Nếu quan sát từ ngoài vũ trụ, hình ảnh của Địa cầu đang bị mờ đi trông thấy chỉ trong vài thập kỷ. Nguyên nhân của hiện tượng này là do biến đổi khí hậu.
Theo nghiên cứu vừa đăng tải trên tạp chí khoa học Geophysical Research Letters, Trái Đất hiện đang phản chiếu lượng ánh sáng ít hơn khoảng nửa watt trên mỗi mét vuông so với năm trước, trong đó sự sụt giảm chủ yếu tập trung trong vòng 3 năm qua.
Các nhà khoa học đã sử dụng dữ liệu đo độ phản xạ của mặt đất dựa trên ánh sáng phản xạ từ Trái Đất chiếu sáng bề mặt mặt trăng trong vòng vài thập kỷ, cũng như các phép đo vệ tinh. Các tác giả gọi hiện tượng Trái Đất mờ đi là ”sự sụt giảm albedo”.
Tến sĩ Philip Goode từ Viện Công nghệ New Jersey (Mỹ), tác giả chính của nghiên cứu cho biết, sự ấm lên của các đại dương đã gây ra hiện tượng sụt giảm các đám mây sáng, phản chiếu, tập trung chủ yếu ở vùng trũng thấp Đông Thái Bình Dương trong các năm gần đây nhất, theo phép đo vệ tinh được thực hiện bởi Hệ thống Năng lượng bức xạ Trái Đất CERES của NASA. Hiện tượng tương tự được ghi nhận ngoài khơi bờ biển phía Tây của Bắc Mỹ và Nam Mỹ.
Sự mờ đi của Trái Đất – tức phản chiếu ánh sáng yếu hơn – cũng đồng nghĩa với việc hành tinh phải thu nhận nhiều hơn năng lượng từ Mặt Trời và lại trở nên nóng hơn, như một vòng luẩn quẩn.
Công trình nghiên cứu một lần nữa nhấn mạnh tác động đáng sợ của biến đổi khí hậu lên cả một hành tinh đã có lịch sử hàng tỉ năm tuổi. Biến đổi khí hậu đang làm cho các hiện tượng thời tiết cực đoan mỗi năm lại tăng lên cả số lượng và mức độ nghiêm trọng, hạn hán, lũ lụt, nước biển dâng… đang ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của nhân loại toàn cầu.
Bắc Lãm
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Trái đất nhìn từ không gian. Ảnh: NASA