hòa), QL1K (phường Hóa An, TP. Biên Hòa) và QL20 (huyện Tân Phú) đang tạm dừng thu phí.

Tuy nhiên, sau khi các trạm tạm dừng hoạt động, nguy cơ mất ATGT rất cao và thực tế đã có TNGT xảy ra.

Theo ghi nhận, dọc tuyến QL1K (chạy qua 3 địa phương TP.HCM – Bình Dương – Đồng Nai, trạm thu phí tạm dừng vào cuối tháng 10/2020) tập trung nhiều mỏ đá, mật độ xe ben lưu thông thường xuyên khiến tuyến đường ngày càng xuống cấp.

Vào tháng 10/2020, ngay tại thời điểm bàn giao, nhà đầu tư đã có văn bản gửi Tổng cục Đường bộ VN nêu rõ sẽ không chịu trách nhiệm đối với công tác đảm bảo ATGT, công tác duy tu, bảo trì, điện chiếu sáng cho tất cả các hạng mục thuộc dự án cải tạo nâng cấp QL1K.

Đã xảy ra nhiều vụ tai nạn

Trạm thu phí Bỉm Sơn đã dừng hoạt động từ năm 2017 và để không cho đến tận bây giờ

Đại tá Lê Văn Chiến, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, Trạm thu phí Bỉm Sơn đã dừng hoạt động từ năm 2017 và để không cho đến tận bây giờ.

“Qua theo dõi trên tuyến QL1A, vào những ngày nghỉ lễ, lưu lượng xe lưu thông trên tuyến rất đông và khi đi qua khu vực này thì hay bị ùn ứ lại. Không những thế còn tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. Nếu không hoạt động thu phí nữa thì cơ quan chức năng nên có biện pháp tháo dỡ, trả lại cảnh quan và đảm bảo ATGT trên tuyến”, Đại tá Chiến nói.

Theo Đại tá Chiến, trước đó, vào trung tuần tháng 12/2019, xe ô tô khách mang BKS 29B – 112.15 chở theo 12 hành khách đang lưu thông theo hướng Hà Nội – Thanh Hóa đã bất ngờ tông vào cabin của trạm thu phí. Cú tông mạnh khiến ô tô vỡ nát phần đầu, cabin trạm thu phí bị hư hỏng nặng, 5 người bị thương.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, Thượng tá Lê Tuấn Dũng, Phó trưởng Công an thị xã Bỉm Sơn cho biết: “Về vấn đề đảm bảo trật tự ATGT thì theo phân cấp tuyến QL1A là do Phòng CSGT quản lý, khi nào cần phối hợp chúng tôi sẽ phối hợp kịp thời. Tuy nhiên, nếu trạm không thu phí nữa thì nên tháo dỡ, còn để như hiện nay rất mất ATGT”.

Trung tá Nguyễn Xuân Mạnh, Đội trưởng Đội CSGT 6.1, Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, Trạm thu phí Cầu Rác không còn hoạt động từ lâu nhưng không hiểu sao chưa được tháo dỡ để đảm bảo ATGT.

Chỉ trong 2 năm qua, ở đây đã có 5 – 6 vụ TNGT, chủ yếu do xe đâm vào trạm thu phí, gây ách tắc giao thông. Gần đây nhất, sáng ngày 28/4, một xe tải đâm vào nhà trạm, khiến chiếc xe bị biến dạng hoàn toàn phần đầu, lật ngang đường.

“Đây là điểm tiềm ẩn TNGT, đơn vị đã nhiều lần kiến nghị bằng văn bản lên cơ quan có thẩm quyền nhưng trạm vẫn chưa được tháo dỡ. Nếu chưa tháo dỡ được thì phải bổ sung hệ thống cảnh báo tai nạn từ xa như đèn chớp vào ban đêm, vạch sơn, biển báo để lái xe chủ động phòng tránh”, Trung tá Mạnh đề xuất.

Ông Não Thiên Anh Minh, Phó ban chuyên trách Ban ATGT tỉnh Đồng Nai cho biết, kể từ thời điểm 3 trạm BOT trên địa bàn tạm dừng thu phí, lưu lượng và mật độ phương tiện tăng cao, khiến tình hình trật tự ATGT tại các trạm này diễn biến phức tạp hơn.

Ông Minh dẫn chứng, tại Trạm thu phí BOT cầu Đồng Nai vào tối 22/4, một thanh niên tông vào dải phân cách trước trạm thu phí. Hậu quả nam thanh niên tử vong.

Tối 2/5, một ô tô cũng tông vào dải phân cách, không xảy ra thương vong nhưng làm phương tiện hư hỏng. Trong khi đó, điều tra ban đầu tại thời điểm tai nạn thì hệ thống cảnh báo (đèn cảnh báo) hoạt động không ổn định.

Bên cạnh đó, mặt đường tại một số vị trí thuộc phạm vi các trạm này cũng mờ hết vạch sơn, đất cát trên mặt đường cũng như tại các chân dải phân cách chưa được thu dọn, vệ sinh thường xuyên.

“Để đảm bảo an toàn và thuận lợi cho người tham gia giao thông tại các khu vực này, Ban ATGT tỉnh kiến nghị Tổng cục Đường bộ VN chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn thuộc phạm vi các trạm thu phí nói trên”, ông Minh nói.

Trong khi đó, một lãnh đạo Công ty CP Đầu tư & Xây dựng cầu Đồng Nai (chủ đầu tư BOT cầu Đồng Nai) cho biết, sau ngày tạm dừng thu phí (cuối tháng 8/2020), việc duy tu bảo trì vẫn được thực hiện. Do khó khăn về tài chính nên đơn vị sẽ chính thức ngừng công tác duy tu vào cuối tháng 5 này.

Còn ông Nguyễn Đình Dũng, Phó Cục trưởng Cục QLĐB IV cho biết, sau khi tuyến QL1K tạm dừng thu phí, đơn vị BOT đã dừng luôn việc duy tu bảo dưỡng tuyến.

Để đảm bảo ATGT, Cục phải đề nghị Công ty 676 tạm ứng vốn duy tu nhưng chỉ là vệ sinh đường, dặm vá ổ gà. Đáng lo ngại hệ thống chiếu sáng trên QL1K đã hư hỏng, đến nay chưa thể thay thế đèn chiếu sáng do không bố trí được nguồn vốn.

“Hiện các dự án BOT đang tạm dừng thu để quyết toán tài chính. Đối với công tác duy tu, Cục QLĐB IV vẫn chờ hướng dẫn và chỉ đạo từ cơ quan cấp trên để thực hiện”, ông Dũng cho hay.

Khi nào sẽ tháo dỡ?

Lý giải về việc chưa thể tháo dỡ Trạm thu phí Cầu Rác, ông Võ Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục QLĐB 2.3 (Cục QLĐB 2, Tổng cục đường bộ VN) cho biết, Trạm thu phí Cầu Rác đã dừng thu phí từ tháng 2/2019, đến cuối tháng 12/2020, Tổng công ty Sông Đà mới hoàn tất thủ tục bàn giao tài sản sang cho Cục quản lý.

Từ khi dừng thu phí, công tác đảm bảo ATGT vẫn các đơn vị quản lý đường bộ thực hiện. Trạm vẫn có đèn chiếu sáng ban đêm, có đủ các biển báo, vạch sơn cảnh báo ATGT. Việc đến nay vẫn chưa thể tháo dỡ trạm là do đang trong giai đoạn làm thủ tục chuyển giao tài sản.

“Trạm thu phí chuyển từ doanh nghiệp BOT về Nhà nước bắt buộc phải có quyết định của Bộ Tài chính xác định công trình thuộc sở hữu toàn dân thì lúc đó Bộ GTVT mới có thể đưa ra các quyết định liên quan đến trạm thu phí. Từ đầu tháng 4/2021, Bộ GTVT đã chuyển toàn bộ hồ sơ, báo cáo tài sản sang Bộ Tài chính. Những thủ tục, văn bản báo cáo phía Chi cục và Cục cũng đã làm đầy đủ. Thế nhưng vẫn phải chờ vì đây là trình tự thủ tục hành chính, phải làm đúng theo quy định. Như Trạm thu phí BOT hầm Đèo Ngang trước đây cũng vậy, từ khi bàn giao đến khi tháo trạm cũng mất từ 2 – 3 năm làm thủ tục”, ông Giang nói.

Cụ thể hơn, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho hay, các trạm thu phí nói trên nằm trong số 9 dự án BOT đang tạm dừng thu phí chờ xác lập quyền sở hữu toàn dân.

Trong số này, ngoài 2 dự án ở khu vực phía Nam là dự án là BOT cầu Đồng Nai và QL1K, Tổng cục đã chỉ đạo Cục Quản lý đường bộ IV tiếp nhận bảo quản, các dự án sau khi dừng thu phí nhà đầu tư BOT đã không làm công tác quản lý bảo trì tuyến đường, bao gồm cả trạm thu phí khiến cho tuyến đường và tài sản trên tuyến bị xuống cấp.

Nguyên nhân theo ông Cường là 9 dự án đang gặp vướng mắc về cơ chế bảo trì các dự án BOT bị dừng thu phí. Trong đó, vướng mắc lớn nhất về thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân. Khi chưa xác lập được quyền sở hữu toàn dân và chuyển giao tài sản từ nhà đầu tư BOT về cho Nhà nước quản lý thì không thể bố trí vốn ngân sách để làm công tác bảo trì.

“Bộ GTVT đã có văn bản giao Tổng cục Đường bộ VN thực hiện công tác tiếp nhận, bảo quản các dự án theo đúng quy định. Về lâu dài, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính hướng dẫn tháo gỡ vấn đề này”, ông Cường nói.

Tổng cục Đường bộ VN cho biết, hiện có 9 dự án đang tạm dừng thu phí là những dự án sắp kết thúc hợp đồng. Trong số này, có 4 dự án nhà đầu tư dừng không thực hiện bảo trì là dự án QL2 đoạn Nội Bài – Vĩnh Yên, QL1 đoạn tránh Hà Tĩnh, QL1K đoạn Km 2+478 – Km 12+971 và QL1 đoạn tránh Cai Lậy.

Có 2 dự án nhà đầu tư bảo trì cầm chừng không đạt chất lượng là dự án QL1 đoạn tránh TP Thanh Hóa và QL91 đoạn Km 14 – Km 50+889. Có 3 dự án nhà đầu tư vẫn tiếp tục bảo trì là dự án xây dựng cầu Đồng Nai, QL20 đoạn qua các thị trấn và QL1 đoạn Hòa Cầm – Hòa Phước và Tứ Câu – Vĩnh Điện.

P.Tuấn – V.Thanh – VPhú – T.Duy – Báo Giao Thông

Theo Giao Thông

Ảnh: Trạm thu phí BOT cầu Đồng Nai đang tạm dừng thu phí. Ảnh: Vĩnh Phúc

Xem bài viết gốc tại đây:

https://www.baogiaothong.vn/tram-thu-phi-bot-bo-hoang-vi-sao-d506415.html